Doanh nghiệp muốn được việc phải “bôi trơn”

Không ít cán bộ nhà nước nhũng nhiễu, phiền hà, “đẻ” ra quá nhiều quy định, giấy phép con. Doanh nghiệp biết rõ là vô lý nhưng phải ấm ức làm theo.

Môi trường kinh doanh dù đã cải thiện nhưng vẫn còn rất khó đối với doanh nghiệp (DN). DN phải lo đủ loại giấy tờ, thủ tục; rồi tiếp đón các đoàn thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế, phòng cháy chữa cháy, tài nguyên môi trường… liên tục tới làm việc, tìm từng lỗi rất nhỏ để soi mói. “Cần phải cải thiện, đột phá hơn nữa chứ không chỉ nói suông. Thay vì tập trung vào sáng tạo, đổi mới sản phẩm thì DN lại phải dành quá nhiều thời gian cho việc tiếp đón, đáp ứng thủ tục, yêu cầu của các ban, ngành địa phương” - lãnh đạo một DN nêu thực trạng.

Bầm dập

Đại diện một DN sản xuất hàng tiêu dùng ở huyện Bình Chánh, TP HCM cho biết nhiều năm nay không được phép xây dựng nhà xưởng mới trên mảnh đất của mình vì mỗi lần xây lên lại bị chính quyền địa phương yêu cầu tháo dỡ. Muốn trót lọt thì phải “lót tay” kha khá nên cuối cùng, DN phải thuê đất nơi khác mở nhà xưởng.

“Bao đợt hô hào cải cách thủ tục hành chính nhưng DN vẫn bị hành là chính. Tôi vừa gây với một lãnh đạo xã phụ trách kinh tế nơi nhà máy đóng vì bị hạch sách quá đáng. Hôm trước vị này đến nhà máy kiểm tra, hôm sau lại vẽ cái này, bày cái khác rồi yêu cầu phải kê khai đủ thứ.

Chúng tôi thuê một nhà xưởng nhỏ cách công ty 3 m cũng phải làm thủ tục. Vị này yêu cầu phạt, sau một hồi dọa dẫm lại quay sang xin hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo. Xin công khai có, xin “chui” cũng có, cứ như “làm tiền” DN. Cứ thế này thì làm sao DN tập trung làm ăn?” - phó giám đốc DN nêu trên ngán ngẩm.

Doanh nghiệp muốn được việc phải “bôi trơn” - 1

Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM sáng 26-4 Ảnh: Tấn Thạnh

Giám đốc một DN sản xuất quần áo trẻ em trên địa bàn TP HCM cũng bức xúc không kém. Ông cho biết cơ quan BHXH từ tháng 9-2015 có quy định DN không phải đóng BHXH cho người lao động đã nghỉ nhưng đến hết năm 2015 vẫn chưa triển khai xong. Vậy là công ty của ông bị buộc đóng tiền bảo hiểm cho những người đã nghỉ, còn phải đóng phạt.

Chưa hết, cơ quan này yêu cầu DN kê khai BHXH qua mạng. Hệ thống mạng trục trặc, BHXH yêu cầu DN kê khai bằng giấy, chờ cán bộ xuống lấy. Vài ngày sau không thấy phản hồi, DN gọi điện thoại hỏi thì được trả lời là mạng đã hoạt động, giấy kê khai lần trước bỏ và DN phải kê khai lại từ đầu! Cứ như vậy, suốt từ tháng 10-2015 đến giờ, DN vẫn phải “chạy theo ông bảo hiểm”. Cử hẳn một nhân viên chuyên “theo” xử lý nhưng cũng không ăn thua, DN đành nhờ một luật sư và đến giờ 10 phần mới được 8 phần.

“Thời gian đâu mà DN chạy theo tình trạng này? Chi phí đâu mà DN trả cho nhân viên chỉ suốt ngày đi theo BHXH? Đó là chưa kể hàng loạt ban, ngành, cơ quan khác. Thậm chí, tiền BHXH thu không đúng nhưng DN muốn đòi lại còn khó hơn lên trời. DN hỏi thì cán bộ BHXH khuyên bỏ đi, đừng nghĩ tới chuyện thu hồi. Tuy nhiên, 10 triệu, 100 triệu đồng đối với DN nhỏ như chúng tôi đâu phải kêu bỏ là bỏ được. DN nhỏ xíu mà 2 năm tiếp đến 3 đoàn liên ngành đến thanh tra, kiểm tra” - giám đốc DN này bức xúc.

Phải biết thủ tục “đầu tiên”

Công bố mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết hiện có đến 7.000 giấy phép con, một nửa trong số đó không còn hợp lý. Nghịch lý là những giấy phép không hợp lý này vẫn tồn tại và có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng lớn đến DN.

Theo các DN, ngày càng có nhiều giấy phép con được “đẻ” ra, buộc DN phải “chạy” hoặc chịu phạt vì thiếu các loại giấy này. Đường nào cũng phát sinh chi phí tốn kém, mất thời gian, bê trễ công việc. Biết rõ là vô lý nhưng DN phải cắn răng chịu đựng.

Với lĩnh vực khá đặc thù, phải “quan hệ” rộng, nhiều DN quảng cáo cho biết quy định ngầm là mọi thủ tục, hồ sơ liên quan đến sở, ngành, chính quyền đều phải làm thủ tục “đầu tiên” thì mới suôn sẻ. Nộp hồ sơ thì phải kèm phong bì, không thì chạy tới chạy lui 5-7 lượt không xong.

Trước đây, giấy phép quảng cáo có hiệu lực 1 năm. Luật Quảng cáo quy định từ ngày 1-1-2013, các địa phương phải quy hoạch quảng cáo song hiện TP HCM vẫn chưa quy hoạch xong quảng cáo ngoài trời. Vì thế, DN phải xin giấy phép 6 tháng/lần. “Đây là một bước lùi. Luật tưởng thông thoáng hơn nhưng không có hiệu lực gì, DN phải thêm thủ tục, thêm phiền hà vì cứ 6 tháng phải lo xin giấy phép mới” - giám đốc một DN quảng cáo phàn nàn.

Theo GS Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, giấy phép con đối với lĩnh vực kinh doanh có điều kiện là việc bình thường. Điều bất bình thường là một số cơ quan quản lý đã vin vào nhiều lý do khác nhau để tạo ra giấy phép con, gây khó khăn cho DN. Vụ việc quán cà phê Xin Chào ở huyện Bình Chánh, TP HCM là một trường hợp quá rõ về nạn giấy phép con.

TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết gần đây, Chính phủ đã tích cực đề cập vấn đề bỏ bớt thủ tục hành chính nhưng mới là chủ trương, không được giám sát thực hiện đầy đủ để tháo gỡ, giải quyết đồng bộ theo yêu cầu của DN. Luật cho phép DN làm bất cứ việc gì pháp luật không cấm, trừ những ngành kinh doanh có điều kiện phải có giấy phép.

Thế nhưng, đến nay, những ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện mà DN phải xin phép vẫn chưa được công bố rõ ràng. Ranh giới giữa những việc nhà nước cho phép DN được và không được làm quá mong manh, tạo kẽ hở cho các cơ quan, sở, ngành “đẻ” thêm giấy phép con và một số cán bộ dựa vào đó trục lợi.

Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO TP HCM, chỉ ra rằng mấu chốt nằm ở chỗ không cơ quan nào muốn bỏ giấy phép con. Chính phủ quyết tâm “cởi trói” cho DN, bảo vệ và ủng hộ kinh doanh nhưng thực tế, mối quan hệ giữa DN và các cấp chính quyền cực kỳ phức tạp, rất khó xử lý nếu chỉ dừng lại ở quyết tâm chung chung. Phải đi vào thực tế, điều chỉnh cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ giấy phép con trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc cụ thể của DN.

Than trời vì chi phí ngoài luồng

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho biết chi phí không chính thức là một gánh nặng đè lên vai khu vực tư nhân, khiến các DN ngại lớn và không lớn lên được. Nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức trong năm 2015 không hề giảm và đây là một xu hướng rất đáng lo ngại cho môi trường kinh doanh Việt Nam.

62% DN siêu nhỏ, 68% DN nhỏ đánh giá hiện tượng chi trả chi phí không chính thức là thường xuyên. Với các DN có quy mô vừa và lớn thì con số này còn cao hơn, lần lượt là 70% và 69%. Quy mô của các khoản chi phí này đối với các DN nhỏ và vừa là tương đối lớn, chiếm hơn 10% doanh thu.

T.Hà

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thái Phương - Thanh Nhân (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN