Hãy đặt mình vào vị trí người lao động!

Thứ Sáu, ngày 04/09/2015 13:46 PM (GMT+7)
Chia sẻ

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho rằng không thể công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước với đội ngũ công nhân đang sống mòn với những bữa sáng 3.000 đồng, bữa tối chỉ có rau và đậu hũ... vì tiền lương quá thấp

Phóng viên: Ở phiên họp Hội đồng Tiền lương quốc gia dự kiến diễn ra hôm nay, 3-9, Tổng LĐLĐ Việt Nam vẫn giữ quan điểm đề xuất tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2016 lên 16,8%?

Ông Đặng Ngọc Tùng: Đúng vậy. Với tỉ lệ tăng ấy thì đại đa số người lao động (NLĐ) vẫn phải sống dưới mức sống tối thiểu và vẫn chưa thực hiện được điều 91 của Bộ Luật Lao động.

Nhiều NLĐ nói rằng không phải năm nay mà rất nhiều năm trước, mỗi lần các bộ, ngành họp bàn về tăng LTT thì họ lại thấp thỏm âu lo và rồi lần nào cũng thất vọng...

- Có thực tế đó là vì tăng lương nhưng chưa kiểm soát được tăng giá khiến tiền lương thực tế giảm sút. Chính vì vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam luôn mong muốn tăng lương phải thực chất, phải rút ngắn được khoảng cách giữa tiền LTT và nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ, tiến tới LTT phải bảo đảm mức sống tối thiểu theo lộ trình.

Những ngày qua, ý kiến của đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trả lời báo chí đều cho rằng thương lượng tiền lương 2 lần vừa rồi thất bại là do Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất mức tăng quá cao?

 Hãy đặt mình vào vị trí người lao động! - 1

- Ngược lại là khác. Trong 3 năm qua, đây là năm Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất mức tăng thấp nhất. Cụ thể: năm 2014 là 29%, năm 2015 là 22% và năm 2016 là 16,8%. Trong khi đó, đề xuất của đại diện giới chủ vẫn giẫm chân tại chỗ ở mức 10%.

Tôi khẩn thiết kiến nghị các vị thành viên trong Hội đồng Tiền lương quốc giahãy đặt mình vào vị trí NLĐ, hãy thực tế với cuộc sống xã hội, hãy chịu khó đọc bài nghiên cứu và đề xuất lộ trình tăng LTT của GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, để có quyết định đúng đắn, bảo đảm được quyền lợi NLĐ và người sử dụng lao động, thực hiện đúng luật pháp mà Quốc hội đã thông qua.

Tại sao việc tăng LTT cứ dùng dằng dù Bộ Luật Lao động năm 2012 đã có hiệu lực từ ngày 1-5-2013 và Kết luận số 23-KL/TW ngày 29-5-2012 của Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã chỉ rõ định hướng cải cách tiền lương là “Điều chỉnh mức LTT khu vực doanh nghiệp (DN) nhanh hơn để đến năm 2015 đạt mức nhu cầu tối thiểu”?

- Tháng 5-2013, khi Bộ Luật Lao động sửa đổi có hiệu lực, lẽ ra phải thực hiện điều 91 của bộ luật này là LTT đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện bình thường. Thế nhưng năm đó, do tình hình kinh tế khó khăn, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng nếu điều chỉnh ngay mức LTT theo quy định của Bộ Luật Lao động thì nhiều DN sẽ khó khăn.

Vì thế, Bộ LĐ-TB-XH đã xây dựng phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủvề lộ trình điều chỉnh LTT để có thể bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu cho NLĐ vào năm 2016 hoặc 2017. Trong quá trình thực hiện, nếu điều kiện kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh của DN thuận lợi thì điều chỉnh mức LTT vùng nhanh hơn lộ trình dự kiến, tức là trước năm 2017.

Một chính sách có tác động đến hàng chục triệu NLĐ nhưng tại sao cứ mãi “cù nhây” như vậy, thưa ông?

- Một mình Tổng LĐLĐ Việt Nam không thể quyết định được vì Hội đồng Tiền lương quốc gia có đại diện 3 bên: NLĐ, giới chủ và Chính phủ. Đại diện giới chủ thì có xu hướng càng thấp càng tốt, trong khi đại diện Bộ LĐ-TB-XH với vai trò chủ tịch hội đồng lại có xu hướng dung hòa dù biết rõ đề xuất của Công đoàn hoàn toàn có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn.

Ông suy nghĩ thế nào trước ý kiến cho rằng nếu trả lương cao như đề xuất của Công đoàn thì DN không kham nổi, sẽ phá sản, dẫn đến NLĐ mất việc...

- Tôi cho rằng suy nghĩ như vậy là chưa đúng. Trả lương đủ sống cho NLĐ để họ yên tâm làm việc, dồn hết tâm trí, sức lực để cống hiến cho DN, xem DN như ngôi nhà thứ hai của mình, gắn cuộc sống của mình với DN, làm việc gì cũng vì DN thì cái lợi sẽ lớn hơn gấp trăm lần việc cò kè, trả giá, tạo tâm lý ức chế cho NLĐ, thậm chí có thể khiến họ ghét bỏ, xem DN là nơi ở tạm...

Vừa qua, nhiều NLĐ cho biết họ không quan tâm đến những khái niệm như GDP, CPI, năng suất lao động... mà chỉ muốn biết tại sao lãnh đạo nói kinh tế khởi sắc, tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, thế mà tiền lương của NLĐ lại giảm? Cụ thể, năm 2014 tăng 17%, năm 2015 tăng 14,5%, còn năm nay e rằng còn tệ hơn...

- Ý kiến của Hội đồng Tiền lương quốc gia chỉ có tính chất tham mưu cho Chính phủ xem xét, quyết định. Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển của nền kinh tế. Không thể công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước vớiđội ngũ công nhân đang sống mòn với những bữa sáng 3.000 đồng, những bữa tối chỉ có rau và đậu hũ; sống tạm bợ trong những khu trọ tồi tàn, nhếch nhác... Chắc chắn Chính phủ sẽ cân nhắc, có quyết định phù hợp.

Hiện nay, hầu hết DN đã trả lương cao hơn mức LTT nhưng vì sao họ vẫn kỳ kèo, trong khi mức đề xuất LTT cho năm sau vẫn chưa bằng mức các DN đã trả cho năm nay?

- Tiền lương mà NLĐ nhận được là thu nhập thực tế, bao gồm tiền lương cơ bản, các khoản phụ cấp và tăng ca. Từ trước đến nay, các DN thường tách riêng phụ cấp và tiền lương để không đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên mức thu nhập thực tế. Điều này kéo theo các chế độ của NLĐ như trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất... rất thấp; NLĐ rất thiệt thòi. Luật BHXH có hiệu lực từ tháng 1-2016 sẽ khắc phục điều này khiến các DN lo sợ phải tăng mức đóng, làm giảm tính cạnh tranh của DN.

Tuy nhiên, thay vì lo sợ như vậy thì các DN cần đầu tư, đổi mới công nghệ, cải tiến quản lý, nâng cao tay nghề cho NLĐ để nâng cao năng suất lao động, cải thiện vị trí của các DN Việt Nam trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, chứ không thể cứ mãi bằng lòng với vị trí thấp nhất như hiện nay.

LTT vẫn còn xa mức sống tối thiểu

Theo khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình năm 2016 đối với vùng 1 là 4,2 triệu đồng, vùng 2 là 3,63 triệu đồng, vùng 3 là 3,15 triệu đồng và vùng 4 là 2,9 triệu đồng.

Căn cứ tình hình kinh tế, đời sống của NLĐ và để bảo đảm lộ trình LTT phải đảm bảo mức sống tối thiểu vào năm 2017, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất mức LTT vùng năm 2016 tăng 350.000 - 550.000 đồng tùy từng vùng (mức tăng bình quân là 16,8% so với năm 2015). Với đề xuất này thì mức LTT cao nhất của năm 2016 (vùng 1) cũng chỉ mới đạt 3.650.000 đồng.

 Đừng để công nhân sống mòn

Theo dõi 2 phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa qua, cảm giác của tôi và nhiều anh em công nhân là thất vọng. Các thành viên của hội đồng, đặc biệt là VCCI, có hiểu được nỗi khổ của NLĐ khi vẫn bảo lưu mức đề xuất tăng 10% LTT?

Thực tế, do mức LTT hiện nay quá thấp nên dù có làm thêm đến kiệt sức thì đời sống NLĐ cũng chẳng cải thiện. Tôi đã khóc khi chứng kiến cảnh nhiều gia đình công nhân thắt lưng buộc bụng, dè sẻn từng đồng lương trong chi tiêu nếu không muốn lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau, thậm chí phải vay nợ. Đó cũng là lý do vì sao rất nhiều DN đã chủ động “đẻ” thêm các khoản phụ cấp với mong muốn giúp CN ổn định cuộc sống.

LTT phải bảo đảm sống tối thiểu của NLĐ. Do vậy, cá nhân tôi ủng hộ phương án tăng 16,8% do Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất bởi phương án này có cơ sở khảo sát đáng tin cậy, tiên liệu được áp lực về đời sống mà hàng triệu lao động đang đối diện. Đừng để NLĐ sống mòn với với mức LTT hiện tại. (Theo Ông Đinh Tuấn Kiệt - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Vĩ Châu, quận 7, TP HCM)

Ước mơ ngày càng xa vời...

Làm công nhân ở TP HCM được 5 năm nhưng thu nhập của tôi kể cả tăng ca chỉ tròm trèm 5 triệu đồng/tháng. Tính luôn thu nhập của chồng là công nhân xây dựng thì tổng thu nhập hằng tháng của 2 vợ chồng chưa đến 10 triệu đồng. Trừ chi phí thuê nhà trọ, điện, nước, ăn uống và tiền gửi về quê phụ giúp cha mẹ chăm sóc 2 con, không tháng nào vợ chồng tôi có dư, nói gì đến tích lũy cho tương lai.

Xa quê kiếm sống, mong muốn của công nhân là có việc làm, thu nhập ổn định và có tích lũy nhưng với thu nhập hiện tại, rõ ràng ước mơ ấy ngày càng xa vời. Lãnh đạo VCCI và Hiệp hội Dệt may Việt Nam nên “vi hành” nhiều hơn xuống nhà trọ công nhân để chứng kiến cảnh sống khổ sở của hàng triệu NLĐ - những người làm công ăn lương từng ngày, từng giờ chỉ mong ước điều đơn giản nhất: Sống được bằng đồng lương của mình. (Theo Chị Nguyễn Thị Huệ - Công nhân một doanh nghiệp gia công giày, quận Bình Tân, TP HCM).

Chia sẻ
Theo Người lao động
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN