Phận tình địch đáng thương

Chị không biết phải làm thế nào, người phụ nữ này cũng đáng thương quá, chị không nỡ nói ra sự thật.

Khi vừa mới biết chuyện chồng ngoại tình rồi có con với người phụ nữ khác, chị khóc lóc ầm ĩ, lại nghe anh chồng nỉ non kể khổ rằng anh bị người ta “bỏ bùa”, chị càng bực tức hơn.

Chị định bụng đi tìm “con đàn bà” ấy để “xử lý”. Nhưng tìm ra người ta rồi, chị mới vỡ lẽ, muôn đời, cái giống đàn bà vẫn dại khờ, cả tin và đau khổ.

Bí mật của gia đình hạnh phúc

Chị Thoa (Hà Nội) là kế toán trong một công ty xây dựng. Chị làm cái nghề này từ khi mới tốt nghiệp đại học, và cũng chính công việc này đã giúp chị bén duyên với người chồng hiện tại – một kỹ sư xây dựng.

Đặc thù công việc khác nhau, trong khi chị khá nhàn hạ, cả tháng chỉ cần tập trung làm sổ sách, giấy tờ trong vài ngày là xong, mà lại toàn ngồi văn phòng, điều hòa mát rượi, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu; thì chồng chị - anh Văn lại rất vất vả và bận rộn.

Giữa lúc kinh tế suy thoái, ngành xây dựng gần như chững lại, thì công ty nơi anh chị làm việc vẫn xoay xở được những hợp đồng, dự án lớn, nhưng ngặt nỗi lại toàn phải đi xa, ở khắp các tỉnh, vùng miền trong cả nước.

Chồng chị là kỹ sư giỏi, có trình độ, có thâm niên công tác nên thường được tín nhiệm cử đi giám sát công trình. Cũng bởi thế mà vợ chồng chị Thoa đã sớm phải quen với cảnh “vợ chồng Ngâu” ngay từ khi mới cưới.

Phận tình địch đáng thương - 1

Cô gái vừa kể vừa khóc, chị Thoa cũng vừa nghe vừa sụt sùi (Ảnh minh họa)

Anh là trai ngoại tỉnh, lấy nhau rồi họ phải ra ngoài thuê nhà ở vì không sống chung được với bố mẹ vợ. Lúc này, chị mới thấm thía những điều bố mẹ chị đã cảnh báo trước. Nghèo nên anh chị chỉ thuê được một ngôi nhà cấp 4 lụp xụp trong một con ngõ nhỏ heo hút của xóm lao động. Dân trí ở đó thấp, cứ đến tối là lại có người say rượu, đánh chửi nhau, rồi dân trộm cắp, nghiện ngập cũng chẳng thiếu… mà chị Thoa lại thường xuyên phải ở nhà một mình, nên chị sợ lắm. Đêm hôm nghe những tiếng đánh chửi nhau từ ngoài ngõ vọng vào, chị chỉ biết khóa chặt cửa, nằm co trong nhà cầu mong trời mau sáng.

Những ngày nóng, căn nhà hầm hập như cái nồi hơi, còn những ngày mưa thì lụt lội, rác thải, cóc nhái, chuột bọ theo dòng nước tràn cả vào nhà, đó là còn chưa kể đến cảnh phía dưới thì nước ngập đến gối, trên nóc thì mưa dột tong tong nhỏ vào đồ đạc…

Có chồng ở nhà còn đỡ, những ngày chồng đi vắng, một mình chị Thoa phải gồng mình vừa “chạy lụt” vừa lo vá lại những lỗ thủng dột trên nóc nhà. Những lúc ấy, chị tủi thân lắm, chỉ biết ngậm ngùi tự khóc thương cho mình, nhưng rồi tình yêu cũng giúp chị chịu đựng và vượt qua những ngày tháng gian khổ.

Đến giờ nghĩ lại, chị vẫn ứa nước mắt, nhưng là những giọt nước mắt hạnh phúc và hàm ơn. Chị nghĩ có lẽ chính những khó khăn ấy đã giúp gia đình chị được gắn kết, giúp vợ chồng chị có nghị lực vươn lên làm giàu và được như ngày hôm nay.

Anh chị sinh được 2 đứa con, đủ cả nếp tẻ, xinh đẹp, bầu bĩnh và thông minh. Anh Văn không có nhiều thời gian ở nhà dạy dỗ con, nhưng chị Thoa lại làm việc ấy rất tốt. Chị đã vừa phải làm mẹ, vừa phải làm bố, vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn để nuôi dạy 2 con. Nhìn các con dần trưởng thành, ngoan ngoãn, lễ phép, học giỏi, được mọi người yêu quý, khen ngợi, chị mát lòng mát dạ lắm.

Sau gần 6 năm sống trong cảnh cực khổ, vợ chồng chị Thoa bắt đầu ăn nên làm ra, cuộc sống dần khấm khá lên trông thấy. Anh bắt đầu nhận thêm được nhiều hợp đồng, còn chị cũng “chân trong chân ngoài” làm cho nhiều công ty để tận dụng thời gian rảnh rỗi và kiếm thêm tiền nuôi con.

Anh Văn là người chồng rất có trách nhiệm, kiếm được bao nhiều tiền, anh đều mang về đưa hết cho vợ. Chị Thoa lại khéo quản lý, chi tiêu nên anh chị vừa mua được đất, xây được nhà, tậu được ô tô, lại có thêm được một khoảnh đất rộng, xây thành nhà cho thuê. Từ ngày ấy, chị Thoa chẳng còn phải lo lắng, bận tâm đến chuyện kiếm tiền nhiều như trước nữa, chị đi làm chỉ để “cho vui” còn khoản thu nhập hàng tháng vẫn đều đều “chảy” vào tài khoản.

Song đúng lúc tưởng chừng như cuộc sống đã viên mãn, “khổ tận cam lai” thì sóng gió lại ập đến với gia đình nhỏ của chị. Đến lúc ấy, anh chị sống với nhau đã được gần 10 năm trời, nhưng đó cũng là lúc chị Thoa phát hiện ra rằng chồng mình còn quá nhiều điều che giấu và chị vẫn chưa thật sự hiểu hết về người mà mình vẫn đầu gối tay ấp bao năm qua.

Chuyện hai người đàn bà

Chuyện “bại lộ” từ một chiếc điện thoại di động cũ mà chị Thoa nghĩ chồng mình đã không còn dùng nữa. Hôm ấy, chồng chị đi công tác miền núi Tây Bắc. Chị Thoa vốn rất tin yêu chồng nên không bao giờ hỏi cụ thể anh đi đâu, làm gì. Bao giờ trước ngày đi, chị cũng sắp sẵn quần áo và vài vật dụng cần thiết để anh lên đường, chị chỉ biết nôm na anh đi công tác đến vùng này, vùng kia và khoảng ngày anh sẽ về. Đi đến đâu anh cũng điện thoại thông báo tình hình và không quên nhắn nhủ lời yêu thương, quan tâm đến chị cùng các con ở nhà. Bởi thế mà chị Thoa không thấy có lý do gì phải nghi ngờ chồng.

Lần đó, đêm trước ngày lên đường, anh Văn có tìm vật gì đó rất lâu nhưng không thấy, anh có vẻ khá bực bội và lo lắng. Chị Thoa hỏi thì anh chỉ bảo tìm tài liệu, giấy tờ. Sáng hôm sau anh đi sớm, vật cần tìm vẫn chưa thấy nên anh có vẻ bồn chồn, anh dặn chị ở nhà đừng động vào đồ đạc của anh kẻo lộn xộn làm anh khó tìm.

Chị Thoa vốn ưa ngăn nắp, nhưng chị cũng không bao giờ dọn dẹp trong phòng làm việc của chồng, vì sợ xáo trộn sự sắp xếp của anh. Nhưng hôm ấy, chị đi làm về thì thấy phòng làm việc của anh đã bừa bộn như vừa trải qua một cơn lốc. Nguyên nhân chính là do hai đứa bé con nhà chị được đi học về sớm, không có bố mẹ ở nhà, chúng vào phòng làm việc của bố chơi và lục lọi linh tinh rồi quẳng mỗi thứ một nơi. Chị Thoa sợ chồng về thấy cảnh ấy sẽ tức giận nên vội vàng xua các con ra ngoài để dọn dẹp, sắp xếp lại căn phòng. Trong lúc thu dọn “bãi chiến trường” của lũ trẻ, chị tình cờ nhìn thấy chiếc điện thoại di động cũ của chồng mà đã nhiều năm nay chị tưởng rằng anh đã bỏ nó đi.

Sợ các con nghịch ngợm, ném hỏng điện thoại nên chị khởi động máy lên xem thì thấy chiếc điện thoại vẫn hoạt động bình thường. Dường như nó đã không hề bị lãng quên quá lâu như chị tưởng, vì khi máy vừa có tín hiệu thì những tin nhắn đã tới tấp được gửi đến. Chị Thoa mở tin ra xem thì rất sửng sốt khi thấy đó là tin nhắn của một cô gái nào đó gửi tới cho chồng chị với nội dung rất thân mật, tình cảm.

Mở lại lịch sử các cuộc gọi và tin nhắn, chị thấy chiếc điện thoại này chỉ được dùng để liên lạc với một số điện thoại duy nhất, đó là số của cô gái kia. Theo những dòng tin nhắn được gửi đến và đi, chị Thoa biết rằng chồng chị đã có quan hệ với cô gái này từ khá lâu, họ thậm chí đã có với nhau một đứa con trai. Chồng chị vẫn thường xuyên đến thăm nom và chu cấp cho mẹ con cô ta. Và chuyến công tác lần này của chồng chị thực chất là lên với cô “vợ hờ” kia.

Câu chuyện này khiến cho chị Thoa choáng váng. Chị cảm thấy như trời đất đang sụp đổ xung quanh mình. Nhiều đêm liền chị không ngủ, chỉ khóc lóc cho đến khi chồng về. Ngày chồng đi công tác về, chị như lên cơn điên, đập phá đồ đạc rồi nhất định đòi li hôn với anh. Nghĩ lại những ngày tháng mặn nồng xưa càng làm cho chị thấy phẫn uất, vì anh, chị đã cắn răng trải qua bao khổ cực, để rồi bị anh lừa dối, phản bội, bị anh làm tổn thương. Chứng kiến “cơn điên” của vợ, anh Văn chỉ im lặng, sau cùng, anh xin chị tha thứ, xin chị hiểu cho nỗi khổ của anh. Anh thề thốt rằng mình không bao giờ có ý phản bội vợ, chẳng qua là do anh bị cô gái kia “bỏ bùa”. Cô ta say mê anh nhưng bị anh cự tuyệt nên tìm mọi cách để “bắt vía” anh.

Đã nghe người ta đồn thổi nhiều về “bùa yêu” ở những nơi rừng thiêng nước độc nên chị Thoa vội vàng tin ngay lời chồng nói và chuyển hết sự tức giận, thù oán sang người phụ nữ kia.

Giấu chồng, chị quyết tâm tìm đến nơi cô ta ở để “làm cho ra nhẽ” và “dạy cho cô ta một bài học” cho chừa tội dùng thủ đoạn mà cướp chồng người khác. Nhân mấy hôm chồng đi công tác Đà Nẵng, chị Thoa cũng gửi con cho ông bà ngoại rồi vội vã lên đường.

Nhà tình địch của chị ở một bản làng heo hút thuộc tỉnh Sơn La. Trước khi đi, chị định bụng sẽ cho cô ta một trận ra trò, chị thậm chí còn “thủ” theo cả một con dao, máu ghen đã lấn lướt hết phần lí trí của chị. Nhưng dường như chặng đường quá dài và quá vất vả đã làm máu nóng trong chị nguội đi phần nào. Lên đến nhà tình địch, chị Thoa lại “thay đổi chiến thuật”, chị giả làm một người đi tìm nhà người thân nhưng lạc đường, đến xin tá túc.

Đó là một bản làng hẻo lánh, nghèo nên người dân rất thật thà. Tình địch của chị là một cô gái người Thái, nói tiếng Kinh còn ngọng nghịu. Cô ta trẻ, trắng trẻo và rất xinh đẹp, bồng theo một đứa bé trai rất bụ bẫm, kháu khỉnh mà thoạt nhìn đã có thể nhận ra đó là “bản sao” của anh Văn. Nhà cô ta chỉ có một mẹ, một con nên chị Thoa đã ở lại 2 đêm. Trong hai đêm ấy, chị đã “khai thác” được khá nhiều chuyện, mà càng nghe, lòng dạ chị càng rối như tơ vò.

Cô ta kể rằng cô ta chỉ có một người mẹ già bị mù, nhà rất nghèo, cô gặp anh kỹ sư xây dựng (chính là anh Văn – chồng chị) năm 16 tuổi. Anh Văn chủ động tán tỉnh cô trước, mẹ cô ngăn cản, bảo cô không được tin những lời đường mật của đám đàn ông dưới xuôi, kẻo lại rước họa vào thân.

Nhưng trước anh kỹ sư vừa đẹp trai, vừa biết ăn nói, lại hay cho quà, cô đã chẳng thể nào cưỡng lại. Rồi chuyện gì đến cũng đến, cô ăn nằm với anh ta và có thai. Anh ta hứa hẹn sẽ cưới cô, đưa cô về xuôi, nhưng mãi chẳng thấy thực hiện, chỉ là một vài mâm cơm mời dân bản, rồi anh ta đi đi về về, chẳng biết tung tích, cô muốn hỏi cũng không được.

Cô gái biết thân mình chỉ là một chỗ trú chân của người đàn ông nọ, nhưng chẳng biết làm thế nào. Cả bản đã biết cô đã có chồng, họ chê cười cô và không ai còn muốn giao du với một cô gái như cô. Ngày ngày cô lầm lũi sống trong những lời chê bai, kì thị của xóm làng, nuôi con và… ngóng “chồng”. Cô gái vừa kể vừa khóc, chị Thoa cũng vừa nghe vừa sụt sùi. Chị không biết phải làm thế nào, người phụ nữ này cũng đáng thương quá, chị không nỡ nói ra sự thật…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vũ Thủy (Người đưa tin)
Ngoại tình thời nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN