Trọng Tấn thôi dạy: Có gì mà ồn ào!

Sự kiện: Sao Việt

Ngày 6/8, Trọng Tấn đã gửi đơn xin thôi dạy ở Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam. Sự kiện hi hữu này ngay lập tức đã gây xôn xao trong dư luận. Bên cạnh những người đồng tình, cũng có người cho rằng, khó có thể "cảm thông" với quyết định của Trọng Tấn.

Xôn xao vì đâu?

Theo đánh giá của ca sỹ Lan Anh - một trong những giọng ca nhạc đỏ hàng đầu và là đồng nghiệp của Trọng Tấn ở Học viện Âm nhạc Quốc gia thì Trọng Tấn là một giáo viên giỏi. NSND Trung Kiên - người thầy và là đồng nghiệp của Trọng Tấn cũng có chung nhận định này. Ông còn tiết lộ: "Trọng Tấn cũng được kỳ vọng nhiều, có thể sau này sẽ là trưởng khoa...".

Trọng Tấn thôi dạy: Có gì mà ồn ào! - 1

Ngày 6/8, Trọng Tấn bất ngờ xin thôi dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia VN

Cũng theo tiết lộ của NSND Trung Kiên, Học viện Âm nhạc quốc gia cũng tạo điều kiện để Trọng Tấn có thể đi diễn bên ngoài chứ không hề gây khó dễ. Hơn nữa: "Đi hát thì có thêm uy tín cho nghề giảng viên, ngược lại, anh là giảng viên đi hát thì người ta cũng quý trọng hơn".

Trước khi nghỉ dạy, Trọng Tấn cũng đang làm luận án Tiến sỹ về nghệ thuật biểu diễn.

Chỉ chừng ấy cũng có thể thấy, bên cạnh việc được công chúng đón nhận như một trong những giọng ca hàng đầu của dòng nhạc đỏ, Trọng Tấn còn được đánh giá là một giảng viên giỏi và đường công danh đang rộng mở.

Thế nên, việc Trọng Tấn đột ngột xin nghỉ dạy mới khiến người ta thấy lạ. Lạ hơn nữa, khi anh là giảng viên đầu tiên xin thôi dạy trong gần 60 năm lịch sử của trường Học viện âm nhạc Quốc gia.

Trọng Tấn thôi dạy: Có gì mà ồn ào! - 2

Trong suốt gần 60 năm kể từ ngày thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia VN, Trọng Tấn là giảng viên đầu tiên xin thôi dạy

Tiếng nói người trong cuộc

Tin Trọng Tấn xin thôi dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia ngay khi "lộ" ra bên ngoài đã thu hút sự quan tâm, chú ý của giới truyền thông và công chúng. Giọng ca của Tiếng đàn bầu tỏ ra khá kiệm lời và thận trọng trong việc tiết lộ lý do khiến anh đưa ra quyết định trên.

Chia sẻ với nhà văn Nguyễn Quang Vinh, Trọng Tấn cho hay: "Em hoạt động ca hát cá nhân ngoài công việc tại nhà trường rất nhiều, và chắc chắn là không thể nói là không ảnh hưởng đến việc này việc kia, rồi có người nói này nói kia, em có tự trọng, em muốn các hoạt động ca hát của em không ảnh hưởng đến nhạc viện, đến tập thể. Em muốn tự do hoạt động nghệ thuật, thoải mái đi nơi này nơi kia, lên lịch diễn dễ dàng hơn....

Những năm tháng ở Nhạc viện là thời gian rất quý báu và vui vẻ, không thể không có điều này điều kia nhưng nhỏ bé thôi, em xin nghỉ chỉ vì em muốn dành hết thời gian tâm sức cho nghề mình đã chọn".

Mặc dù đưa ra quyết định nghỉ dạy nhưng Trọng Tấn khẳng định, nếu học trò của mình muốn giúp đỡ về ca hát, về kỹ thuật thì anh vẫn luôn sẵn lòng.

Trọng Tấn thôi dạy: Có gì mà ồn ào! - 3

Trọng Tấn quyết định nghỉ dạy để tập trung vào ca hát

Tranh cãi về quyết định của Trọng Tấn

Quyết định nghỉ dạy của Trọng Tấn đã không được thày của anh đồng tình- NSND Trung Kiên. Ông tiết lộ, cách đây khoảng hơn 2 năm, cậu học trò cưng của ông đã chia sẻ ý định thôi xin dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia. Khi đó, ông đã ra sức can ngăn.

Tuy nhiên, tới tháng 8 vừa qua, thì Trọng Tấn đã đột ngột xin dạy mà không chía sẻ trước với NSND Trung Kiên. "Tôi không phê phán gì nhưng cũng không biết có thể dùng chữ “thông cảm” ở đây được không, vì nếu ai cũng như Trọng Tấn thì cả cái học viện này giải tán rồi. Trong khi đó, nhiều giáo sư già, như khoa piano chẳng hạn, chỉ có vài sinh viên nhưng họ vẫn hàng ngày đạp xe đạp đến dạy" - NSND Trung Kiên xót xa nói.

Trọng Tấn thôi dạy: Có gì mà ồn ào! - 4

NSND Trung Kiên cảm thấy khó đồng cảm với quyết định của Trọng Tấn

Trong khi đó, các đồng nghiệp trẻ của Trọng Tấn như ca sỹ Anh Thơ, Lan Anh, Việt Hoàn, Hồ Hoài Anh, Lê Minh Sơn thì lại có cái nhìn thoáng hơn. Mặc dù có tiếc nuối nhưng họ tôn trọng quyết định riêng của ca sỹ này. Theo Lan Anh, Trọng Tấn cũng không dễ dàng gì khi xin thôi dạy và để có được quyết định này, chắc hẳn anh cũng đã cân nhắc kỹ lưỡng.

Còn NSƯT Việt Hoàn chia sẻ: "Là một nghệ sĩ biểu diễn đang ở đỉnh cao như Trọng Tấn, nếu đảm nhận 2 vai trò một lúc chắc chắn nhiều áp lực. Việc chuẩn bị cho công việc biểu diễn của một nghệ sĩ của chúng tôi chiếm gần hết thời gian nên khó để có thể chỉn chu ở vai trò người thầy. Do đó, việc xin thôi giảng dạy của Tấn tôi cho rằng là việc hết sức bình thường không có gì là to tát cả".

Bản thân Trọng Tấn cũng có quan điểm giống với NSƯT Việt Hoàn. Anh nói: "Việc công chức xin nghỉ làm là việc rất bình thường, khi xét thấy mình không thể hoàn thành tốt công việc công chức thì cách tốt nhất là xin nghỉ, cũng như ai đó có cương vị nào đó thấy mình không đủ sức gánh vác thì xin từ chức".

Trọng Tấn thôi dạy: Có gì mà ồn ào! - 5

Trong khi đó, các đồng nghiệp trẻ của Trọng Tấn như Việt Hoàn, Lan Anh...thì có cái nhìn thoáng hơn

Ai đúng, ai sai?

NSND Trung Kiên, Trọng Tấn cũng như các nghệ sỹ trẻ còn lại có ý kiến khác nhau về sự việc. Tuy nhiên, có lẽ những ý kiến đó không mâu thuẫn với nhau. Ý kiến của NSND Trung Kiên là của một người nghệ sỹ, người thầy đầy đam mê và tâm huyết với nghề giảng dạy. Bản thân ông nhận thấy và cũng có đủ khả năng để đảm nhận cùng lúc công việc của người nghệ sỹ và người thầy. Chính vì thế, ông thấy khó hiểu và khó "thông cảm" với quyết định của người đồng nghiệp trẻ, đồng thời cũng là cậu học trò cưng của mình.

Còn Trọng Tấn và các đồng nghiệp trẻ của anh cũng không sai. Khi họ cảm thấy không còn đủ khả năng, tâm huyết để làm tốt cùng một lúc hai công việc thì từ bỏ một trong số đó có lẽ là điều rất văn minh. Và có lẽ cũng phải nói rằng, để đưa ra quyết định từ bỏ một vị trí mà đang có cơ hội thăng tiến là điều mà không phải ai cũng đủ dũng cảm để làm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tâm An ([Tên nguồn])
Sao Việt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN