Điện toán đám mây và những điều cần biết

"Đám mây" là một giải pháp đáng quan tâm khi lưu trữ các dữ liệu quan trọng.

Trong bối cảnh công nghệ thông tin càng ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh doanh của cá nhân và tổ chức, từ các tập đoàn lớn đến các cửa hàng bán lẻ, việc đảm bảo an toàn dữ liệu trở nên vô cùng bức thiết. Thực tế ngày càng xuất hiện nhiều cuộc tấn công quy mô từ nhỏ tới lớn vào các trung tâm dữ liệu, nguồn thông tin cá nhân của người dùng.

Điện toán đám mây và những điều cần biết - 1

Trung tâm dữ liệu "trên mây" của website The Drum.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Hữu Ru, Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp Hệ thống Long Vân đã chia sẻ những thông tin liên quan tới ngành công nghệ điện toán đám mây trong sự kiện “Cloud Platform - Hành trình mây hoá doanh nghiệp”.

Lợi ích của nền tảng điện toán đám mây (Cloud Platform)

Có rất nhiều lý do khiến doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng điện toán đám mây để quản lý hạ tầng CNTT, một lý do quan trọng trong số đó chính là an toàn dữ liệu. Những ưu điểm của nền tảng điện toán đám mây mà ông Ru nêu ra, tuy không mới nhưng luôn là trọng tâm của mọi hệ thống điện toán đám mây.

An toàn dữ liệu:

An toàn dữ liệu là mối quan tâm hàng đầu đối với nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Ở một số quốc gia còn có quy định rất rõ ràng về việc lưu trữ và truyền tải thông tin dữ liệu đối với các nhà cung cấp dịch vụ.

Dễ nhận thấy rằng, việc lưu trữ ở một trung tâm dữ liệu vật lý tồn tại khá nhiều rủi ro: Hỏng phần cứng, lỗi người dùng, virus xâm nhập, thiên tai… Khi đó, hệ thống phải có cơ chế sao lưu tự động hàng ngày tại trung tâm dữ liệu sơ cấp và thứ cấp, onsite và offsite.

Tính sẵn sàng:

Trước đây, nhiều doanh nghiệp e ngại điện toán đám mây vì họ sợ những gì không quản lý trực tiếp được. Tuy nhiên, nếu suy nghĩ sâu hơn, việc mua một hay nhiều máy chủ đặt ở văn phòng để lưu trữ web, email, lưu trữ dữ liệu, chạy phần mềm, ứng dụng… và điều hành bởi những nhân viên IT thông thường không thể đem lại tính sẵn sàng cao bằng nguồn tài nguyên từ hạ tầng điện toán đám mây công nghệ cao, được phân phối qua internet và được các chuyên gia kỹ thuật giám sát 24/24.

Kiến trúc đặc thù của điện toán đám mây cho phép tập trung những nguồn tài nguyên nhàn rỗi trong hệ thống để xử lý công việc ở nơi thiếu hụt, nâng hiệu suất lên 3-5 lần. Bên cạnh đó, khi một máy chủ trong hệ thống gặp sự cố thì máy chủ kế tiếp sẽ tự động thay thế và tăng công suất hoạt động lên, đảm bảo hệ thống có thời gian "sống" đến 99.99%.

Tốc độ và hiệu suất:

Lấy ví dụ ngay từ trung tâm dữ liệu của Long Vân, ông Ru cho biết, hệ thống này được xây dựng theo chuẩn Tier 3 - tiêu chuẩn cao nhất khi đánh giá một trung tâm dữ liệu. Hạ tầng cho tốc độ truyền tải 10Gb/s và có thể mở rộng lên 40Gb/s tuỳ theo nhu cầu của khách hàng.

Tốc độ và hiệu suất có thể khác nhau ở các nhà cung cấp dịch vụ khác nhau, nhưng việc chọn lựa một hệ thống có tốc độ và hiệu suất cao sẽ mang lại nhiều lợi ích: Truy cập nhanh, hạn chế nghẽn băng thông,...

Khả năng mở rộng:

Nhu cầu tài nguyên của doanh nghiệp bạn hiện tại là bao nhiêu? 5 năm nữa là bao nhiêu? 10 năm nữa là bao nhiêu?

Đa số doanh nghiệp sẽ dễ dàng trả lời được câu số 1, ngập ngừng ở câu thứ 2 và không thể trả lời được câu thứ 3. Điện toán đám mây vẫn được xem là biểu tượng của sự linh hoạt. Mỗi khi doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng hay thu hẹp, họ có thể yêu cầu nhà cung cấp tiến hành chỉ trong vài phút. Họ không còn phải lãng phí một lượng lớn tài nguyên chỉ để dự trù cho nhu cầu trong tương lai mà không biết chính xác là bao nhiêu.

Vấn đề chi phí:

Chi phí là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bỏ ra một khoản chi phí lớn để đầu tư mua máy chủ chỉ là sự khởi đầu, họ còn phải xây dựng không gian đầy đủ điều kiện về điện, độ ẩm, nhiệt độ để chứa máy chủ, chi trả phí bản quyền cho phần mềm, ứng dụng và phải thuê nhân viên IT để vận hành bộ máy đó. Đây là giải pháp rất tốn kém.

Khi chuyển lên điện toán đám mấy, các khoản chi phí đó sẽ không còn là mối lo ngại nữa vì hạ tầng và đội ngũ nhân viên vận hành sẽ do chính nhà cung cấp dịch vụ đảm nhiệm.

Điện toán đám mây và những điều cần biết - 2

Sao lưu dữ liệu nhiều tầng cũng là một khía cạnh quan trọng của điện toán đám mây. (Ảnh minh họa: Internet)

Hiện nay có nhiều loại dịch vụ điện toán đám mây khác nhau, tùy theo đánh giá của doanh nghiệp tại thị trường mà họ cung cấp phù hợp. Chẳng hạn, hệ thống của Long Vân do ông Ru quản lý thì có Cloud Data Center, Dedicated Cloud Server, Cloud Server Cloud Desktop.

Ngoài các dịch vụ hạ tầng IaaS (Infrastructure as a Service) như trên thì còn có các dịch vụ phần mềm SaaS (Software as a Service) như Business Backup, Personal Backup...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN