Trút gánh nặng cho thực tập sinh

Thứ Sáu, ngày 04/12/2015 11:52 AM (GMT+7)
Chia sẻ

Theo quy định mới, người lao động sang Nhật Bản không phải đóng phí môi giới và chỉ nộp phí dịch vụ tối đa 3.600 USD/người/hợp đồng 3 năm.

Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Dolab) thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang xây dựng dự thảo đề án chấn chỉnh thị trường Nhật Bản. Việc xây dựng đề án này xuất phát từ thực tiễn thời gian qua xảy ra tình trạng doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ) lợi dụng thu phí cao, vi phạm quy định tuyển dụng, đào tạo, cung ứng thực tập sinh (TTS) sang Nhật Bản.

Siết chặt thu phí

Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo là quy định về chi phí củangười lao động (NLĐ) sang Nhật Bản theo chương trình TTS. Theo đó, dự thảo đề án quy định mức phí dịch vụ mà TTS phải nộp cho DN phái cử không quá 3.600 USD/người/hợp đồng 3 năm và 1.200 USD/người/hợp đồng 1 năm. Khoản phí này DN chỉ được thu sau khi TTS ký hợp đồng và được phía Nhật Bản cấp tư cách lưu trú.

Đối với chi phí đào tạo trước khi xuất cảnh, dự thảo đề án nêu rõ chủ sử dụng lao động Nhật Bản thông qua nghiệp đoàn tiếp nhận TTS chi trả một phần cho DN phái cử TTS của Việt Nam với mức tương ứng 100 USD/người cho thời gian đào tạo tiếng Nhật 160 tiết và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi xuất cảnh. Phần chi phí mà TTS phải trả được quy định không quá 5.900.000 đồng/khóa tiếng Nhật với thời lượng 520 tiết/khóa học.

Trút gánh nặng cho thực tập sinh - 1

Đáng chú ý nhất ở dự thảo này là quy định không thu phí môi giới đối với TTS. Luật pháp Nhật Bản nghiêm cấm các tổ chức thu phí môi giới của lao động nước ngoài vào Nhật dưới mọi hình thức nhưng từ trước đến nay, để có hợp đồng, nhiều DN phái cử TTS của Việt Nam tìm cách “đi đêm” vớinghiệp đoàn Nhật Bản, buộc NLĐ phải đóng khoản phí này.

Ngày 12-8-2008, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH ký ban hành Quyết định số 61/2008, cho phép DN được thu phí môi giới đối với TTS sang Nhật với mức 1.500 USD/người. Dù được hợp pháp hóa nhưng thời gian qua, một số DN đã lợi dụng, “làm giá”, đẩy phí môi giới lên cao khiến chi phí mà NLĐ bỏ ra cũng tăng theo.

Cũng do bị làm giá, thu phí không rõ ràng, hiện có sự chênh lệch lớn về mức phí do các DN đưa ra. Đối với các DN ở phía Nam, mức phí bình quân đang áp dụng là 4.200-4.500 USD/người, trong khi DN phía Bắc thu từ 5.000 USD trở lên; thậm chí có DN thu 7.000-8.000 USD/người.

Phải minh bạch, vì NLĐ

Bên cạnh siết chi phí, dự thảo đề án chấn chỉnh thị trường Nhật Bản còn đưa ra nhiều biện pháp ràng buộc trách nhiệm của DN trong công tác tuyển chọn, đào tạo, ký kết hợp đồng. Đó là DN chỉ được tuyển chọn, đào tạo TTS sau khi hợp đồng đăng ký được Dolab thẩm định; số lượng tuyển chọn không vượt quá số lượng đã đăng ký.

Về quản lý lao động, DN phải kịp thời giải quyết rủi ro, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của TTS; có biện pháp hạn chế TTS vi phạm pháp luật nước sở tại, bỏ trốn ở lại bất hợp pháp.

Từ năm 2010 đến nay, tỉ lệ TTS Việt Nam bỏ trốn ở Nhật Bản chiếm khoảng 7%-8% trong tổng số lao động đưa đi hằng năm. Để giảm tỉ lệ này, dự thảo đề án quy định DN nào có tỉ lệ TTS bỏ trốn cao hơn 8% sẽ bị tạm đình chỉ trong 90 ngày, nếu sau đó không có biện pháp cải thiện sẽ bị dừng tuyển chọn lao động.

Đến nay, cả nước có 189 trong tổng số 247 DN XKLĐ khai thác thị trường Nhật Bản. Đề án này sẽ vấp phải phản ứng của không ít DN nhưng chắc chắn được NLĐ có nguyện vọng sang Nhật Bản đồng tình cao vì gánh nặng phí cao được trút bỏ.

Tại hội nghị bàn biện pháp chấn chỉnh thị trường Nhật Bản vào ngày 28-10, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, nhấn mạnh quyết tâm của bộ. Mục tiêu là phải tạo ra sự minh bạch trong tuyển chọn, đào tạo, thu phí; giúp NLĐ giảm bớt gánh nặng, hạn chế rủi ro và có việc làm tốt ở nước ngoài.

Phạt nặng doanh nghiệp vi phạm

Dolab vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 212,5 triệu đồng đối với Công ty CP Cung ứng nhân lực và Thương mại Vietcom do vi phạm quy định về đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Theo quyết định xử phạt, Vietcom lợi dụng chức năng XKLĐ để tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của 150 lao động đi làm việc tại Nhật Bản; không trực tiếp tuyển chọn lao động đi làm việc tại Nhật Bản; không báo cáo việc thành lập Trung tâm Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản (cơ sở 2) tại TP HCM.

Ngoài xử phạt hành chính, Vietcom còn bị tạm dừng hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày 2-11; buộc hoàn trả chi phí đã thu trái quy định cho NLĐ.

Chia sẻ
Theo Nguyễn Duy (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN