Đằng sau sự “biến mất” của các nhạc sĩ viết nhạc thiếu nhi

Sự kiện: Sao Việt

Sự ra đi của nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích đã mang đến nhiều hụt hẫng cho khán thính giả nhiều thế hệ. Đáng suy ngẫm hơn còn ở sự “biến mất" của các nhạc sĩ chuyên viết nhạc thiếu nhi trong thời hiện tại.

“Tre” già, “măng” chưa mọc?

Là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng dành cho thiếu nhi như: “Rửa mặt như mèo”, “Đưa cơm cho mẹ đi cày”, “Tiếng chim trong vườn Bác”, “Em bay trong đêm pháo hoa”, “Tháng ba học trò”, “Xinh xinh hạt nắng”... nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích ra đi khiến công chúng không khỏi thương xót.

Tên tuổi của cố nhạc sĩ gắn liền với những ca từ, giai điệu hồn nhiên luôn vang lên lảnh lót với tiếng hát trẻ thơ: “Meo meo meo rửa mặt như mèo/ Xấu xấu lắm chẳng được mẹ yêu/ Khăn mặt đâu mà ngồi liếm mép/ Đau mắt rồi lại khóc meo meo… “ đã trở đi trở lại trong trí nhớ bao thế hệ, trở thành giai điệu đẹp, thành một bài học công dân trong sáng đầu đời.

Đằng sau sự “biến mất” của các nhạc sĩ viết nhạc thiếu nhi - 1

Cố nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích

Tuy nhiên, cùng với tên tuổi nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích, nhiều nhạc sĩ lớp trước cùng với các tác phẩm “vang bóng một thời” đang dần trở nên "lép vế” trong đời sống hiện đại. Thay vào đó, thiếu nhi cũng bị cuốn vào hiệu ứng của dòng nhạc thị trường, không phù hợp với độ tuổi, tâm lý như “trào lưu” hát ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” ở một trường tiểu học nọ.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, âm nhạc thiếu nhi đã có một đời sống phong phú, tác động vào tâm lý và quá trình giáo dục văn hóa, nhận thức cho trẻ nhỏ. Chính vì vậy, hàng trăm bài hát của các nhạc sĩ như: Phạm Tuyên, Hoàng Long, Hoàng Lân, Phong Nhã, Hàn Bích Ngọc, Vân Dung, Hoàng Vân, Huy Du... đã cùng thể hiện một điều rằng, cả thế hệ người sáng tác thời bấy giờ đã đồng tâm hướng về những mầm non trong tương lai.

Vậy trong bối cảnh hiện đại, câu hỏi đặt ra là tại sao bao năm qua vẫn chỉ quanh đi quẩn lại những "thành tựu" ấy ngay cả khi không còn hợp hoàn cảnh nữa. Và nguyên nhân do đâu mà các ca khúc mới chưa đủ sức hút với thiếu nhi.

Đằng sau sự “biến mất” của các nhạc sĩ viết nhạc thiếu nhi - 2

Ca sĩ Mỹ Linh và con gái hát "Đưa cơm cho mẹ đi cày"

Gần đây, trong chương trình “Giai điệu tự hào”, ca sĩ Mỹ Linh và "ngôi sao nhí" Mỹ Anh đã cùng trình bày ca khúc: “Đưa cơm cho mẹ đi cày” khiến nhiều khán giả lâng lâng xúc động bởi vô tình đã gặp lại bầu kí ức không thể nào quên. Nhưng khi chúng tôi mang ca khúc này để hỏi các em thiếu nhi thì câu trả lời chiếm đa số là không hiểu hoặc chỉ hiểu khi được người lớn giải thích. Lẽ đương nhiên, trẻ không hiểu thì cũng không mấy mặn mà để hát những ca khúc này.

Nhạc sĩ có cống hiến, ca khúc hay nhưng qua thời gian, sự đổi thay của bối cảnh xã hội, chuyện trẻ nhỏ bây giờ có còn xao xuyến với “Giỏ cơm trên tay, em đi đưa cơm cho mẹ em đi cày” hay “Em đi giữa biển vàng/ Nghe mênh mang trên đồng lúa hát”; “Cháu xem cày máy, cày thay con trâu...” thì còn phải xét!

Trước hết phải vì trẻ em

Trả lời về vấn đề các ca khúc viết cho thiếu nhi ngày càng thưa vắng, cũng như sự "xót xa" khi những nhạc sĩ tên tuổi đang dần khuất bóng, nhạc sĩ Văn Dung - tác giả bài hát "Chim chích bông" chia sẻ: “Thời chúng tôi, chiến tranh loạn lạc, miếng cơm không đủ để ăn nhưng tinh thần và tâm hồn luôn hướng về trẻ em và viết nhạc thiếu nhi bằng tất cả niềm tự hào cho nên mỗi ca từ cất lên đầu dạt dào những cảm xúc. Vậy mà trong thời bình, khi cơm đã no, áo đã ấm thì âm nhạc cho thế hệ tương lai đất nước lại bị lãng quên".

Đằng sau sự “biến mất” của các nhạc sĩ viết nhạc thiếu nhi - 3

"Không nên vin vào cái gọi là mưu sinh" (Nhạc sĩ Văn Dung)

"Các nhạc sĩ trẻ không nên vin vào cái gọi là mưu sinh, thị trường... bởi thời nào chẳng phải mưu sinh. Nếu thực sự quan tâm và nghĩ đến trẻ nhỏ thì hoàn cảnh nào cũng có thể viết nhạc. Xưa kia, làm gì có đơn đặt hàng hay cát-xê. Thế mà, Phạm Tuyên vẫn viết được 250 bài, Hoàng Long - Hoàng Lân viết được 200 bài hát dành cho thiếu nhi.

Tất nhiên, thị hiếu mỗi thời khác. Trẻ em bây giờ có cách nhìn, cách nghĩ khác những thế trước. Cho nên sẽ có nhiều em cho rằng, thời này còn hát nhạc Phạm Tuyên, Hoàng Lân - Hoàng Long hay một nhạc sĩ già nào đó thì bị cho là quê quá. Nhưng không hát nhạc chúng tôi thì hát nhạc của ai?", nhạc sĩ Văn Dung thẳng thắn cho biết.

Đằng sau sự “biến mất” của các nhạc sĩ viết nhạc thiếu nhi - 4

Trẻ em đang cần một đời sống âm nhạc phong phú

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, nhạc sĩ An Thuyên cho rằng, có quá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên: "Chúng ta có quá nhiều việc để lo trong gia đình, trong công việc, trong xã hội. Đặc biệt là trong đời sống hàng ngày. Vì thế mà có những thứ ta quên đi, trong đó có việc xây dựng nhân cách của trẻ em bằng những bài hát.

Tôi tin rằng trẻ em Việt Nam hiện nay, ngoài những vùng sâu, vùng xa, còn lại ở các thị tứ, thị trấn và đặc biệt thành phố, chúng được nuôi dưỡng đầy đủ về việc ăn uống. Nhưng có lẽ vì mải chăm lo cho đời sống vật chất mà nhiều người quên rằng, trẻ em đang thiếu nghiêm trọng chất dinh dưỡng về tinh thần văn hóa".

Về việc trẻ em hiện nay hát nhạc thị trường, nhạc ngoại, nhạc sĩ An Thuyên cho rằng, hát nhạc thị trường với ca từ không phù hợp lứa tuổi, tâm lý trẻ nhỏ là điều cần tránh còn nếu trẻ hát nhạc ngoại thuộc thể loại ca khúc thiếu nhi là một biểu hiện rất tốt cho quá trình hội nhập, giáo dục.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thùy Phương (giadinh.net)
Sao Việt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN