Nói xấu người khác là gieo nghiệp sống cô độc

Trong cuộc sống chúng ta nên hạn chế, nếu được thì không nên buôn chuyện về người khác.

Có một kiểu “bà tám” khá phổ biến mà có lẽ trong đời không ít người đã từng một lần mắc vào, đó là: “Em có chuyện này, em nói với chị, chị không được kể với ai”; "Chuyện này chỉ tao với mày biết thôi đấy”; “Chuyện con Lan chưa ai biết đâu đấy, mày nhớ giữ mồm giữ miệng cho tao”

Cứ như vậy, người này dặn người kia, người kia lại dặn người kìa…, và rồi cuối cùng câu chuyện “bí mật” được cả làng, cả xã, cả cơ quan đoàn thể đều biết.

Nói xấu người khác là gieo nghiệp sống cô độc - 1

Buôn chuyện về người khác là mắc vào một trong những điều cấm kỵ (Ảnh minh họa)

Những kiểu rỉ tai nhau những thông tin nhạy cảm về người khác như vậy nhiều đến nỗi được gọi thành một cái tên quen thuộc là “bà tám”.

Kiểu những người có tính cách bà tám này thường là người mắc tật nói nhiều. Họ tám chuyện là để cho vui, nói câu chuyện làm quà chứ không cố ý đồ làm hại người khác.

Để nhận diện những bà tám này không khó. Đó là những người nếu trong ngày mà không nói chuyện được với ai là chịu không nổi. Trong các cuộc hội thoại, thậm chí họ là người tranh phần để được nói. Nhấc điện thoại lên là nói một tràng như bắn súng liên thanh, nói liền một hơi cả tiếng đồng hồ rồi cúp máy cái rầm mà không để người khác nói.

Kiểu bà tám này mặc dù không cố tình làm hại người khác nhưng thông tin bí mật, thông tin nhạy cảm của người khác hoặc thậm chí là tự bịa ra thông tin “giật gân” về người khác để “buôn”, để “chém gió” đều ít nhiều gây hại cho người khác.

Theo nhà Phật, lời nói nói ra làm người khác đau khổ thì đều là một cách gieo nghiệp bất thiện. Vì thế theo luật nhân quả, họ cũng sẽ phải chịu quả báo xấu như thường.

Bên cạnh các bà tám “vô thưởng vô phạt”, thích chém gió xuyên lục địa này thì có những người mắc phải tật hay nói xấu người khác. Đi với người này thì nói xấu người kia. Đi với kia lại nói xấu người này.

Ví dụ, mặc dù rất thân với em B nhưng đi với chị A sẽ nói là “Con B nó ghê gớm lắm, nó thế này, nó thế kia. Nó bảo chị thế này, nó bảo chị thế kia”. Rồi khi đi với em B lại nói về chị A là “Bà A tưởng là tử tế nhưng không phải đâu. Bà ấy nói em thế này, nói em thế kia”… Cuối cùng sau những bữa tâm sự gan ruột tình chị em thắm thiết như vậy, bỗng dưng em B và chị A nhìn nhau bằng ánh mắt hình viên đạn.

Xuất phát từ những lời nói xấu sau lưng như vậy, nhiều người vì thiếu bản lĩnh mà nghe, mà tin nên đã đánh mất đi nhiều mối quan hệ tốt đẹp, đánh mất nhiều cơ hội và niềm vui trong cuộc sống mà không hề hay biết.

Có những người đang rất thân thiết với nhau, chỉ vì nghe lời nói xấu kiểu đó mà mối tình thân tan vỡ. Có những mối quan hệ đồng nghiệp đang xích mích một chuyện nhỏ gì đó, nếu gặp phải những bà tám “xấu bụng” như trên, thay vì sau khi tâm sự ra chuyện xích mích của mình tưởng sẽ được hàn gắn, ai ngờ càng tâm sự với bà tám thì mâu thuẫn với người kia càng trở nên căng thẳng, nặng nề. Ban đầu chỉ ghét nhau ở mức 5, sau khi gặp bà tám, họ sẽ ghét người kia đến mức 10.

Theo Thượng tọa Thích Chân Quang, trụ trì Thiền tôn Phật Quang (Bà Rịa, Vũng Tàu), những người hay nói xấu người khác sau lưng như vậy về sau sẽ mắc quả báo sống đời cô độc, chẳng ai thương mến đoái hoài tới…

Bởi vậy mà trong cuộc sống chúng ta nên hạn chế, nếu được thì không nên buôn chuyện về người khác. Buôn chuyện về người khác là mắc vào một trong những điều cấm kỵ trong nhà Phật. Đặc biệt là nói xấu người khác sau lưng, hoặc chê bai người khác đều là cách gieo nghiệp xấu cho mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mạc Vi ([Tên nguồn])
Ăn mặc và giao tiếp chốn công sở Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN