Chồng thất nghiệp "bám váy" vợ

Khủng hoảng kinh tế, nhiều ông chồng dễ thất cơ lỡ vận, phải về “đuổi gà cho vợ”.

Khi sếp thành “ông nội trợ”

Cường vẫn bảo năm vừa rồi anh được nghỉ Tết sớm, khi người ta còn đang hỏi nhau không biết Tết được nghỉ mấy ngày thì anh đã không phải tất bật đi làm nữa. Anh bị sếp tổng bảo viết đơn nghỉ việc sau một lỗi khá lớn.

“Thực ra lỗi ấy cũng chưa đến mức phải thôi việc, nhưng tổng công ty mấy năm liền làm ăn khó khăn, dồn dập giảm biên chế, trong khi mình lại là đối tượng hưởng lương cao, nên sếp cũng nhân dịp đấy bỏ luôn cho đỡ tốn chi phí. Mình đoán vậy vì sau khi mình nghỉ, công ty mình bị gộp vào bộ phận khác. Đợt ra Tết, còn có mấy phó giám đốc, trưởng phòng nữa bị cho thôi việc”, Cường cho biết.

Cường có một vợ, hai con. Vân, vợ anh, làm nhân viên hành chính nhân sự ở một công ty nhỏ. Từ trước đến giờ, chị đi làm không phải vì kinh tế, vì mọi sự chi tiêu đã có chồng lo, lương của Vân chỉ dành cho việc làm đẹp. Thế rồi đùng một cái, chồng mất việc, 5 triệu đồng tiền lương tháng của chị trở thành nguồn thu duy nhất của cả nhà. Sau mấy tháng phải lấy tiền tiết kiệm ra bù cho chỗ sinh hoạt phí còn thiếu trong khi chồng vẫn chưa có tín hiệu kiếm được việc làm, Vân sốt ruột cho ôsin nghỉ. Việc nhà, chị tranh thủ làm vào buổi sáng và tối tối, còn con cái thì chồng đưa đón.

Để tăng thu nhập, gần 2 tháng nay, Vân bắt đầu nhập mỹ phẩm và thực phẩm chức năng về bán qua mạng. Có duyên bán hàng nên việc kinh doanh có khởi đầu khá tốt. Những lúc không bận bịu giao hàng, tiếp khách đến xem và thử hàng, chị lại cắm đầu vào máy tính trả lời tin nhắn hỏi han, tư vấn của khách, tìm thêm những nhận xét, bình phẩm của người dùng trên các trang mạng trong nước và quốc tế đưa lên topic bán hàng để tăng thông tin, sức hấp dẫn cho sản phẩm… Thế là dần dần, các việc trong nhà được chuyển hầu hết cho ông xã.

“Giờ thì tôi thành ông nội trợ thật rồi. May mà con đã qua tuổi bột với bỉm. Nhưng tôi vẫn phải tắm cho chúng nó, cho ăn, rồi đi chợ, nấu cơm”, Cường vừa khoe vừa cười vang. Anh cho biết mỗi tuần anh đi siêu thị một lần, tống hết vào tủ lạnh, chỉ có rau thì mua hai ngày một lần ở bà hàng xóm cách nhà mấy bước chân.

“Việc duy nhất tôi dứt khoát không làm là rửa bát”, Cường nói, “Không phải chê bai đó là việc đàn bà, mà tôi không chịu được cái mùi tay mình sau khi rửa xong, dùng nước rửa tay kỳ cọ mãi mới sạch. Riêng chuyện cho con ăn, vợ tôi rất ngại nhưng tôi thấy nhẹ tênh. Chẳng hiểu sao hai đứa chúng nó cứ mẹ cho ăn là làm mình làm mẩy, mẹ quát tháo, con ngúng nguẩy, còn bố cho ăn thì ăn thun thút, lại còn thi nhau xem đứa nào xong trước nữa”.

Vợ kiếm việc để… nuôi chồng cựu sếp

Trước khi Thuận, từng là phó giám đốc  một công ty khá lớn tại Hà Nội, mất việc, Tuyết, vợ anh, chỉ ở nhà chăm con và làm nội trợ. Tuyết vốn là cử nhân ngoại ngữ, từng đi phiên dịch, rồi làm cho một đại sứ quán. Sau khi sinh đôi hai cậu con trai, con thì hay ốm mà lần nào cũng ốm cả đôi, ôsin thì trải qua 7 – 8 bà đều có chuyện đau đầu nhức óc, chị nghe theo lời khuyên của chồng, nghỉ việc ở nhà chăm con cho đến khi hai đứa trẻ đi mẫu giáo hẵng hay.

Chồng thất nghiệp "bám váy" vợ - 1

Vợ làm việc, dĩ nhiên chồng phải chia sẻ việc nhà, mà nặng nhất là trông con, chăm con (Ảnh minh họa)

Việc chồng thất nghiệp khiến Tuyết hoảng sợ. “Anh ấy đã nộp hồ sơ xin việc các nơi rồi, nhưng chưa có nơi nào gọi. Nhân sự cao cấp như anh ấy hình như thời buổi suy thoái này khó xin việc hơn hay sao ấy. Hai vợ chồng đều không đi làm thì chết. Miệng ăn núi lở, tiền tiết kiệm còn để lo cho con cái, phòng khi ốm đau”, Tuyết nói. Chị quyết tâm tìm việc làm.

Cô ấy nhờ bạn bè cũ kiếm cho mối dịch thuê, cặm cụi suốt, còn thời gian lại thì biên dịch bài cho mấy tờ báo, cũng bạn giới thiệu cho cả”, Thuận chia sẻ. Anh cho biết, nhìn vợ vất vả kiếm tiền nuôi chồng con, anh rất xót, nhưng Tuyết bảo chồng không phải “xoắn”, đằng nào chị cũng phải khởi động để đi làm trở lại sau khi con đi lớp, chứ đâu ở nhà làm nội trợ cả đời.

Vợ làm việc, dĩ nhiên chồng phải chia sẻ việc nhà, mà nặng nhất là trông con, chăm con. Nhìn chồng tả tơi khi vật lộn với hai thằng nhỏ hơn 2 tuổi, Tuyết cũng chẳng bụng dạ nào tập trung cho công việc được, thỉnh thoảng vẫn phải xông ra “cứu viện”.

Vì thế dù định con đủ 3 tuổi mới cho đến trường, chị vẫn quyết định gửi chúng đến trường mầm non tư thục gần nhà. Nhưng chỉ được 1 tháng, hai thằng bé đua nhau ốm vì lây bệnh của các bạn, vợ chồng Thuận chẳng những phải tốn thêm cả đống tiền trường lớp, tiền thuốc thang trong lúc đang khó khăn, lại còn không có thời gian làm việc kiếm tiền vì phải cùng chăm con. Thế là họ lại để hai thằng bé ở nhà.

“Đành học cách chăm sóc trẻ con thôi, trong khi chưa tìm được việc”, Thuận tâm sự, “Dù sao đây cũng là cơ hội để tôi được gần gũi các con, tự mình làm các việc cho chúng”.

Chồng chị  Thanh cũng từng làm trưởng phòng một công ty xây dựng, thất nghiệp gần một năm nay. Vì trước đó, thu nhập của chồng đủ nuôi cả nhà, lương chị lại ba cọc ba đồng nên Thanh xin nghỉ ở nhà phục vụ gia đình. Khi cả hai người đều không có thu nhập, chị muốn đi làm, nhưng mãi không tìm được việc. Sau dăm tháng loay hoay ở nhà với nhau, hai vợ chồng quyết đinh tạm rời Hà Nội để về Nam Định, nơi bố chồng có một nhà hàng khá lớn.

“Ăn bám ông bà nội đã nửa năm nay rồi. Hai vợ chồng đều tham gia bưng bê, phục vụ nhà hàng giúp bố mẹ, chờ cơ hội”, chị Thanh nói.

Không còn là “đại gia”, vợ chồng lục đục

Vợ chồng Toàn – Liên vẫn luôn được coi là một đôi trai tài gái sắc. Liên tuy mới học hết cao đẳng nhưng ngoại hình như thí sinh hoa hậu, còn Toàn tuy hơi già so với vợ, lại còn thấp hơn cô nửa cái đầu nhưng lại là chủ một công ty, tiền vào như nước. Trông họ lúc nào cũng ngời ngời hạnh phúc, tự  hào về mình và về nhau.

Nhưng đó là chuyện của 17 tháng trước, khi công ty của Toàn chưa “sập” và anh chưa phải nằm nhà, thường xuyên bị đòi nợ. Xoay xỏa một hồi, rồi anh cũng thanh toán được gần hết các khoản nợ nần, số còn lại anh bảo vợ đem tiền tích lũy ra trả nốt cho xong, nhưng Liên không chịu.

“Cô ấy chì chiết tôi là đã nướng cả sản nghiệp rồi còn định lột hết tiền sinh sống của vợ con sao. Trong khi tiền ấy cũng từ chuyện kinh doanh của tôi mà có, đưa cho cô ấy cất dành, dù có đem trả nợ cũng chỉ hết một phần thôi. Vậy mà cô ấy làm như tôi cướp tiền riêng của cô ấy, đẩy vợ con vào cảnh đói khát”, Toàn chán nản nói.

Vì số tiền tích lũy đó đều do vợ quản lý nên dù muốn mua bao thuốc lá, hay đi uống vài cốc bia với bạn bè cho khuây khỏa, anh cũng phải hỏi vợ. Thế là Liên nhăn nhó, vặn vẹo mãi lấy tiền làm gì, rồi cằn nhằn rằng đã không làm ra tiền lại còn chơi bời hưởng thụ, làm khổ vợ con. Không chịu được sự vô lý của vợ, Toàn mắng ầm lên, rồi Liên ôm đầu khêu khóc, trách mình bạc phận, đã hạ cố lấy ông chồng vừa già vừa xấu lại còn phải chịu đựng thói vũ phu, ăn chơi, vô trách nhiệm, vô tích sự của chồng…

“Tôi nản quá”, Toàn tâm sự. “Nhà tôi lúc giàu có thì đầm ấm, khi thất bát là vợ quay lưng ngay. Cứ như thế này, làm sao tôi có thể tập trung tâm trí để gây dựng lại sự nghiệp được. Đàn ông như tôi, những lúc khó khăn vấp váp cần có vợ làm chỗ dựa tinh thần để làm lại từ đầu, nhưng vợ có thực sự là hậu phương vững chắc hay không, chỉ có thể biết được vào những lúc như thế này thôi”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khả Khanh (Tri thức thời đại)
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN