Dứt áo ra đi

Thứ Năm, ngày 03/12/2015 14:23 PM (GMT+7)
Chia sẻ

“Tôi muốn được chấm dứt hợp đồng vì gia cảnh khó khăn không thể tiếp tục làm việc”. Lý do này có vẻ được đây.

Dứt áo ra đi - 1

Nếu phòng nhân sự và giám đốc hỏi “khó khăn gì?”, tôi sẽ viện lý do cha mẹ ở quê già yếu không người chăm sóc hay nói đại một khó khăn gì đó để giải thích lý do xin nghỉ việc đúng vào lúc công ty đang cần người.

“Anh có thể thư thả để công ty tìm người thay thế được không? Nói thật, công ty đang khó khăn, người đi thì có, người về thì không. Nếu anh đi liền, công ty sẽ càng thêm khó khăn” - trưởng phòng nhân sự nài nỉ. “Tôi hiểu khó khăn của công ty nhưng tôi cũng có khó khăn của riêng mình. Mong công ty xem xét” - tôi không thay đổi ý định.

Thật ra, tôi nghỉ việc vì có nơi mời về cộng tác với tiền lương và phúc lợi cao hơn. Nơi đó đang ăn nên làm ra, mọi thứ đều thuận lợi chứ không như ở đây, do khó khăn nên mọi thứ đều bị cắt giảm. Ban đầu là giảm lương, sau đó là các chế độ lễ, Tết, tham quan, nghỉ mát, hiếu hỉ... Một vài tháng thì được chứ kéo dài cả năm như vậy làm sao chịu được? Giám đốc cứ hứa hẹn mà hết tháng này qua tháng khác có thấy được tăng đồng lương nào đâu? Nếu cứ nấn ná thì sẽ vuột mất cơ hội. Tôi tự an ủi: “Không có mợ thì chợ cũng đông, nếu không có mình thì công ty vẫn hoạt động chứ có phá sản đâu mà sợ? Công ty khó khăn, mình ở lại để chết chìm sao?”.

Đã quyết như vậy nhưng sao lòng vẫn thấy áy náy. Tôi đã làm việc ở đây hơn 15 năm. Biết bao vui buồn, đã có lúc tự nhủ lòng đây sẽ là nơi dừng chân cuối cùng vì lớn tuổi rồi, tôi không thích thay đổi nữa. Ấy thế mà có một ngày, trước lời mời hấp dẫn của một công ty khác, tôi quyết định dứt áo ra đi.

“Thà anh cứ nói thẳng là anh qua chỗ khác tiền lương cao hơn, phúc lợi nhiều hơn chứ viện lý do phải chăm sóc cha mẹ già, tôi thấy anh thật hèn” - cậu đồng nghiệp trẻ trong phòng khi biết chuyện đã nói với tôi như thế. Nói thẳng là tốt nhưng trong trường hợp này, có vẻ cạn tình với nhau quá. Thú thật, tôi không biết có nên nói dối lý do ra đi để giữ “hình tượng” hay là cứ nói thẳng vì ai mà chẳng vì miếng cơm manh áo? Nếu cứ vì cái tình thì người ta sẽ chẳng bao giờ dám vứt bỏ cái xấu để tìm đến với cái tốt hơn...

Chia sẻ
Theo Đặng Thân (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN