300 trang thư Trịnh Công Sơn gửi tình đầu

Mối tình trong những trang thư tình, Dao Ánh cất giữ như một chút tình riêng với Trịnh. Hai mươi năm sau họ gặp lại nhau một lời trách nhẹ "Xin trả nợ người", người ấy quay về cuộc sống độc thân.

Sau 15 năm Trịnh Công Sơn rời cõi tạm đến rong chơi bến mơ, người yêu nhạc vẫn thấy trống vắng.

Khi ông về cõi tạm, bà Dao Ánh, người yêu đầu tiên của Trịnh Công Sơn, chủ nhân của 300 trang thư tình đã quyết định công bố chút tình riêng. Tình yêu cụ thể ấy đã nhờ những áng văn chương, như những nốt nhạc chắp cánh thành biểu tượng của tình yêu…

Nhận sự uỷ thác của gia đình, cùng bà Ngô Vũ Dao Ánh, với tư cách là bạn của cố nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Duy là người biên tập 300 trang thư tình của Trịnh Công Sơn công bố thành một ấn phẩm mang tính nghệ thuật cao phát hành đúng vào ngày 1/4 đúng ngày người nhạc sĩ tài hoa về cõi vĩnh hằng.

300 trang thư Trịnh Công Sơn gửi tình đầu - 1

Trịnh Công Sơn nhiều năm sau gặp lại Dao Ánh

Gói gọn cảm xúc của mình sau khi đọc cả 300 trang thư tình của Trịnh Công Sơn, nhà báo Nguyễn Duy buông hai từ thật ý nghĩa: "Bái phục"!

Tôi hiểu, ông “Bái phục” tài văn chương, cách sử dụng ngôn ngữ hình ảnh của Trịnh và cũng “Bái phục” một tình yêu đẹp, và người đã gìn giữ 300 trang thư trải qua bao loạn lạc, ly tán.

Ngày ấy, Trịnh Công Sơn 25 tuổi vừa tốt nghiệp trường Sư phạm Quy Nhơn. Mang theo một mối tình mới người con gái xứ Huế đẹp mà “nắng hờn ghen môi, mây hờn ghen tóc” đến ẩn dật ở nơi chênh vênh những tảng mây, thị trấn B’Lao.

Trong ba năm từ 1964 đến năm 1967, Trịnh Công Sơn đã viết 300 trang thư gửi mối tình đầu, mối tình đẹp chỉ thấy trong văn, trong nhạc mang tên Dao Ánh.

Cảm nhận của nhà báo Nguyễn Duy khi đọc bức thư đầu tiên của Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh ngày 17/9/1964 là những tiếng lòng hồi hộp, reo vui: “Dao Ánh, Dao Ánh, Dao Ánh…”.

300 trang thư Trịnh Công Sơn gửi tình đầu - 2

Trang thư tình Trịnh viết gửi cô bé 15 tuổi- Dao Ánh

Nét bút trên trang thư nhảy múa như những nốt nhạc: “Anh cảm ơn Ánh nghìn lần đã yêu thích thiên - đàng - sương - mù của anh. Anh sẽ cố gắng yêu thích nó đến bao giờ không thể. Ở đây có sự tự do của con người mỗi ngày chỉ thấy mình và trời đất…”.

Và khi ấy, giữa trời đất ấy, có một người đàn ông mơ mộng, trầm tư hàng ngày có một niềm vui lớn lao nhất là ra bưu cục chờ nhận thư của người con gái mình yêu thương.

Trịnh Công Sơn cứ viết thư, viết bằng tất cả nỗi “nhớ Ánh rất tha thiết”. Trịnh viết khi trăng lên, lúc sáng sớm thức dậy, khi đông lạnh hoang vu, lúc chiều tà hoàng hôn phủ bóng… viết trong tâm thức “anh” gọi tên Dao Ánh. Nỗi nhớ ấy, tiếng gọi ấy thành ra những nét chữ, những hình ảnh của ngôn từ reo lên trong tiếng nhạc lòng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Khánh ([Tên nguồn])
Kỉ niệm ngày mất cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN