Tâm sự của cô giáo thành thị về bản nghèo dạy chữ

Tuyết đã từng khóc vì thương các em nhỏ H’Mông bụng đói, chân trần hàng ngày vượt rừng tới lớp.

Nguyễn Thị Tuyết (22 tuổi), sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả ở thành phố Lào Cai. Từ nhỏ đến lớn, cô được gia đình bao bọc, chiều chuộng như "tiểu thư lá ngọc cành vàng". Nhưng khi ra trường, cô đã quyết định về một xã miền núi nghèo khổ, thiếu thốn trăm bề để "gieo" con chữ cho các em thơ.

Cô giáo Tuyết tâm sự: "Mình đã có những ngày tháng khóc ròng vì thương mình rồi, thương các em nhỏ H’Mông bụng đói, chân trần hàng ngày vượt rừng tới lớp".

Từ hoang mang, lo sợ…

Nguyễn Thị Tuyết (giáo viên tiếng Anh trường Tiểu học Pa Cheo, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, tình Lào Cai) từng khiến dân mạng bật khóc bởi bức thư gửi mẹ xúc động sau ba tháng sống tại mái trường vùng cao. Cô giáo trẻ đã có những chuỗi ngày đầy nước mắt và những trải nghiệm quý báu từ khi về bản nghèo gieo con chữ.

Tâm sự của cô giáo thành thị về bản nghèo dạy chữ - 1

Cô giáo 9x đã có những tháng ngày khóc ròng trong thời gian đầu lên bản nghèo dạy chữ

Điểm dừng chân đầu đời của cô gái thành thị là trường Tiểu học Pa Cheo – xã Pa Cheo – huyện Bát Xát (một huyện nghèo của tỉnh Lào Cai). Trên con đường 45km đến trường, Tuyết đã bật khóc vì nỗi hoang mang, lo sợ khi quanh mình chỉ thấy ruộng nương vắng lặng, khí hậu khắc nghiệt, đường đá gập ghềnh.

Tuyết lo lắng tự hỏi: “Đây là chặng đường mình sẽ đi làm sao? Sao đường nhiều đá lởm chởm khó đi thế? Sao mãi mới có một nhà dân?”.

Nhận nơi ở, Tuyết vẫn không tin đó sẽ là “tổ ấm” của mình trong chuỗi ngày sắp tới. Nó không phải là nhà, cũng không được gọi là phòng, nó là một túp lều bằng nứa, xung quanh quây những miếng bạt rách che những lỗ thủng; cửa không có then cài, chỉ có thể khép hờ rồi dùng thanh nứa chống. Vì chưa chuẩn bị đầy đủ chăn gối, tuần đầu tiên cô giáo trẻ phải ngủ một mình trong căn phòng trên đồi núi lạnh lẽo như ngoài trời.

Tuyết chia sẻ: “Trước đó, mình từng xem trên tivi và được biết cuộc sống của các cô giáo vùng cao rất khổ cực nhưng khi trực tiếp đối diện, mình mới thấy nó thực sự kinh hoàng. Ở đây không có nước sinh hoạt, chợ thì xa, mọi thứ như tách biệt hoàn toàn với “xã hội văn minh” mình từng sống. Đêm đến sương mù giăng kín, mình vừa sợ hãi, vừa cô đơn. Suốt một tháng đầu, đêm nào mình cũng khóc”.

Chứng kiến cuộc sống khổ cực của người dân Pa Cheo, Tuyết càng thêm lo lắng. Cô giáo trẻ không tin được chỉ cách nhà mình mấy chục cây số mà những con người nơi đây lại đã – đang phải trải qua cuộc sống đầy khắc nghiệt, khó khăn và thiếu thốn đến vậy.

Trẻ em đến trường bằng những cái bụng đói, đôi chân trần, khuôn mặt lấm lem. Nhà xa, trưa không thể về, các em đựng cơm vào những cái túi nilong đem tới lớp.

Tâm sự của cô giáo thành thị về bản nghèo dạy chữ - 2

Trường Tiểu học Pa Cheo - nơi Tuyết dạy học

Tuyết tâm sự: “Mình nhìn thấy rõ “màu sắc” của những bữa cơm thay đổi. Vừa qua vụ gặt thì bát cơm màu trắng, qua lâu rồi thì bát cơm màu vàng bởi được độn thêm ngô, thi thoảng có thêm mấy con cá mắm xé nát. Học sinh nơi đây cả tuần đến lớp với một bộ quần áo, các em mặc cho đến khi nào nó thành màu của đất và bùn mới thay. Mùa đông vành môi em nào cũng tím thâm, tay chân cóng lại. Trong giờ luyện chữ có em còn khóc thét lên: “Cô ơi, tay con gãy rồi”.

Nhìn cuộc sống của mình, cuộc sống của trò, cô giáo trẻ hoài nghi: Liệu ở vùng đất đá lởm chởm này, cái chữ gieo xuống có gặt hái được ấm no, hạnh phúc hay đó mãi chỉ là phép màu mà những đứa trẻ vùng núi kia ngóng chờ một bà tiên đem đến?

… đến “sự may mắn” không phải ai cũng có

Sau ba tháng, Tuyết nhận ra rằng người thầy gieo chữ chính là “bà tiên” đó bởi, chỉ có con chữ người H’Mông mới có thể thoát nghèo. Nghe các em nhỏ dân tộc gọi hai từ “cô giáo”, Tuyết thực sự hiểu được tại sao lúc trước, mẹ và ông ngoại lại mong ước cô theo nghiệp giáo đến vậy.

Chính nghị lực của đồng nghiệp – những thầy cô đã gắn bó với vùng Bát Xát nghèo đói này suốt 10 năm qua mà cô đã can đảm vượt qua nỗi hoang mang, sợ hãi. Trong lá thư gửi mẹ, Tuyết đã xúc động chia sẻ: “Con đã làm việc và sống ở trên đây ba tháng rồi, nó là thời gian đủ để con biết rõ được sự nhiệt huyết, yêu nghề, yêu người, nỗi gian truân, vất vả và những trăn trở mà đồng nghiệp con, bạn bè con đã và đang từng ngày trải qua”.

Tâm sự của cô giáo thành thị về bản nghèo dạy chữ - 3

Hòa nhập với mái trường vùng cao, cô giáo 9x cống hiến hết sức trẻ

Tuyết cho biết, trường Tiểu học Pa cheo có 7 phân hiệu nhỏ ở 7 thôn bản. Từ trung tâm xã đến bản xa nhất cách khoảng 20km, trong đó có khoảng 12km phải đi bộ xuyên rừng, đường nhiều ổ voi, ổ chuột.

Để có thể đến nơi dạy, các đồng nghiệp của cô phải di chuyển bằng xe máy hoặc đi bộ. Tuyết chia sẻ: "Mình còn sung sướng và may mắn hơn rất nhiều thầy cô khác khi được dạy ở phân hiệu gần trung tâm".

Hòa nhập được với bản nghèo, “cô giáo thành thị” tự hứa với bản thân sẽ cống hiến hết sức trẻ. Ban ngày Tuyết đến lớp dạy chữ, dạy học sinh múa hát, hoạt động đội..., ban tối, cô đi điều tra phổ cập, vận động trẻ em đến trường. Giờ rảnh, Tuyết cùng các cô giáo khác ra suối lấy nước về sinh hoạt…

Tâm sự của cô giáo thành thị về bản nghèo dạy chữ - 4

Tuyết nhận được những lời yêu thương của các em nhỏ H'Mông

Tuyết tâm sự: “Dạy chữ ở vùng cao vất vả chút nhưng vui. Không có trường rộng, bàn ghế đẹp, không thể váy áo lộng lẫy đến trường nhưng người dân và học sinh nơi đây lại rất thật thà, tình cảm. Những khuôn mặt lấm lem kia mà được rửa sạch thì cũng xinh xắn lắm”.

Hơn một năm gắn bó với bản nghèo, cảm xúc của cô giáo trẻ trong lá thư gửi mẹ thực sự thay đổi: “Khi đã quen với công việc nơi đây, con thấy mình yêu núi rừng, yêu cái người Mông thật thà, giản dị, trong sáng của Pa Cheo này biết nhường nào mẹ ạ. Điểm dừng chân đầu đời này là những trải nghiệm quý giá của con mà không phải cô giáo trẻ nào cũng may mắn có được”.

Trích bức thư Tuyết gửi mẹ từng gây chú ý trên mạng:

Gửi mẹ của con!

Năm nay con 22 tuổi. Và đây là lần đầu tiên con sống xa nhà mà nó lại là một cuộc sống tự lập của một người lớn thực thụ. Con được làm cô giáo như mẹ ước ao. Giờ mẹ cũng tự hào vì con gái mẹ đã được đứng trên bục giảng, con cũng vui lắm vì thấy nụ cười mẹ hạnh phúc. 

Con đã cầm quyết định nhận công tác trên tay theo chân thầy hiệu trưởng đón con lên trường, điểm dừng chân tại trường Tiểu học Pa Cheo - xã Pa Cheo - huyện Bát Xát.

Đây là vùng đất có khí hậu rất khắc nghiệt, ruộng nương vắng lặng. Còn người dân ở đây toàn là người Mông. Con người nơi đây cách xa với cuộc sống văn minh và còn nhiều thiếu thốn nhiều lắm.

Với con, tất cả đều lạ lẫm. Con nhớ cái ngày đầu tiên con cầm quyết định lên trường, chỉ còn 8km nữa là tới nơi vậy mà con đã khóc lên tới tận trường. Con khóc vì con sợ, con hoang mang, con lo lắng tự hỏi : “Đây là đường mà con sẽ đi làm sao? - Sao đường lắm đá lởm chởm khó đi thế? - Sao xa thế, đi mãi mà chưa tới? – Sao đi mãi mới có 1 nhà dân?...”. 

Lúc đó hàng trăm câu hỏi mà tự đặt ra mà con không có câu trả lời. Con xem trên tivi có nhiều cô giáo vùng cao sống khổ lắm, lại buồn nữa vậy nên con càng thấy sợ hơn, khóc nhiều hơn vì con vốn được sống trong sự che chở của bố mẹ, chăm lo của các anh chị lớn của con mà. 

Thật khó mà tin là chỉ cách nhà mình mấy chục cây số thôi vậy mà những con người nơi đây lại đã – đang và vẫn phải trải qua một cuộc sống đầy khắc nghiệt, khó khăn, thiếu thốn và vất vả đến như vậy. Họ cách xa với thế giới văn minh như này liệu dạy và học có thay đổi được kiếp nghèo ở đây không? 

Liệu là cái chữ gieo xuống có gặt hái được ấm no, hạnh phúc và một cuộc sống mà những đứa trẻ kia cứ đứng trên núi ngóng chờ phép màu nhiệm của bà tiên mang đến?

Con đã làm việc và sống ở trên đây 3 tháng rồi, nó là thời gian đủ dài để con biết rõ được sự nhiệt huyết, yêu nghề, yêu người, nỗi gian truân, vất vả, và những trăn trở ở mà đồng nghiệp con, bạn bè con đã và đang từng ngày trải qua. 

Nhưng nó lại là thời gian quá ngắn để con hiểu được nỗi khổ, cuộc sống thiếu thốn, bụng đói, chân trần trong cái thời tiết lạnh tê tái này của những con người nơi đây trong những năm tháng qua.

Con sẽ kể cho mẹ nghe về ngôi trường mà con đang sống, cảm nhận và trải nghiệm của con, mẹ nhé! Pa Cheo là một xã phía Nam của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Việt Nam. Gần 100% dân tộc H’Mông sinh sống. 

Trường Tiểu học Pa Cheo có 7 phân hiệu nhỏ và 420 em học sinh đang theo từ lớp 1 đến lớp 5 ở 7 thôn bản: Kin Sáng Hồ (trung tâm hành chính của xã), Hán Nắng, Tả Lèng, Xéo Pa Cheo, Tả Pa Cheo, Pờ Sì Ngài, Bản Giàng. 

Từ trung tâm xã ( Kin Sáng Hồ) đến bản xa nhất (Bản Giàng) khoảng 20km, trong đó khoảng 12km phải đi bộ xuyên rừng, đường cực kì khó đi và nhiều ổ voi mẹ ạ. Do Pa Cheo có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều dãy núi cao nên để đi vào được các thôn bản dạy học đồng nghiệp của con phải di chuyển bằng xe máy, hoặc đi bộ.

Người dân Pa Cheo sống chủ yếu bằng nghề nông ( trồng lúa 1 vụ/năm, trồng ngô 2 vụ/năm, trồng thảo quả 1 vụ/năm), chăn nuôi không phát triển do điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Lúc nông nhàn, người dân đi làm thuê cho các công trình xây dựng ở địa phương, hoặc sang Trung Quốc làm cửu vạn. 

Trẻ em đang độ tuổi ăn, tuổi lớn, tuổi cắp sách tới trường bụng đói, áo rách, không đủ ấm, chân đất trong thời tiết lạnh cắt da cắt thịt đến trường thì làm sao các em ý có thể học được chữ và trang bị cho mình những hành trang để bước vào một cuộc sống ấm no, hạnh phúc hả mẹ? 

Mẹ đã nói với con rằng: “ Đừng chế giễu, chê bai, khinh thường những người bị khuyết tật, nghèo rách vì họ đã gánh lấy những khiếm khuyết, khổ cực đó thay cho con và những người thân xung quanh con, để con có được may mắn, khỏe mạnh, lành lặn, có cha mẹ, có cơm no, có một cuộc sống hạnh phúc như ngày hôm nay. 

Khi họ đã dành cho con nhiều thứ như vậy thì con hãy cảm ơn họ bằng cách đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ họ hết khả năng của mình, con nhé!. 

Vâng, khi xa gia đình, khi đã quen với công việc và con người nơi đây, con thấy mình yêu núi rừng, yêu cái người Mông thật thà, giản dị, yêu những đứa trẻ thơ ngây, trong sáng của Pa Cheo lắm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hạ Nhiên (Khám phá)
Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN