Nhu cầu nhân lực TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2015-2020 có gì thay đổi?

Thứ Hai, ngày 15/06/2015 14:05 PM (GMT+7)
Chia sẻ

Thời gian tới, nhu cầu nhân lực ở thành phố Hồ Chí Mình sẽ thay đổi theo sự phát triển của 4 ngành công nghiệp trọng yếu: cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất - nhựa cao su.

Nhu cầu tuyển dụng lao động có chất lượng và quản lý cấp cao cho các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh so với các năm trước

Theo dự báo nhu cầu nhân lực tại TP HCM giai đoạn 2015-2020, dự kiến mỗi năm TP cần khoảng  270.000 chỗ làm. Trong đó, lao động có trình độ đại học chiếm 13%, cao đẳng chiếm 15%, trung cấp chiếm 35%, sơ cấp nghề 20%. Như vậy nguồn lao động đã qua đào tạo, có tay nghề luôn là đối tượng để các doanh nghiệp (DN) ưu tiên tuyển chọn trong quá trình tuyển dụng.

Nhu cầu nhân lực TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2015-2020 có gì thay đổi? - 1

Ưu tiên lao động có trình độ 

Tại các sàn giao dịch việc làm gần đây, hầu hết các nhà tuyển dụng đều đưa ra yêu cầu  tuyển chọn nhân lực có trình độ, tay nghề. Giám đốc một DN may đóng tại KCN Tân Bình, TP HCM, chia sẻ: “Nếu như trước đây, đội ngũ lao động phổ thông được công ty ưu tiên tuyển dụng thì ngày nay, lao động có tay nghề lại được chúng tôi săn đón. Bởi trong quá trình hội nhập, nếu nguồn nhân lực không có tay nghề thì sẽ khó đáp ứng được những yêu cầu vốn khắt khe của khách hàng đến từ các nước”. 

Thời gian tới, thị trường lao động TP HCM sẽ phát triển theo 4 ngành công nghiệp trọng yếu: cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất - nhựa cao su. Bên cạnh đó, các nhóm ngành kinh tế dịch vụ: tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm, giáo dục - đào tạo, du lịch, y tế, kinh doanh tài sản - bất động sản, dịch vụ tư vấn, khoa học - công nghệ, nghiên cứu và triển khai, thương mại, dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng, dịch vụ bưu chính, viễn thông... cũng được chú trọng. 

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, nhận xét: “Trong năm 2015 và các năm tới, thị trường lao động tiếp tục tăng nhanh, phát triển theo hướng tăng yêu cầu chất lượng, trình độ và hạn chế về số lượng. Nhu cầu tuyển dụng lao động có chất lượng và quản lý cấp cao cho các DN sẽ tăng mạnh so với  các năm trước”. 

Trang bị kiến thức cho hội nhập

Năm 2015, Việt Nam chính thức tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Theo đó, người lao động Việt Nam không những có nhiều cơ hội nghề nghiệp trong nước mà còn mở rộng ra thị trường khu vực. Cơ hội tương tác và nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng chuyên ngành ở các nước lân cận là điều người lao động Việt Nam sẽ được trau dồi thêm. Bên cạnh đó, tính linh hoạt khi làm việc ở nhiều nơi, vốn dĩ là một điểm chưa mạnh của Việt Nam sẽ được nâng cao và cải thiện đáng kể. 

Trong công cuộc gia nhập này, DN tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất về mặt nguồn nhân lực khi thị trường lao động mở, nguồn nhân lực từ các nước lân cận cũng sẽ tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam dẫn đến nguồn cung lao động dồi dào. Mức cung nhân lực nhiều hơn, đa dạng và phong phú giúp cho DN có nhiều sự lựa chọn từ những ứng viên giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm.

Tuy nhiên, điều mà các DN quan tâm trong quá trình hội nhập chính là những thách thức của nguồn nhân lực Việt: kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp. 

Thời kỳ hội nhập mở ra nhiều cơ hội việc làm, tuy nhiên cũng yêu cầu cao hơn ở người lao động những kỹ năng mềm ngoài kiến thức chuyên môn. Những người giỏi sẽ ra đi, tìm đến những DN có thu nhập và chính sách tốt hơn. Vì vậy để nắm bắt được cơ hội việc làm tốt, người lao động cần tự trang bị những kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong giai đoạn hiện nay.

Chia sẻ
Theo Người lao động
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN