Giải mã "nhạc ngầm" đưa Sơn Tùng thành sao

Những ý kiến gay gắt vụ đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP, người khẳng định mình từng ba năm hoạt động trong giới "underground" Việt Nam, khiến công chúng chú ý nhiều hơn tới "thể loại" nhạc vốn ít biết này.

Để giúp mang đến cho công chúng cái nhìn rõ hơn về underground, chúng tôi xin đưa ra những tìm hiểu và giải thích về trào lưu nhạc này.

Nhạc ngầm là trào lưu

Cần phải nói ngay rằng, nhạc undeground (tạm dịch Nhạc ngầm) không phải là một thể loại âm nhạc như rock hay pop hay jazz. “Nhạc ngầm” là một thuật ngữ nói đến trào lưu sản xuất âm nhạc của các nghệ sỹ.

Trào lưu nhạc ngầm bao gồm tất cả những thể loại âm nhạc thoát ra khỏi âm nhạc chính thống. Chính thống (mainstream) được giới chuyên môn âm nhạc thế giới quy là những thể loại âm nhạc được sản xuất tại các trường quay, có phát hành album rộng rãi, nhằm thu lại lợi nhuận thương mại.

Ngược lại, nhạc ngầm bao gồm tất cả những cách làm nhạc, sản phẩm âm nhạc không mang tính thương mại, tức không có mục đích tạo ra lợi nhuận tài chính. Thay vào đó, nhạc ngầm có khuynh hướng nhấn mạnh các giá trị chung cơ bản, như đặt nặng tính cá nhân của nghệ sỹ trong sáng tác, nhấn mạnh tự do sáng tạo, sự gần gũi và chân thực trong âm nhạc.

Không chỉ là tinh thần trong nội dung các ca khúc, nhạc ngầm thể hiện ở quá trình sản xuất và biểu diễn. Các nhà sản xuất (ca sỹ, nhạc sỹ) làm nhạc theo xu hướng ngầm không sản xuất theo quy mô hàng loạt, không có các chiến dịch truyền thông và cũng không phát hành album như những ca sỹ và nhạc sỹ chính thống.

Giải mã "nhạc ngầm" đưa Sơn Tùng thành sao - 1

Ban nhạc Nirvana với "linh hồn" Kurt Cobain danh tiếng được xem là một trong những ban nhạc  nổi danh trong ngành công nghiệp âm nhạc chính thống nhưng từng hoạt động theo trào lưu Underground đầu những năm 1990

Thời hoàng kim nhạc ngầm

Trào lưu làm nhạc ngầm nổi lên mạnh mẽ nhất giai đoạn những năm 1960 ở Anh Quốc và Bắc Mỹ, đặc biệt ở Mỹ. Thập kỷ 1960 ở Mỹ và châu Âu là thời hoàng kim của phong trào “phản văn hóa”.

Phản văn hóa là phong trào người trẻ tuổi phản bác và tách mình ra khỏi những định chế văn hóa đương thời. Hưởng ứng phong trào này, hàng triệu người trẻ Âu Mỹ nổi loạn đã bỏ học, bỏ gia đình để sống trong cộng đồng những người lang bạt nay đây mai đó, tự do yêu đương và dùng cần sa.

Trong bối cảnh nổi loạn chung, nhạc ngầm cũng trở thành xu hướng mà các nghệ sỹ vượt lên trên những ràng buộc của ngành công nghiệp âm nhạc thương mại chính thống.

Giải mã "nhạc ngầm" đưa Sơn Tùng thành sao - 2

The Misunderstood được xem là một trong những ban nhạc hoạt động trong trào lưu nhạc ngầm thập niên 1960.

Cộng đồng sáng tác nhạc ngầm thường gắn liền với những ban nhạc rock và nhạc punk (một thể loại nhạc rock), sau đó là nhạc hậu punk (những năm 1980 trở đi). Những ban nhạc hoạt động theo trào lưu ngầm thường biểu diễn, sáng tác và sinh hoạt trong những phòng thu là các nhà kho hoặc nhà để xe. Tiêu biểu là nhóm The Misunderstood hoạt động mạnh mẽ những năm 1960 ở Anh.

Nhóm nhạc The Misunderstood xuất xứ từ California, Mỹ nhưng nhanh chóng chuyển sang London hoạt động. Trong suốt quá trình biểu diễn, nhóm không phát hành một album nào mà thường sáng tác và biểu diễn ngẫu hứng ở các phòng thu là nhà kho theo phong cách rock mạnh. Những sáng tác sau này và một số album giá trị của nhóm được tìm, tập hợp và phát hành lại. Album Before the Dream Faded (Trước khi cơn mơ phai) của nhóm cũng được tìm và phát hành sau đó.

Nghe hai ca khúc Find the Hidden Door và I Can Take You to the Sun  của nhóm The Misunderstood

Ở thời những năm 1970, những nhóm nhạc ngầm thường biểu diễn ở đường phố, họ thậm chí biểu diễn cho người hâm mộ ở khán đài nhỏ hoặc ngay sau xe tải. Giờ đây, nhạc ngầm thường phát hành qua các kênh trực tuyến.

Thế kỷ 21, trào lưu nhạc ngầm thoái trào

Từ thập niên 1990 trở đi, và đặc biệt khi có internet, trào lưu nhạc ngầm dần thoái trào và hiện nay, nhiều giới chuyên môn thậm chí xem nhạc ngầm đã chết, đã hết thời. Bởi nhờ sự phát triển của internet, người ta có thể sáng tác một ca khúc rồi đưa lên mạng hoặc Youtube và phổ biến rộng rãi theo cách thức hết sức đơn giản.

Nhạc ngầm hiện nay đơn giản chỉ là tinh thần làm nhạc chứ không còn là trào lưu nữa. 

Tinh thần nhạc ngầm khác với nhạc thể nghiệm ở chỗ, nó nhấn mạnh tính chân thực và gần gũi trong âm nhạc, sự tự do biểu đạt sáng tạo thay vì đặt nặng thành công thương mại. Nghệ thuật được xem như một phong cách có ý nghĩa sâu sắc, và nhạc ngầm phải thực sự khó tìm kiếm (người làm nhạc càng phải ẩn mình khỏi công chúng càng đúng là ngầm).

Giải mã "nhạc ngầm" đưa Sơn Tùng thành sao - 3

Trào lưu phản văn hóa và nhạc ngầm đã thoái trào

Nhạc ngầm và phim độc lập

Có thể hiểu nhạc ngầm giống như phim độc lập (independent) trong ngành công nghiệp điện ảnh.

Các nhà làm phim độc lập không sản xuất các phim bom tấn hay các phim thương mại chính thống, không dùng nguồn tài chính từ các trường quay và không phát hành có hệ thống rộng rãi để thu lợi nhuận.

Tương tự, trong ngành âm nhạc, nhạc ngầm cũng là những nhà làm nhạc tách mình ra khỏi dòng nhạc thương mại chính thống và muốn có một cộng đồng riêng.

Nhạc thương mại khai thác sex khác “ngầm”

Điều gì phân biệt nhạc thương mại hiện nay với nhạc ngầm khi hầu hết các sản phẩm nhạc thương mại hiện nay (như của Beyonce hay Rihanna) chứa đầy rẫy ngôn từ và hình ảnh liên quan đến tình dục và được xem như phổ biến lối sống phóng khoáng tình dục trong giới trẻ.

Giải mã "nhạc ngầm" đưa Sơn Tùng thành sao - 4

Miley Cyrus khai thác các hình ảnh gợi dục để kinh doanh thu lợi nhuận, khác với tinh thần cổ vũ tự do tình dục phi lợi của của nhạc ngầm

Điều khác biệt căn bản là, nhạc thương mại khai thác hình ảnh và biểu tượng tình dục như một phương tiện để bán và thu lợi nhuận, như một cách tiếp cận đến công chúng để giúp cho các sản phẩm này được biết đến rộng rãi hơn.

Trong khi đó, tinh thần nhạc ngầm (ở bối cảnh những năm 1960 thế kỷ trước khi tình dục là điều còn nhiều cấm kỵ và ngăn cản) muốn cổ vũ lối sống tự do yêu đương thông qua các hình ảnh và biểu tượng tình dục.

"Thế giới Underground" mà ca sỹ Sơn Tùng M-TP từng hoạt động

Mới đây nhất, sau lùm xùm đạo beat để làm nhạc, ca sỹ Sơn Tùng MT-P khẳng định mình xuất thân từ giới underground, nam ca sỹ từng không ít lần học hỏi, tìm hiểu các bản nhạc quốc tế, đặc biệt là nhạc Hàn để sáng tác dựa trên beat nhạc của họ. Chàng ca sỹ cho rằng, đây là chuyện hết sức bình thường trong giới nghệ thuật và không thể gọi anh là “đạo nhạc”.

Dẫn giải về "thế giới underground" Việt, ca sỹ Soobin khẳng định: "Thực ra, Underground mới du nhập vào Việt Nam khoảng 5-6 năm. Âm nhạc Underground bắt nguồn từ các nước Âu Mĩ, bọn tôi nghe những thể loại như R&B, hiphop… sau đó biến những thể loại nhạc đấy làm sao cho vừa tai nghe với người Việt Nam."

Nam ca sỹ chia sẻ thêm, hầu như những người chơi Underground đều là những người không được học hành bài bản về thanh nhạc, thậm chí có cả những người không được tiếp xúc nhiều với âm nhạc, nhưng họ rất thích. "Những sản phẩm học làm ra là đều tự mày mò, không ai hướng dẫn cả. Nói chung Underground là sân chơi dành cho những người đam mê dòng nhạc R&B; hiphop có thể tự do khẳng định mình, và thể hiện cá tính của mình", Soobin nói.

Giải mã "nhạc ngầm" đưa Sơn Tùng thành sao - 5

Ca sỹ Hà Trần nghi vấn "các bạn ấy" (những ca sỹ như Sơn Tùng M-TP) sính chữ khi dùng từ ngầm (underground)

Khi được hỏi về những hiện tượng âm nhạc thời gian gần đây như Sơn Tùng MTP, JustaTee .. cùng sự lên ngôi của dòng nhạc underground, nữ ca sĩ Hà Trần thẳng thắn chia sẻ, cô không biết và chưa nghe qua nên không nắm rõ mức độ "underground" của "các bạn ấy" như thế nào, có thực sự chảy ngầm, hay chỉ là sính chữ. Theo Hà Trần, underground là một sự lựa chọn phong cách, lối sống và cố ý giữ danh tiếng ở dưới tầm radar (sóng), chứ không hẳn chỉ là dòng nhạc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Phạm ([Tên nguồn])
Khám phá phong cách nhạc Underground Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN