Hàng trăm phụ nữ sập bẫy tình “ông chủ giàu có nhưng éo le"

Từ năm 2014 đến năm 2016, trên địa bàn toàn quốc đã xảy ra hàng trăm vụ sập “bẫy tình” do người nước ngoài cấu kết với người trong nước lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Hàng trăm phụ nữ sập bẫy tình “ông chủ giàu có nhưng éo le" - 1

Nhóm đối tượng người nước ngoài lừa phụ nữ qua mạng xã hội bị PC46-Công an TP.HCM bắt vào tháng 4/2016

Ngày 28/2, tại TP. HCM, Ban chỉ đạo Nghị quyết liên tịch 01/TW tổ chức hội thảo tuyên truyền phòng, chống tội phạm sử dụng mạng xã hội với thủ đoạn "bẫy tình" để lừa đảo phụ nữ chiếm đoạt tài sản.

Hàng trăm phụ nữ sập “bẫy tình”

Phát biểu tại hội thảo, Đại tá Nhữ Thị Minh Nguyệt, Cục trưởng Cục Chính trị Cảnh sát - Bộ Công an cho biết: tại Việt Nam có khoảng gần 30 triệu người sử dụng Internet (chiếm 1/3 dân số cả nước), 180.000 tên miền Việt Nam (.vn) được đăng ký, 115 triệu thuê bao điện thoại di động, 15 triệu thuê bao điện thoại cố định.

Theo Đại tá Nguyệt, công nghệ thông tin, viễn thông trở thành một lĩnh vực mà các đối tượng tập trung khai thác, sử dụng để thực hiện tội phạm. Trong đó có thủ đoạn các đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của nhiều phụ nữ thông qua mạng xã hội bằng cách lợi dụng tình cảm.

“Tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm sử dụng mạng xã hội với thủ đoạn “bẫy tình” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của phụ nữ Việt Nam giai đoạn từ 2014 đến năm 2016”, Đại tá Nguyệt nói.

Trong khi đó, báo cáo của đại diện Cục Cảnh sát Hình sự (C45) nói rõ, các vụ án người nước ngoài lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các phụ nữ Việt Nam bằng hình thức thông qua trang mạng xã hội Facebook.com với thủ đoạn hoạt động tinh vi, tính chất càng ngày nghiêm trọng, số tiền chiếm đoạt càng ngày càng lớn.

Đây là loại tội phạm mới, thủ đoạn tinh vi, chủ yếu là lợi dụng sự cả tin và kém hiểu biết của những phụ nữ người Việt Nam để chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội là người nước ngoài cấu kết với các đối tượng người Việt Nam để lừa chiếm đoạt tài sản của những người phụ nữ Việt Nam nhẹ dạ cả tin.

Hàng trăm phụ nữ sập bẫy tình “ông chủ giàu có nhưng éo le" - 2

Chứng minh thư, thẻ tín dụng do một nhóm đối tượng người nước ngoài cấu kết với người Việt Nam để lừa phụ nữ qua mạng xã hội bị PC46-Công an TP.HCM bắt vào tháng 4/2016

Thủ đoạn lừa đảo của “ông chủ giàu có”

Điều tra nhiều vụ, Cục Cảnh sát hình sự đã khám phá ra phương thức thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, được chia làm 2 nhóm.

Theo C45, nhóm 1 gồm các đối tượng là người nước ngoài. Cụ thể, các đối tượng gốc Phi (đặc biệt Nigeria) chịu trách nhiệm lập các Facebook ảo trên mạng xa hội với chân dung là các “ông chủ giàu có nhưng gặp những hoàn cảnh éo le" về gia đình, người thân...

Sau khi kết bạn, làm quen với các phụ nữ Việt Nam, bọn chúng sẽ tiếp tục tán tỉnh, yêu thương thậm chí muốn về Việt Nam sinh sống và vẽ ra viễn cảnh tương lai vô cùng tươi đẹp.

Để tạo sự tin tưởng, chúng bày tỏ nguyện vọng muốn gửi về cho những phụ nữ chúng làm quen những món đồ hoặc ngoại tệ có giá trị đặc biệt lớn được giấu trong các thùng hàng, thùng quà.. .sử dụng công nghệ tạo ra các hóa đơn vận chuyển của các công ty chuyển hàng có uy tín trên thế giới để tạo niềm tin. Sau đó, chúng xin các thông tin của những phụ nữ này như: Họ và tên, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và cung cấp những thông tin đó cho nhóm thứ hai là người Việt Nam.

Riêng về nhóm thứ 2 là các đổi tượng là người Việt Nam, Cục Cảnh sát Hình sự chỉ ra, các đổi tượng này chủ yếu là nữ đã có mối quan hệ tình cảm thậm chí có con với các đổi tượng người nước ngoài.

Để lừa đảo, chúng thường sử dụng thông tin cá nhân giả, sim điện thoại rác để trốn tránh việc xử lý của các cơ quan chức năng. Các đối tượng này chịu trách nhiệm đóng giả nhân viên Hải quan của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, nhân viên công ty vận chuyển hàng quốc tế... thông báo với các bị hại là đã nhận được các gói hàng do người nước ngoài có tên và quốc tịch phù hợp với các đối tượng nước ngoài chuyển về.

Để  nhận được hàng, các bị hại bị lừa phải đóng một khoản tiền nhất định (khoảng vài chục triệu đồng) gọi là phí Hải quan. Sau khi bị hại “sập bẫy” gửi tiền cho chúng vào các tài khoản do chúng cung cấp, chúng tiếp tục đưa ra các lý do như: Phát hiện ra trong thùng hàng có số lượng ngoại tệ hoặc vật phim có giá trị đặc biệt lớn hàng triệu đô la được giấu trong các thùng hàng này, nếu không nộp tiền lệ phí Hải Quan đến 10 % tổng giá trị thì sẽ bị tịch thu hoặc gửi trả lại.

Nhẹ dạ, cả tin các phụ nữ tiếp tục chuyển tiền và yêu cầu nhận hàng thì các đối tượng sẽ bỏ sim, số điện thoại đã liên lạc với họ để họ không gọi được nữa và chiếm đoạt số tiền họ đã gửi.

Điển hình như một số địa phương như: Công an thành phố Hồ Chí Minh tiểp nhận 58 đơn tố cáo về loại tội phạm này, khởi tố 32 vụ án, 21 bị can (trong đó có 02 bị can người Nigeria) với số tiền chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng.

Công an thành phố Cần Thơ triệt phá 2 chuyên án trinh sát bắt 6 đối tượng (2 đối tượng người Nigieria và 4 đối tượng nữ người Việt Nam) lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng chục bị hại ở nhiều tỉnh thành khác nhau với tổng số tiền hơn 31 tỷ đồng.

Công an tỉnh Cà Mau đã khởi tố 2 vụ án, 2 bị can trong đó có bị can người nước ngoài với số tiền chiếm đoạt 270.000.000 đồng và 10.000 USD.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Tuấn (Infonet)
Những chiêu trò lừa đảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN