Khởi nghiệp làm từ thiện sau thảm hoạ sóng thần

Thứ Ba, ngày 23/09/2014 09:48 AM (GMT+7)
Chia sẻ

Câu chuyện về thương hiệu dép của những chàng trai sống sót sau thảm họa sóng thần năm 2004.

Tuổi thơ dữ dội

Anh em nhà Forkan đã trải qua một thời thơ ấu nhiều biến động. Năm Rob lên 13 và Paul mới 11 tuổi thì gia đình họ chuyển từ Anh tới vùng Goa ở Ấn Độ để sinh sống. Bản thân Paul vốn bị mắc chứng khó đọc, do đó cậu rất thích thú với cuộc sống mới, do không phải học chính quy quá nhiều, thay vào đó lại được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Hai cậu bé thường đi tới nhà của trẻ em trong vùng, hướng dẫn chúng nấu nướng, chơi thể thao và hỗ trợ các chiến dịch kêu gọi quyên góp từ thiện của chính quyền địa phương. Nhờ đó, họ tích lũy được nhiều kỹ năng sinh tồn quý giá. 

Khởi nghiệp làm từ thiện sau thảm hoạ sóng thần - 1

Dép tông mang thương hiệu Gandys rất đa dạng về kiểu dáng, màu sắc

Cuộc sống diễn ra êm ả cho tới năm 2004, khi cơn sóng thần lịch sử quét qua Ấn Độ. Thời điểm đó gia đình Forkan đang đi nghỉ mát ở Sri Lanka. Bố mẹ của Rob và Paul đã không may qua đời, còn bản thân hai cậu bé cũng suýt mất mạng.

Một người họ hàng nhận hai cậu bé về nuôi ở vùng Farnborough, Hamsphire. Rob và Paul sống ở đây vài năm, trước khi dấn thân vào những chuyến du lịch khắp thế giới, và cuối cùng sinh sống ổn định ở Brixton, phía Nam London, nơi họ cùng nhau xây dựng nên thương hiệu dép của mình.

Gian nan khởi nghiệp

Hai anh em nhà Forkan khởi nghiệp với chưa đầy 10,000 bảng Anh và nướng hết số tiền khiêm tốn này trong vòng sáu tháng. Để tiếp tục kinh doanh, họ bèn nghĩ cách kêu gọi đầu tư từ những người có cùng chí hướng với mình, thông qua một kế hoạch mang tên “Dragon’s Den” (Nơi trú ẩn của Rồng), theo đó, hai anh em mời các nhà đầu tư tiềm năng tới một quán rượu ở Brixton. Trong khi các nhà đầu tư bước vào với bộ vest chỉnh tề thì anh em nhà Forkan chào đón họ với quần short và dép tông thương hiệu Gandys, trong không gian được thiết kế như một bãi biển. Biện pháp này gây được ấn tượng mạnh với nhà đầu tư và họ đã được tài trợ đủ số tiền cần thiết.

 Khó khăn không dừng lại ở đó, những lô hàng đầu tiên của thương hiệu Gandy được sản xuất bằng tay ở Ấn Độ bằng chất liệu đay, tuy nhiên hàng lỗi hỏng rất nhiều, làm 100 đôi chỉ bán được 10 đôi. Rob và Paul phải chuyển nhà máy và dây chuyền sang Trung Quốc, đồng thời thường xuyên bay sang kiểm tra giám sát. 

Khởi nghiệp làm từ thiện sau thảm hoạ sóng thần - 2

Những chiếc dép đầu tiên không đạt tiêu chuẩn chất lượng

Gian nan là vậy, nhưng tới thời điểm hiện tại, công ty của họ đã sản xuất được 150,000 đôi dép, thuê tới 14 lao động toàn thời gian, bao gồm những nhân viên thiết kế, quảng cáo, bán hàng rất trẻ. Trụ sở công ty được đặt ở Southfields phía nam London, đồng thời có một chi nhánh khác ở Stoke. Nhiều cửa hàng lớn ở Anh và một số quốc gia châu Âu khác đều bày bán sản phẩm mang thương hiệu Gandys. Dự kiến tới cuối năm nay, thương hiệu này sẽ vươn sang Mỹ và Australia.

Sau đúng một thập kỷ kể từ thảm họa sóng thần, hai chàng trai trẻ đã có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình.

“Chúng tôi cũng kiếm tiền, nhưng kiếm tiền để làm từ thiện”

Cái tên Gandys của thương hiệu dép được hai anh em lấy cảm hứng từ Mahadma Gandhi, người đã có công lãnh đạo đất nước Ấn Độ giành được độc lập từ tay đế quốc Anh. Với đúng tinh thần đó, hai chàng trai trẻ này luôn có ý thức rất cao về trách nhiệm với cộng đồng. Hằng năm họ trích 10% lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh được Rob và Paul dùng để quyên góp cho hoạt động từ thiện. Mục tiêu của họ là mọi trẻ em trên thế giới đều có nhà để ở. 

Chia sẻ
Theo Hải Hà (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN