Dắt nhau sang Thái Lan tìm việc

Thứ Ba, ngày 10/05/2016 12:04 PM (GMT+7)
Chia sẻ

Nhờ dễ kiếm việc, chi phí thấp, thu nhập khá nên lao động Việt Nam sang Thái Lan làm việc ngày càng đông

Từ đầu năm đến nay, đã có hàng chục ngàn lượt người xuất cảnh sang Thái Lan làm việc theo diện visa du lịch. Đa phần lao động sang Thái Lan làm việc tập trung ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…

Người đi trước rước người đi sau

Hà Tĩnh là địa phương có lượng người sang Thái Lan mưu sinh lớn. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Hà Tĩnh, hiện có khoảng 10.000 lao động của tỉnh đang làm việc ở Thái Lan. Trong đó nhiều nhất là huyện Can Lộc với gần 4.000 người; kế đến là Thạch Hà với 2.500 người, Lộc Hà có 2.000 người, Cẩm Xuyên trên 1.000 người...

Nhờ sang Thái làm việc mà đời sống nhiều hộ dân ở Hà Tĩnh khá lên. Điển hình là xã Mỹ Lộc (huyện Can Lộc). Trước đây, Mỹ Lộc là xã nghèo nhưng nhờ có con em sang Thái mà đời sống người dân dần đổi thay. Từ một xã chỉ lèo tèo đôi ba nhà ngói, giờ xuất hiện hàng loạt nhà cao tầng khang trang. Theo ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc, đi Thái Lan rất dễ, sáng ở Hà Tĩnh đi ô tô qua Lào, đến chiều tối là tới Thái Lan. Cả xã hiện có khoảng 1.400 người đang làm ăn, sinh sống bên đó. Nhiều nhà trước đây không đủ ăn giờ xây được nhà to, mua được cả ô tô. Ông Bùi Huy Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, cũng nhìn nhận nhờ sang Thái Lan mà đời sống người dân nhiều xã như Mỹ Lộc, Quang Lộc, Xuân Lộc... khá hẳn lên. “Họ đi theo kiểu tự phát, người trước đi làm ăn được dắt người đi sau” - ông Cường cho biết.

Dắt nhau sang Thái Lan tìm việc - 1

Thanh Hóa, Quảng Bình, Nghệ An cũng có đông lao động sang Thái. Hằng năm, mỗi địa phương có khoảng 10.000 lượt lao động xuất cảnh. Theo ước tính của Cục Quản lý lao động ngoài nước - Dolab (Bộ LĐ-TB-XH), hiện có khoảng 50.000 lao động Việt Nam làm việc tại Thái, chủ yếu ở các lĩnh vực như đánh cá, xây dựng, bồi bàn, giúp việc gia đình, bán hàng, đầu bếp, bảo dưỡng xe, may mặc. Ông Đặng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nghệ An, cho rằng do người lao động (NLĐ) sang Thái theo diện tự do,bất hợp pháp nên không thể kiểm soát; nếu gặp rủi ro, khó có thể can thiệp.

Đưa vào diện hợp pháp

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi nhập cảnh Thái Lan, NLĐ đến các cửa khẩu xin visa lao động ngắn hạn (28 ngày). Việc xin visa khá dễ, chi phí khoảng 70 USD. Mức thu nhập bình quân của lao động phổ thông Việt Nam tại Thái Lan hiện khoảng 8-10 triệu đồng/tháng; lao động có tay nghề cao gấp 1,5-2 lần. Nhờ dễ dàng xuất cảnh lại có thu nhập khá nên ngày càng có đông người bỏ làng quê để sang Thái Lan.

Để ngăn chặn làn sóng di cư tự do ngày càng tăng, ngày 23-7-2015, đại diện chính phủ 2 nước, Bộ Lao động Thái Lan và Bộ LĐ-TB-XH Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về lao động và Thỏa thuận tuyển dụng lao động giữa 2 nước. Theo thỏa thuận này, lao động bất hợp pháp của Việt Nam nhập cảnh trước ngày 10-2-2016, được đăng ký để cấp giấy phép lao động thời hạn 1 năm.

Cùng trong kế hoạch hợp pháp hóa thị trường Thái Lan, từ tháng 5-2016, Bộ LĐ-TB-XH cho phép 4 đơn vị sự nghiệp - gồm Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB-XH và 3 trung tâm dịch vụ việc làm cấp tỉnh là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và 5 doanh nghiệp (DN) là Sona, TTLC, Thinh Long Corp, Hoang Long Huresu, Vihatico được tham gia phái cử lao động sang Thái Lan. Ông Tống Hải Nam, Cục phó Dolab, nhấn mạnh sự tham gia của các đơn vị, DN trên nhằm từng bước chuyển xuất khẩu lao động ở thị trường Thái sang kênh chính thức có sự quản lý của nhà nước. Trước mắt, trong năm nay, các đơn vị, DN thí điểm tuyển chọn lao động theo 2 ngành xây dựng và đánh bắt cá.

Chi phí bao nhiêu?

Chi phí của NLĐ sang Thái theo diện tự do, có khả năng tự tìm kiếm việc làm hiện chưa tới 10 triệu đồng (bao gồm lệ phí visa du lịch, visa lao động ngắn hạn, chi phí vận chuyển bằng đường bộ…). Trường hợp đi qua môi giới Thái Lan, tổng chi phí khoảng 18-19 triệu đồng (trong đó phí môi giới 6 triệu đồng và khoảng 8 triệu đồng phí quản lý trừ dần vào lương). Với sự tham gia của DN phái cử trong nước, chi phí của NLĐ có thể sẽ cao hơn vì phải chi trả thêm phí dịch vụ (mỗi năm tương ứng 1 tháng lương theo hợp đồng); chưa kể các khoản khác như tiền đồng phục, học phí đào tạo, giáo dục định hướng trước khi đi…

Chia sẻ
Theo Đức Ngọc - Duy Quốc (Người Lao Động)
Tin liên quan
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN