Mỹ Linh: 'Làm nghệ thuật không đơn giản hái ra tiền'

"Có rất nhiều người sạt nghiệp vì kinh doanh nghệ thuật" - Mỹ Linh chia sẻ.

Young hit Young beat là một trong những dự án âm nhạc được truyền thông nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua. Đây cũng là học viện âm nhạc đã chính thức được thành lập vào tháng 5 năm 2015, do ca sĩ Mỹ Linh cùng các giảng viên là những nhạc sĩ, nghệ sĩ có chuyên môn cao đang dày công xây dựng để trở thành một "lò" luyện các ngôi sao nổi tiếng.

Xuất hiện trong chương trình Cafe sáng cuối tuần mới đây, ca sĩ Mỹ Linh đã có những chia sẻ về công nghệ đào tạo ca sĩ tại Việt Nam hiện nay.

- Chị nghĩ thế nào về hai chữ “công nghệ” trong việc đào tạo ca sĩ hiện nay ?

Công nghệ đào tạo là xu hướng mà tôi rất thích, không chỉ với ca sỹ mà cả nghệ sỹ nói chung, vì trong ngành công nghiêp âm nhạc, không phải chỉ cần một mình ca sĩ mà cần cả sự hỗ trợ của nhạc công, nhạc sĩ, vì vậy tất cả mọi khía cạnh đều cần được đào tạo.

Hiện nay, ở nước ta chưa phát triển công nghệ này và cũng chỉ dừng lại ở mức manh nha đào tạo một số ca sỹ trẻ. Các ca sỹ trẻ đa năng bây giờ có xu hướng là phải biết hát, chơi nhạc cụ, biết sáng tác, nhảy múa và biết cách phát ngôn trước công chúng.

Mỹ Linh: 'Làm nghệ thuật không đơn giản hái ra tiền' - 1

Ca sĩ Mỹ Linh cho rằng, Việt Nam chưa có công nghệ đào tạo ca sĩ bài bản

- Công nghệ đào tạo ca sĩ là điều mà nhiều nghệ sĩ tâm huyết đã nghĩ đến từ rất lâu, nhưng với tư cách là một ca sĩ đã thành danh, chị lại đưa ra nhận xét rằng "Viêt Nam chưa thực sự có công nghệ đào tạo ca sĩ bài bản", vậy tại sao ?

Theo tôi nghĩ, vì chúng ta chưa có thi trường âm nhạc, ngành âm nhạc tồn tại được là nhờ nhiều nguồn thu khác nhau. Đầu tiên là từ các sản phẩm băng đĩa nhạc, sau đó một ca sĩ thành danh có thể sử dụng hình ảnh của chính mình để kinh doanh. Những điều nghệ sĩ này quan tâm sẽ dễ dàng trở thành xu hướng hoặc trào lưu mới.

Tuy nhiên hiện nay, chúng ta lại chưa khai thác được hết toàn bộ những nguồn thu này, dẫn đến việc chưa có thị trường làm cho ngành công nghiệp này không thể phát triển được.

Hiện nay, chúng tôi đang đào tạo một số ca sĩ trẻ được chú ý trên thị trường âm nhạc như Hoàng Tôn, Vũ Cát Tường... Đặc biệt mới đây chúng tôi sản xuất và ký hợp đồng với ca sĩ độc lập Nhật Thủy.

- Nhìn sang thị trường âm nhạc quốc tế là Hàn Quốc, những nghệ sĩ ở đây họ vào công ty đào tạo từ khi còn rất bé nhung phải đến 15 năm sau họ mới được xuất hiện trước công chúng, toàn bộ 15 năm đó người nghệ sĩ phải âm thầm tập luyện vũ đạo, ca hát để chờ đến ngày xuất hiện, chị nghĩ sao về điều này?

Đây cũng là điều mà chúng tôi đang nghĩ đến, cuộc thi Young hit Young beat vừa rồi chính là kênh giúp chúng tôi tìm kiếm những tài năng như vậy. Sự tìm kiếm này nó không chỉ dừng lại ở vấn đề ca hát, mà còn cả những nghệ sĩ để bổ sung cho lực lượng nhạc công, nhạc sĩ trong tương lai.

Việc ca sĩ được tham gia vào quá trình đào tạo chuyên nghiệp, sẽ giúp họ biết được hướng đi của mình một cách chính xác nhất là theo thể loại nhạc nào, phong cách trình diễn mà họ sẽ như thế nào. Tuy nhiên, sự cạnh tranh giữa các ca sĩ sẽ ngày càng gay gắt hơn.

- Khi nhắc đến công tạo đào tạo ca sĩ, bên cạnh vấn đề liên quan đến chuyên môn, nhiều người còn cho rằng, nó là công nghệ hái ra tiền và rõ ràng nó đã hái ra tiền cho rất nhiều quốc gia khác. Vậy ở khía cạnh về kinh tế của vấn đề này chị nghĩ như thế nào?

Làm bất cứ một ngành nghề gì, ngay cả kinh doanh nghệ thuật hay âm nhạc, khi chúng ta đã đặt ra một bài toán kinh doanh thì phải nghĩ đến chuyện nuôi sống được công ty của mình, lỗ lãi là câu chuyện không thể đùa.

Tuy nhiên, mọi người chỉ mới nhìn thấy khía cạnh "hái ra tiền" mà không biết đã có rất nhiều người sạt nghiệp vì kinh doanh nghệ thuật. Cho nên, tôi nghĩ rằng, sẽ luôn luôn có hai mặt trong bất kỳ một vấn đề nào.

- Chị có nghĩ mình đang dẫn thân vào một cuộc chơi khá mạo hiểm không ?

Tôi không coi đây là một cuộc chơi, mà là một việc mà tôi rất là yêu thích. Chính vì không đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu nên tôi tin rằng, khi mình làm việc với tinh thần phục vụ thì thành công sẽ đến với mình.

- Có thể nhiều người sẽ đặt câu hỏi, Mỹ Linh và chồng đã có một nền tảng kinh tế quá vững chắc nên chị không đặt bài toán lợi ích kinh tế lên đầu tiên, nhưng với người khác sẽ nguy hiểm như thế nào nếu những nhà sản xuất âm nhạc, họ đào tạo nghệ sĩ mà luôn đặt vấn đề tiền lên hàng đầu ?

Tôi không biết là sẽ nguy hiểm như thế nào, vì bản thân tôi cũng chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng nếu nói chúng tôi không quan tâm đến lợi ích về kinh tế thì không đúng, bởi vì chúng tôi cũng không giàu có đến mức bỏ tiền ra để chơi. Chúng tôi làm với một sự cam kết với những dịch vụ tốt nhất đến với khách hàng. Bù lại chúng tôi sẽ nhận lại được chi phí, học phí để tái đầu tư.

- Cảm ơn chị về những chia sẻ!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Chung Đoàn (lược ghi) ([Tên nguồn])
Ngôi sao ca nhạc Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN