Việt Nam chính thức ký kết Hiệp định TPP

Bộ trưởng 12 quốc gia thành viên vừa ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một trong những thỏa thuận thương mại đa quốc gia lớn nhất từ trước đến nay - tại New Zealand.

Lễ ký hiệp định TPP diễn ra ở Auckland - New Zealand hôm 4-2.

Theo đài BBC, Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb là người đầu tiên ký vào biên bản thỏa thuận và Bộ trưởng New Zealand Todd McClay ký sau cùng. Những người tham dự buổi lễ reo hò khi hiệp định đạt được những tiến bộ đầu tiên.

Đoàn Việt Nam tại New Zealand do Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng dẫn đầu

Đây là bước khởi đầu mở ra cơ hội lớn để hiệp ước thương mại đa quốc gia này trở thành hiện thực. Tuy nhiên, 12 quốc gia thành viên TPP – chiếm 40% nền kinh tế thế giới - có hai năm để phê chuẩn hoặc từ chối hiệp định.

Thủ tướng New Zealand John Key nhấn mạnh TPP "thực sự là một hiệp định lớn" và các nước thành viên cần nỗ lực giúp TPP được phê chuẩn trong nước. Theo ông, TPP "chỉ là một tờ giấy" cho đến khi nó có hiệu lực.

Việt Nam chính thức ký kết Hiệp định TPP - 1

Hiệp định TPP đã được ký tại New Zealand hôm 4-2. Ảnh: DPA

TPP hoàn tất đàm phán vào tháng 10-2015, sau nhiều năm thương thảo và nhiều lần trễ hẹn.

TPP đề ra các quy định mới về các vấn đề: quyền sở hữu trí tuệ, luật đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, quy trình xử lý tranh chấp.

TPP bao gồm các thành viên Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Brunei, Úc, New Zealand, Canada, Mexico, Chile và Peru. TPP có thể góp thêm cho GDP thế giới gần 300 tỉ USD mỗi năm.

Những người chống lại hiệp định, bao gồm một số người Mỹ, lo ngại việc làm tại nước này sẽ chuyển sang các nước đang phát triển một khi TPP đi vào hoạt động.

Dù vậy, Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết thỏa thuận thương mại đa quốc gia “đặt người lao động Mỹ làm ưu tiên hàng đầu”. “Quan hệ đối tác sẽ tạo cho Mỹ có lợi thế hơn các nền kinh tế hàng đầu khác, cụ thể là Trung Quốc. Chúng ta nên để TPP được thực thi trong năm nay, giúp người lao động Mỹ phát triển và các doanh nghiệp Mỹ cạnh tranh, giành chiến thắng trên toàn thế giới” – ông phát biểu hôm 3-2.

Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman nói thỏa thuận này có thể giúp tăng trưởng kinh tế của Mỹ thêm được 100 tỉ USD/năm. Dù vậy, TPP vẫn trở thành vấn đề gây tranh cãi trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 11-2016.

Trong khi đó, tại Auckland và ở Mỹ, những người biểu tình phản đối TPP trong nhiều tháng qua. Trước buổi lễ hôm 4-2, đường phố xung quanh quận thương mại trung tâm của Auckland tới cầu cảng bị chặn, làm nổ ra các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo P.Nghĩa (Người lao động/ BBC)
Hiệp định TPP: Cơ hội và thách thức Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN