Lệch pha cung cầu, thị trường địa ốc tiềm ẩn bất ổn

Nguồn cung nhà ở cao cấp đang nhiều hơn nguồn cung nhà bình dân, trong khi đó đại bộ phận người dân có nhu cầu mua nhà giá trung bình, diện tích trung bình và nhỏ.

Theo báo cáo sáu tháng đầu năm 2016 của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) thị trường bất động sản (BĐS) đã có dấu hiệu chững lại, tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn.

Dẫn chứng về dấu hiệu trên, HoREA chỉ ra giao dịch chững lại, có dấu hiệu lệch pha sang phân khúc BĐS cao cấp trong khi thiếu sản phẩm căn hộ bình dân quy mô vừa và nhỏ có 1-2 phòng ngủ, có giá bán vừa túi tiền. Thống kê 34 dự án được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn với hơn 14.900 căn, tăng 1,8 lần; riêng căn hộ trung - cao cấp tăng đến 16% trong khi đó căn hộ bình dân giảm gần 19% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó vẫn có các dự án chưa đủ điều kiện đã huy động vốn và hiện tượng một số chủ đầu tư lạm dụng chế định đặt cọc theo điều 328 Bộ Luật Dân sự trong lúc Luật Kinh doanh bất động sản lại không điều chỉnh hành vi này, để huy động vốn trước thông qua các hình thức như hợp đồng đặt cọc, hợp đồng hứa mua hứa bán, hợp đồng vay vốn người mua nhà... Tình trạng này làm tăng rủi ro cho người mua nhà.

Lệch pha cung cầu, thị trường địa ốc tiềm ẩn bất ổn - 1

Nguồn cung BĐS cao cấp tăng trong khi sản phẩm bình dân lại giảm

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết trong thị trường cũng đã xuất hiện một số trường hợp chủ đầu tư dự án không chấp hành đúng quy định pháp luật như các chung cư Harmona, Bảy Hiền, Rubyland, Petrolandmark gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường BĐS. Các chủ đầu tư thiếu chuyên nghiệp, thiếu năng lực hoặc sử dụng vốn huy động, vốn tín dụng sai mục đích, có trường hợp còn do sự quản lý lỏng lẻo hoặc đồng tình của tổ chức tín dụng đã không chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng.

Cũng có trường hợp chủ đầu tư chưa đảm bảo đủ điều kiện đưa nhà chung cư vào sử dụng đã cho khách hàng vào ở; chưa thực hiện đúng các quy định về thế chấp, giải chấp và bán nhà cho khách hàng đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến an sinh xã hội; tranh chấp trong chung cư vẫn còn xảy ra phức tạp... Tất cả những việc này đã làm ảnh hưởng đến niềm tin thị trường, tác động xấu đến thị trường BĐS trong những tháng đầu năm 2016.

Tuy nhiên, theo ông Châu với những thay đổi về chính sách của Chính phủ về cơ bản đã hình thành khung chính sách định hướng phát triển kinh tế đất nước, ổn định vĩ mô với những cam kết lớn tạo điều kiện cho DN phát triển.

Ngân hàng Nhà nước đã chủ động và linh hoạt trong điều hành và đang có sự điều chỉnh chuyển sang chính sách tín dụng thận trọng hơn. Thông qua việc ban hành Thông tư 06/2016 nâng hệ số rủi ro trong kinh doanh BĐS lên mức 200% và xác định lộ trình 2 năm để giảm dần nguồn cung tín dụng vào BĐS đã phát đi thông điệp mạnh mẽ điều chỉnh thị trường BĐS theo hướng tích cực, tạo áp lực buộc các nhà đầu tư phải tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế.

Lãnh đạo Thành phố cũng đã truyền cảm hứng và khát vọng cho người dân và DN, chuyển hướng cơ quan chính quyền và đội ngũ công chức sang vai trò phục vụ... Tất cả các việc làm trên của bộ máy nhà nước cộng với nỗ lực vượt bậc của cộng đồng DN đã góp phần ổn định niềm tin của thị trường. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Q.Huy (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN