Thiệt thòi đủ kiểu

Thứ Ba, ngày 01/12/2015 13:33 PM (GMT+7)
Chia sẻ

Lao động phi chính thức phải chịu nhiều thiệt thòi vì thu nhập thấp, việc làm không ổn định và nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật lao động.

“Kinh tế phi chính thức (PCT) tạo việc làm cho người nghèo, người di cư, người có trình độ học vấn thấp và các đối tượng yếu thế khác trong xã hội, đóng góp rất lớn vào chiến lược giảm nghèo và GDP. Tuy nhiên, lao động khu vực này lại chịu thiệt thòi vì không có hợp đồng lao động; không được đóng các loại bảo hiểm; không có Công đoàn (CĐ) đại diện; không được hưởng các loại phúc lợi xã hội khác...”. Ông Đặng Quang Điều, Trưởng Ban Chính sách Kinh tế - Xã hội và Thi đua Khen thưởng Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhận định như vậy tại hội thảo về vai trò của CĐ trong đại diện, bảo vệ người lao động PCT do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Oxfam Việt Nam tổ chức tại TP HCM mới đây.

Đóng góp nhiều, hưởng ít

Các kết quả nghiên cứu cho thấy việc làm PCT chiếm tỉ lệ khoảng 85% việc làm trong cả nước. Trong đó, khu vực nông nghiệp chiếm gần 50%; khu vực doanh nghiệp PCT, phi nông nghiệp 14,3%; còn lại là khu vực việc làm tự do, tự hạch toán và việc làm PCT trong doanh nghiệp chính thức.

Đến hết quý I/2015, lực lượng lao động tại Việt Nam có khoảng 53,64 triệu người, trong đó 52,43 triệu người có việc làm nhưng số tham gia BHXH chưa tới 12 triệu người (tỉ lệ 22,31%). Số lao động không được đóng BHXH tương đương 41,67 triệu người, đây có thể được coi là lao động PCT. Số lao động này không có hợp đồng lao động; việc làm, thu nhập bấp bênh và thiếu ổn định; không được hưởng những cơ hội về đào tạo như lao động khu vực chính quy dẫn đến khó đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Thiệt thòi đủ kiểu - 1

Phân tích điều kiện sống và làm việc của lao động PCT, đại diện Oxfam Việt Nam nhấn mạnh: “Những năm tới, số lao động tự làm và lao động gia đình phi nông nghiệp còn tăng mạnh dẫn đến tỉ lệ lao động PCT sẽ ngày càng cao. Tuy nhiên, chất lượng việc làm thấp, cuộc sống bấp bênh, nhất là đối với người lao động di cư nên dễ bị lạm dụng, xâm phạm quyền lợi”.

Luật chưa “với” tới

Trao đổi tại hội thảo, hầu hết đại biểu đều cho rằng pháp luật hiện hành chưaquan tâm đúng mức đến lực lượng lao động PCT. Tuy Luật Việc làm năm 2013 đã đề cập một số chính sách về việc làm cho các đối tượng lao động xã hội nhưng trên thực tế, lao động PCT rất khó tiếp cận chính sách. Đơn cử như những quy định đối với lao động giúp việc nhà, các kết quả khảo sát cho thấy cả người lao động và người sử dụng lao động đều chưa thật sự quan tâm đến các quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

Ông Vũ Tuấn Anh, Ban Chính sách Kinh tế - Xã hội và Thi đua Khen thưởng Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết pháp luật lao động chưa mang lại sự bình đẳng cho lao động PCT vì chủ yếu điều chỉnh quan hệ trong doanh nghiệp khu vực chính quy. Trong khi đó, khu vực PCT với đông đảo lao động làm thuê và lao động tự do lại nằm ngoài phạm vi điều chỉnh. “Người sử dụng lao động chỉ “vận dụng” các quy định dành cho lao động chính quy để áp dụng cho lao động PCT. Về phía CĐ, dù có cơ sở pháp lý nhưng việc phát triển đoàn viên là lao động PCT cũng rất khó khăn. Điều này thực sự gây trở ngại và thiệt thòi cho họ, nhất là lao động nữ, họ không thể tiếp cận các chính sách cơ bản nhất như thời gian làm việc, chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động…” - ông Tuấn Anh chia sẻ.

Để giảm bớt khó khăn, thiệt thòi cho lao động PCT, ông Trần Thanh Son - Chủ tịch LĐLĐ quận 10, TP HCM - cho rằng nên tập hợp họ vào các nghiệp đoàn để có sự chăm sóc, hỗ trợ. Tại quận 10 hiện có 3 nghiệp đoàn gồm xe ôm, tiểu thủ công nghiệp và rác dân lập. Hằng năm, CĐ quận đều tổ chức họp mặt, chăm lo đồng thời vận động họ tham gia BHYT và tuyên truyền, hướng dẫn họ về an toàn, vệ sinh lao động. “Việc liên kết người lao động trong nghiệp đoàn giúp họ có điều kiện trao đổi, giúp đỡ nhau về nghiệp vụ cũng như trong cuộc sống” - ông Son cho biết.

Các đại biểu cũng kiến nghị cần mở rộng chế độ đối với chính sách BHXH, BHYT tự nguyện. Trước mắt, bổ sung chế độ thai sản và tăng chi trả khám chữa bệnh vượt tuyến và ngoại trú. Đó là cách để khuyến khích người lao động khu vực PCT tham gia BHXH tự nguyện.

Chia sẻ
Theo Thanh Nga (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN