Vợ chồng khổ vì... thẻ ATM

Với nhiều phụ nữ, giữ thẻ ATM của chồng là niềm sung sướng nhưng có người lại xem đó là nỗi khổ vì phải đau đầu chi tiêu sao cho hợp lý trong khi chồng rảnh rang, không lo nghĩ.

Khi mọi người ngồi với nhau tán gẫu về những điều thuận tiện, văn minh của chiếc thẻ ATM mang lại thì anh Hải - nhân viên một cơ quan nhà nước tại quận 3, TP HCM - than thở: “Chưa thấy văn minh đâu, tôi thấy rằng từ đây mình chết đứng như Từ Hải nè!”.

Lỡ... “nộp” cho vợ

Ngày trước, cơ quan anh Hải chỉ chuyển lương cơ bản, tiền ăn, tiền xăng qua thẻ ATM; thù lao công trình... thì được nhận tiền mặt. Để chứng tỏ mình quang minh chính đại, Hải “nộp” thẳng thẻ ATM và đưa cả password cho vợ. Anh trịnh trọng: “Có thằng đàn ông nào dám giao thẻ cho vợ như anh đâu? Em khỏi lo anh có quỹ đen, quỹ đỏ, túi riêng nhé”. Chị Hằng, vợ anh Hải, nghe chồng nói thế cũng yên tâm.

Mới đây, cơ quan Hải có một thay đổi làm anh xính vính: Tất tần tật các khoản đều trả qua thẻ ATM. Anh Hải rên rỉ: “Bây giờ chỉ còn biết về nịnh vợ, to nhỏ để cô ấy thương tình cho chút đỉnh dằn túi chứ biết sao! Mà khó nhất là giải thích cho vợ biết từ trước tới nay, khoản phát sinh lớn hơn tiền lương hằng tháng tôi để đâu?”.

Cũng lâm vào tình trạng lỡ “nộp” thẻ cho vợ là anh Huy, làm ở công ty xuất nhập khẩu quận Thủ Đức, TP HCM. Anh Huy thú thật: “Vợ không đòi giữ ATM nhưng vì mới tháng đầu cầm cái thẻ, tôi đã để bị nuốt mất đến 3 lần. Rồi phiền phức khi lên xuống ngân hàng mấy bận làm lại, bực quá, tôi giao cái thẻ ATM cho vợ giữ, tùy nghi sử dụng”.

Vợ chồng khổ vì... thẻ ATM - 1

Khi thấy chồng đưa thẻ, chị rất vui nhưng rồi thấy mình thật sai lầm khi gánh một gánh quá nặng (Ảnh minh họa)

Hằng ngày, vợ Huy có nhiệm vụ kiểm tra ví của anh để kịp thời nhét tiền vào cho chồng có tiền đổ xăng, ăn trưa... Với tâm lý “đàn ông có tiền nhiều dễ sinh hư” nên ví của anh cũng chẳng được vợ nhét bao nhiêu tiền. Huy khổ sở: “Thật sai lầm khi đưa thẻ cho vợ, tiền của mình mà không được tiêu. Bây giờ bạn bè, đồng nghiệp rủ rê, tôi chỉ còn có nước trốn!”.

“Trời cao có mắt”!

Chị Hằng, vợ anh Hải, cho biết ban đầu, khi thấy chồng đưa thẻ, chị rất vui nhưng rồi thấy mình thật sai lầm khi gánh một gánh quá nặng. Mọi thứ đều tăng vùn vụt trong khi khoản tiền anh đưa thì cố định.

“Với khoản tiền lương của chồng, tôi phải căng đầu ra tính các khoản tiền học cho 2 đứa nhỏ, tiền sữa, tiền ăn, tiền điện, nước... Tháng nào có đám tiệc phát sinh thì phải co cái này, bớt cái kia”- chị Hằng than thở.

Mới đây, khi cơ quan trả hết các khoản qua thẻ, thu nhập anh Hải tăng lên gấp đôi, chị Hằng cũng dễ thở. Hải giải thích cơ quan tăng lương nhưng chị tìm hiểu qua đồng nghiệp của chồng thì phát hiện đó là tiền phụ cấp mà bấy lâu nay anh giữ để tiêu xài. Biết tin, chị Hằng khóc lóc: “Tôi vì lo cho gia đình mà tính nát nước, chi tiêu dè sẻn, trong khi anh ấy quẳng ít tiền lương coi như hết trách nhiệm”.

Khi biết tin lương hằng tháng của chồng chuyển hết qua thẻ, chị Thúy, vợ anh Huy, khoe với bạn bè trên Facebook: “Đúng là trời cao có mắt”. Trước đây, hằng tháng, Thúy chưa bao giờ biết thu nhập thật sự của chồng là bao nhiêu. Anh đưa bao nhiêu, chị biết bấy nhiêu. “Anh có để tiền riêng hay sử dụng vào việc gì tôi cũng không biết nhưng từ đây thì hết rồi. Tiền bạc thu về một mối mới dành dụm lo cho con cái được” - chị khoe.

Nhiều người thắc mắc: “Chị lấy cái thẻ rồi phát tiền ngày như vậy cũng khó cho anh ấy. Có chuyện gì phát sinh như hư xe hay cần đi lai rai với bạn bè thì anh ấy làm sao?”. Thúy tỉnh rụi: “Có chuyện gì thì gọi vợ. Còn không đi bù khú với bạn bè được thì càng khỏe vì có thể về nhà sớm, giữ gìn sức khỏe, đỡ tốn tiền”.

Thẻ ai nấy giữ

Chị Bích Vân - làm việc ở một công ty truyền thông quận 1, TP HCM - cho biết chị và chồng hoàn toàn độc lập về tiền bạc, thẻ ai nấy giữ. “Hằng tháng, tôi khoán cho chồng đóng tiền học, mua sữa cho con, còn mình trả tiền điện, nước, tiền chợ. Chúng tôi quy ước với nhau mỗi tháng, 2 vợ chồng trích từ tiền lương một khoản tiết kiệm chung để dành cho con. Tôi thấy như thế nhẹ nhàng, không ai kiểm soát ai” - chị tiết lộ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngân Hà (Người lao động)
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN