Làm việc xứ người quá rủi ro!

Thứ Sáu, ngày 23/10/2015 14:12 PM (GMT+7)
Chia sẻ

Trong khi người lao động đi nước ngoài làm việc “chui” không được bảo vệ thì những người đi qua kênh hợp pháp chậm được can thiệp khi bị nợ lương, ngược đãi.

Ngày 8-10, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết đang tiếp tục chỉ đạo Công ty Simco Sông Đà làm việc với chủ sử dụng lao động giải quyết các vấn đề liên quan đến người lao động (NLĐ) bị đánh đập, bỏ đói ở Algeria. Cùng ngày, lãnh đạo công ty này cũng sang Algeria giải quyết tình hình, dự kiến vài ngày tới sẽ có kết quả.

Chậm can thiệp

Trước đó, tối 6-10, Dolab có công văn gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đề nghị phối hợp giải quyết việc 55 lao động Việt Nam, do Công ty Simco Sông Đà đưa sang tỉnh Khenchela - Algeria làm việc, kêu cứu vì bị chủ sử dụng lao động là Công ty TNHH Xây dựng Công trình Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) đánh đập, bỏ đói.

Hợp đồng cung ứng lao động sang Algeria của Simco Sông Đà được Dolab thẩm định từ tháng 6-2015. Theo đó, công ty này được cung ứng 81 lao động cho Công ty Đông Nhất Giang Tô, trong đó có 60 thợ xây, 20 thợ mộc và 1 phiên dịch. NLĐ được hưởng lương cơ bản 450 USD/tháng.

Các lao động nói trên xuất cảnh sang Algeria từ tháng 7. Trong tháng đầu tiên, họ không được nhận lương đầy đủ. Thêm vào đó, Công ty Đông Nhất Giang Tô thay đổi hình thức trả lương, từ công nhật sang khoán theo năng suất nhưng do đưa ra định mức thấp nên NLĐ phản ứng. Vì lý do này,  giữa tháng 9, một phiên dịch, cũng là người đại diện quản lý lao động của Simco Sông Đà, bị đánh đập dã man. Simco Sông Đà cử cán bộ sang giải quyết vụ việc nhưng không thành, thậm chí sau đó, NLĐ còn bị giới chủ Trung Quốc tìm cách cô lập, bỏ đói. Quá bức xúc, ngày 5-10, gia đình của NLĐ từ Hà Nội, Hưng Yên, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh tụ tập tại trụ sở Simco Sông Đà yêu cầu đưa con em họ về nước.

Làm việc xứ người quá rủi ro! - 1

Đến giờ, phía Simco Sông Đà chỉ còn cách cam kết cố gắng không để xảy ra tình trạng NLĐ bị đánh đập, bỏ đói, đồng thời giải quyết hồi hương cho họ trước ngày 30-11. Những bất đồng, tranh chấp về tiền lương, quan hệ lao động gần như ngoài tầm với của công ty này.

Trong khi đó, tại Angola, Đại sứ quán Việt Nam đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để đưa thi thể lao động Lê Văn Quế (32 tuổi; trú xã Xuân Liên, Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) về nước, dự kiến vào ngày 12-10. Anh Quế sang Angola theo diện cá nhân, làm nghề xây dựng từ năm 2013. Ngày 4-10, anh bị nhóm cướp có vũ trang bắn chết khi trên đường đi làm về.

Trước đó, rạng sáng 17-9, một băng cướp tấn công lán xây dựng của người Việt tại TP Luanda  - Angola. Trong số 5 lao động bị chém trọng thương, anh Nguyễn Văn Thế (SN 1977; ngụ huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) qua đời tại bệnh viện. Tính từ đầu tháng 3-2013 đến nay, có gần 40 lao động Việt tử vong tại Angola, chủ yếu do bị sốt rét, tai nạn lao động và sát hại.

“Đem con bỏ chợ”

Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đang gia tăng, trong đó có cả kênh không chính thức. Báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết hiện có khoảng 18.000 lao động bất hợp pháp từ Việt Nam sang các nước thuộc Liên minh châu Âu thông qua các đường dây trái phép. Tại khu vực Bắc Phi, NLĐ di cư bất hợp pháp tập trung nhiều nhất ở Angola với trên 1.300 người. Do đi qua kênh không chính thức nên khi gặp rủi ro như ốm đau, bị nợ lương, ngược đãi…, gần như NLĐ không được can thiệp, bảo vệ quyền lợi.

Vấn đề đặt ra là ngay cả những người đi qua kênh chính thức thông qua hợp đồng phái cử của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động, trong nhiều trường hợp cũng không được bảo vệ quyền lợi kịp thời. Điển hình tại Ả Rập Saudi, thời gian qua, Dolab tiếp nhận nhiều đơn thư khiếu nại, cầu cứu của lao động nữ làm việc ở lĩnh vực giúp việc gia đình do bị “đem con bỏ chợ” hoặc giới chủ bóc lột, xúc phạm nhân phẩm. Với vụ việc cụ thể xảy ra tại Algeria, một cán bộ của Dolab cho rằng Simco Sông Đà chưa làm tròn trách nhiệm bảo vệ NLĐ.

Đến cuối tháng 9, có 2.400 lao động được 15 DN đưa sang Algeria, chủ yếu làm việc cho các nhà thầu Trung Quốc. Theo ông Phạm Việt Hương, Cục phó Dolab, do chưa thành lập ban quản lý lao động nên hiện nay, khi xảy ra sự cố đều phải nhờ sự hỗ trợ từ cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria.

Tăng cường bảo vệ NLĐ tại Đài Loan

Ông Đặng Sĩ Dũng, Cục Phó Dolab, vừa ký công văn gửi các DN đưa lao động sang Đài Loan yêu cầu tăng cường quản lý, bảo vệ NLĐ. Công văn cho biết do ảnh hưởng của nền kinh tế, nhiều DN - nhất là DN sản xuất, lắp ráp điện tử tại Đài Loan - gặp khó khăn buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm giờ làm dẫn đến thu nhập của NLĐ bị ảnh hưởng; một số lao động bị trả về nước trước hạn.

Trước tình hình trên, Dolab chỉ đạo các DN đưa lao động sang thị trường này theo sát tình hình, kịp thời can thiệp, bảo vệ quyền lợi đối với những lao động bị rủi ro mất việc làm. Trường hợp NLĐ bị trả về nước trước hạn, cần giải quyết đầy đủ quyền lợi và có phương án hỗ trợ.

Chia sẻ
Theo Nguyễn Duy (Người Lao Động)
Tin liên quan
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN