Đừng làm phiền!

Thứ Tư, ngày 02/12/2015 13:33 PM (GMT+7)
Chia sẻ

Giao tiếp là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Ở đâu, đi đâu, làm gì thì chúng ta cũng cần sử dụng ngôn ngữ như một phương tiện để chia sẻ, nắm bắt các vấn đề.

Đặc biệt, trong công việc, dùng lời nói để trao đổi gần như là không thể thiếu để người hiểu ta, ta hiểu người. Thế nhưng, có những trường hợp mà sự chia sẻ bỗng dưng trở thành vô duyên, khiến đồng nghiệp phiền lòng. Để tránh điều này, các bạn trẻ cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Với một người đang vội vã đi, cấp thiết lắm bạn mới nên gọi lại để trao đổi về vấn đề gì đó. Nội dung trao đổi phải ngắn gọn, đi vào trọng tâm, không nên dông dài. Khi người khác đang vội mà bạn bắt buộc phải làm phiền họ thì nên nói “xin lỗi...” trước khi bắt đầu câu chuyện.

- Khi đồng nghiệp đang chú tâm vào công việc, bạn không nên đến cạnh để kể lể tâm tư tình cảm, bức xúc trong lòng. Nếu vì phép lịch sự phải nghe thì người ta cũng không muốn kéo dài câu chuyện. Bạn nên để ý điều này và không làm phiền khi đồng nghiệp đang bận rộn.

Đừng làm phiền! - 1

- Đối với những cuộc hẹn có đặt lịch trước và giới hạn thời gian, bạn phải chuẩn bị nội dung trao đổi. Trong thời gian của cuộc hẹn, phải nói hết được những vấn đề trọng tâm cần thiết. Việc hỏi han ngoài lề chỉ có thể thực hiện khi phần việc chính đã xong mà còn thời gian và cũng không nên kéo dài. Nhiều người không biết điểm dừng, dẫn đến nói năng sơ hở, để lộ những vấn đề không nên nói, ảnh hưởng đến công việc của bản thân và đơn vị mình.

- Trong một phòng làm việc đông người, bạn phải chú ý “điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe” để không làm phiền đồng nghiệp. Không có gì vô duyên hơn giọng nói oang oang trong một không gian yên tĩnh, tập trung.

Nói không đúng lúc, đúng nơi, nói những điều vô bổ sẽ gây phiền hà cho đồng nghiệp, khiến mọi người đánh giá không tốt về bạn. Có thể đó chính là nguyên nhân khiến bạn bị đồng nghiệp xa lánh.

Chia sẻ
Theo Nguyễn Thảo (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN