The Voice Kids: Những sự thật phũ phàng

Ai cũng biết truyền hình thực tế có mặt trái, nhưng không phải sự thật nào cũng dễ chấp nhận.

Lần đầu tiên về Việt Nam, The Voice Kids mang đến sự háo hức của biết bao em nhỏ đam mê ca hát và muốn được thử sức mình trên một sân khấu lớn. Tâm trạng này hoàn toàn có thể lý giải được vì từ trước đến giờ sân chơi dành cho các em nhỏ rất hạn chế. Ngoài Đồ Rê Mí đã trải qua vài năm phát sóng, một số cuộc thi cho phép đối tượng các bạn nhỏ tham gia như: Vietnam’s Got Talent vẫn còn rất ít.

The Voice Kids về Việt Nam sau sự thành công nhiều tai tiếng của The Voice. Chính vì thế, cuộc thi vừa có nhiều thuận lợi vừa gặp không ít áp lực. Dù vẫn ồn ào nhưng sự hồn nhiên và hết mình của các thí sinh nhí đã tạo được nhiều thiện cảm trong lòng công chúng. Càng về cuối, khi càng có nhiều lùm xùm, cuộc thi càng thu hút hơn. Và nhiều khán giả bắt đầu e ngại, các thí sinh của cuộc thi đang bị “lợi dụng” hoặc mất dần đi sự hồn nhiên vì những chuyện xảy ra trong thời gian qua.

Đắng lòng đưa con đi thi

Chuyện các thí sinh tham gia các cuộc thi dài hơi gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về chuyện kinh phí vốn không còn xa lạ. Ngay cả ở một số cuộc thi cho người lớn, dù được BTC hỗ trợ chi phí ăn ở, đi lại nhưng nhiều thí sinh vẫn thừa nhận đã tiêu hết số tiền không hề nhỏ. Khi bài viết của bố thí sinh Thùy Mai The Voice Kids được đưa lên mạng, nhiều người vừa giật mình, bàng hoàng vừa xót xa và thương cảm.

The Voice Kids: Những sự thật phũ phàng - 1

Để con cái được lên ánh đèn sân khấu, phía sau các ông bố, bà mẹ phải hy sinh quá nhiều

Với mọi gia đình, khi con cái có niềm đam mê ca hát và được đến với sân chơi The Voice Kids chắc chắn là một niềm hạnh phúc, tự hào. Và gia đình của Thùy Mai cũng không nằm ngoài quy luật đó. Tuy nhiên, niềm hạnh phúc nhanh chóng trở thành một gánh nặng vì chi phí cho cuộc thi quá lớn mà bản thân họ đã không lường trước được.

Ngoài tiền khách sạn, vé máy bay được BTC đài thọ toàn bộ thì chi phí sinh hoạt gia đình đều tự lo. Sau lần đầu tiên đưa con đi thi vòng giấu mặt, cả nhà cùng bàn tính làm mọi cách, thậm chí mang theo cả đồ ăn để tiết kiệm nhưng chẳng cải thiện được bao nhiêu.

Nhiều khán giả sẽ không tin trước cảnh các ông bố bà mẹ có con đi thi nhưng họ lại sử dụng toilet để nấu ăn chung, tự giặt đồ nhằm tiết kiệm chi phí. Nhưng, những hình ảnh được hé lộ và câu chuyện được kể lại quả không sai vì người trong cuộc không chỉ có gia đình bé Thùy Mai mà còn biết bao ông bố, bà mẹ khác cũng trải qua như thế.

Khi câu chuyện này được hé lộ, người tin, người nghi ngờ vì không ai nghĩ các thí sinh phải bỏ ra quá nhiều cả về thời gian, công sức và vật chất đến vậy khi tham gia cuộc thi tầm cỡ như The Voice Kids.

The Voice Kids: Những sự thật phũ phàng - 2

Những bữa cơm "tự túc" của gia đình các thí sinh

Bố của Thùy Mai cũng giải thích rất rõ trong tâm thư của mình rằng anh không có ý định bêu riếu hay trách móc BTC mà chỉ muốn để các gia đình, nếu có dự định cho con đi thi cuộc thi này trong các năm tiếp theo sẽ suy nghĩ để đưa ra quyết định hợp lý.

Khi giải thích về chuyện này, đại diện BTC chỉ “nói cho xong” rằng năm đầu cuộc thi tổ chức nên còn nhiều khó khăn và họ chưa lường trước được hết mọi việc.

Mức quảng cáo trên trời

Chuyện của gia đình Thùy Mai càng khiến cộng đồng mạng bức xúc hơn vì giá quảng cáo cat-xê của The Voice Kids khi được công khai. Theo tính toán, mỗi giây quảng cáo trên chương trình có giá dao động từ 9- 14 triệu đồng. Mỗi TVC (video quảng cáo) thời gian 30 giây khoảng 280 triệu đồng, TVC 15-20 giây từ 168-210 triệu đồng và khoảng 10 giây trung bình 14 triệu/giây. Đây là mức giá được áp dụng riêng cho đêm chung kết.

Tất nhiên, con số này ở các vòng ngoài có thể thấp hơn (khoảng 170 triệu/TVC 30 giây). Nhưng nếu cứ tính tổng lợi nhuận mỗi số phát sóng của The Voice Kids, chương trình đã thu về hàng tỷ đồng. Chưa biết việc phân chia % lợi nhuận như nào nhưng rõ ràng số tiền mà BTC thu về được sau chương trình là không hề nhỏ.

Và nhiều người cho rằng việc BTC không hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho các thí sinh là không hề thỏa đáng. Nói một cách khác, vô tình các thí sinh của The Voice Kids Việt đang bị “lợi dụng” một cách tinh vi. Các em có cơ hội để đứng trên sân khấu lớn, được các HLV có kinh nghiệm giảng dạy, trau dồi kiến thức về âm nhạc nhưng giá trị vật chất mà các em mang lại cho chương trình không hề nhỏ.

The Voice Kids: Những sự thật phũ phàng - 3

Bảng giá quảng cáo đêm CK The Voice Kids được VTV công khai

Một chi tiết trong nhật ký đưa con đi thi của bố Thùy Mai cũng được nhiều người đưa ra so sánh. Đó là khi HLV Thanh Bùi thuê căn hộ cho Vũ Song Vũ, Trần Ngọc Duy và Thùy Mai trong 10 ngày để các bé có mặt ở Sài Gòn học nhạc.

Theo bố của Thùy Mai chia sẻ thì đây là 10 ngày hạnh phúc nhất vì các bé được bao trọn gói một cách tốt nhất. Phép so sánh này khiến nhiều người càng giật mình và càng xót xa hơn cho các thí sinh cũng như người nhà của họ.

Trong câu chuyện về giá quảng cáo của The Voice Kids, những người làm nghề không quá ngạc nhiên. Tuy nhiên, mức giá được công khai trong đêm chung kết được cho là cao nhất từ trước đến nay.

Theo thông lệ, hầu hết các chương trình truyền hình thực tế đều có mức giá khá cao. Tuy nhiên, "kỷ lục" trước đây cũng chỉ khoảng 240 triệu cho một TVC khoảng 30 giây. Do đó, mức giá vượt khung này khiến khán giả và những người ngoại đạo choáng ngợp. Số tiền quảng cáo được tính trên đơn vị giây còn trong chương trình, số lượng các quảng cáo được tính bằng phút và chắc chắn nó sẽ lên đến con số hàng chục phút.

Câu chuyện về doanh thu và những quyền lợi mà BTC nên chia sẻ cho các thí sinh để đảm bảo các em không quá thiệt thòi cần được xem xét lại. Nếu theo ý kiến của BTC là sửa sai cho các mùa sau thì rõ ràng các thí sinh mùa đầu tiên chấp nhận phần thiệt quá nhiều.

Chuyện cat-xê: Đâu là sự thật

Cũng liên quan đến chuyện tiền bạc, chuyện cat-xê của Phương Mỹ Chi cũng đang là chủ đề được bàn tán nhiều không kém trên các trang mạng xã hội. Một số nguồn tin cho hay, “chị Bảy” của giọng hát Việt nhí nhận được cat-xê lên đến 20-30 triệu đồng cho một đêm diễn. Chính ông Nguyễn Quang Minh – tổng giám đốc công ty Cát Tiên Sa, đơn vị tổ chức chương trình thừa nhận đúng là Phương Mỹ Chi đã nhận được lời mời hát với mức giá nói trên nhưng cô bé chưa nhận lời.

Còn về phía gia đình của “chị Bảy” khẳng định, con gái của họ chưa hề nhận được lời mời nào. Số tiền duy nhất bé nhận được là 400.000 VNĐ trong đêm nhạc Mr. Đàm và The Voice 2013 - Hãy về với anh.

Thực tế, những phát ngôn hay những bình luận của phía cư dân mạng sẽ khiến cô bé bị tổn thương nhiều hơn. Phương Mỹ Chi cũng từng chia sẻ trên báo chí rằng, cat-xê em đi hát chỉ được vài trăm ngàn đồng, chủ yếu đưa cho gia đình và chỉ xin một phần nhỏ để mua quà bánh.

The Voice Kids: Những sự thật phũ phàng - 4

Phương Mỹ Chi - giọng ca đình đám của The Voice Kids

Trong bất cứ cuộc thi ca hát nào, khi sức nóng của chương trình đang lan rộng thì chuyện các thí sinh được mời đi hát tại các sân khấu lớn nhỏ, được trả mức cat-xê hậu hĩnh là điều không còn xa lạ. Còn nhớ, khi Uyên Linh vừa rời khỏi Vietnam Idol mức giá của cô đã lên đến 40 triệu đồng/show diễn. Những cái tên như Bùi Anh Tuấn, Đinh Hương, Hương Tràm… của mùa thi đầu thiên của The Voice cũng có cat-xê được tính bằng chục triệu đồng. Thậm chí, một show truyền hình đậm chất giải trí như Gương mặt thân quen, chính Kyo York, Khởi My… đều thừa nhận sau chương trình giá catse của họ cũng tăng lên ít nhiều.

Mỗi một cuộc thi ca hát có những tiêu chí, đặc thù riêng. Đặc biệt, khi sân chơi này giành riêng cho các em nhỏ thì những sức ép, khó khăn lại càng lớn hơn rất nhiều. Chính vì thế, trước khi bước vào giai đoạn ghi hình, BTC The Voice Kids từng mời các chuyên gia tâm lý đến để chia sẻ cho các HLV. Tuy nhiên, điều mà khán giả sợ nhất đó là các thí sinh còn quá nhỏ và bản thân các em chưa cảm nhận hết được sự được – mất mà một show truyền hình thực tế mang lại. Vai trò của gia đình trong trường hợp này càng đóng vai trò tiên quyết trước sức ép từ truyền thông và những quy định từ phía BTC.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khôi Nguyên ([Tên nguồn])
Giọng hát Việt nhí 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN