Nữ sinh đánh bạn dã man: Ảnh hưởng bạo lực từ người lớn?

“Trẻ em là tấm gương phản ánh các hành vi của người lớn. Rõ ràng việc lười nói “cảm ơn”, “xin lỗi” và thói nói tục, chửi bậy… ở trẻ cũng từ bố mẹ các em mà ra”.

 Những ngày qua, clip “Nữ sinh Trà Vinh bị đánh hội đồng” được phát tán trên nhiều trang mạng xã hội gây xôn xao dư luận. Hầu hết người xem đều thấy hoảng sợ khi trong clip, nữ sinh lớp 7 bị nhóm bạn cùng lớp vây lại tát, giật tóc, đấm đá thậm chí ném cả đống ghế vào đầu.

Vụ việc diễn ra khiến không ít bậc phụ huynh thấy hoảng sợ, hoang mang về hành vi bạo lực, vô tâm của trẻ cũng như sự an toàn của con mình.

Nữ sinh đánh bạn dã man: Ảnh hưởng bạo lực từ người lớn? - 1

Cảnh nữ sinh Trà Vinh bị nhóm bạn cùng lớp vây đánh khiến người xem hoảng sợ

Clip nữ sinh Trà Vinh đánh bạn:

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS. Vũ Thu Hương (Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội), người từng đưa ra rất nhiều phương pháp dạy trẻ để chia sẻ sâu hơn về vấn đề này:

Gần đây, clip nữ sinh Trà Vinh bị bạn lấy ghế đánh liên tiếp vào đầu đang gây xôn xao dư luận, đặc biệt, từ đầu đến cuối vụ việc không có ai đứng ra ngăn cản dù nạn nhân khóc thét van xin? Chị nghĩ sao về hành động bạo lực của trẻ và đặc biệt là sự vô tâm của những đứa trẻ ngoài cuộc qua clip này?

Trẻ con là tấm gương phản chiếu hiện trạng xã hội. Bạn hãy đặt câu hỏi này ra cho chính cha mẹ các em hay đối tượng người lớn nói chung. Rõ ràng, chính người lớn cũng có những hành vi bạo lực như vậy. Vì thế, muốn giải quyết tận gốc tình trạng này phải trông đợi vào sự thay đổi của người lớn.

Vấn đề bạo lực học đường không còn mới trong giới học sinh. Những lý do dẫn đến các cuộc gây lộn, đánh hội đồng này ngày càng “nhảm nhí” như “thích thì đánh”, “chảnh thì đánh”… Theo chị, tại sao lại như vậy?

Chúng ta hãy xem xét lại những cuốn truyện tranh, phim hoạt hình mà trẻ đang xem. Những điều vô lý, những hành vi bạo lực trong phim, trong truyện đang dần dần “bò” ra ngoài thực tế, “góp phần” tạo ra các hành vi ứng xử của trẻ.

Theo tôi, chọn sách cho con, hướng con đến những giá trị nhân văn trong các tác phẩm đã được kiểm chứng về mặt văn học như: Dế mèn phiêu lưu ký,  Không gia đình, Hai vạn dặm dưới biển… sẽ không chỉ giúp con học văn tốt hơn mà còn giúp con hình thành nhân cách sống tốt.

Bên cạnh những hành vi bạo lực, một số cách ứng xử của con trẻ ngày nay cũng đáng báo động như: hỗn láo với người lớn, lười nói “xin lỗi", "cảm ơn”, hay nói tục, chửi thề…  Chị có ý kiến sao về vấn đề này? Có phải đạo đức của con trẻ đang ngày càng đi xuống?

Như tôi đã nói ở trên, trẻ em là tấm gương phản ánh hành vi của người lớn. Rõ ràng việc lười nói “cảm ơn”, “xin lỗi”, hay nói tục chửi bậy, hỗn láo…  cũng diễn ra với người lớn mà. Chúng ta nên xem lại hành vi của chúng ta trước khi trách móc con trẻ. Chúng chỉ hành xử theo cách người lớn đã làm thôi.

Các kênh thông tin, báo chí cũng nên xem xét kỹ cách đưa tin. Kẻo những thông tin bạo lực tràn làn trên báo chí cũng gián tiếp “vẽ đường cho hươu chạy”.

Theo chị, các em có những hành động không hay như vậy thì trách nhiệm lớn hơn thuộc về nhà trường hay sự giáo dục của gia đình?

Cả gia đình và nhà trường đều phải chịu trách nhiệm trước những hành vi bạo lực của trẻ. Nhà trường có lỗi rất lớn trong việc coi nhẹ giáo dục nhân cách cho trẻ. Điều này quá rõ ràng khi các môn toán, văn, tiếng Anh được coi trọng quá mức còn giáo dục công dân lại là môn học quá đỗi tầm thường trong mắt học sinh.

Nhiều học sinh còn cho rằng, tuân thủ pháp luật, nội quy là không… sành điệu. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm mà chúng ta đang và sẽ còn phải trả giá.

Bên cạnh đó,  nhân cách của trẻ được hình thành phần lớn là do giáo dục gia đình. Gia đình là nơi các em gắn bó mật thiết nhất. Từng hành vi, từng câu nói của cha mẹ sẽ in vào trong trí nhớ của các em và tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, các em sẽ vận dụng nó. Giáo dục gia đình hiện nay cũng đang gặp phải nhiều vấn đề mà chúng ta cần xem xét lại.

Nữ sinh đánh bạn dã man: Ảnh hưởng bạo lực từ người lớn? - 2
Theo TS Vũ Thu Hương, kỹ năng sống và nhân cách là quan trọng nhất đối với sự phát triển của một con người

Nhiều ông bố bà mẹ rất quan tâm đến việc “dạy chữ” cho con nhưng lại lơ là “dạy người”, từ những ứng xử nhỏ nhất. Theo chị, đó có phải là cách dạy phiến diện?  

Dĩ nhiên là phiến diện rồi. Và hậu quả của nó thì khỏi phải bàn cãi. 1 năm có 300.000 ca phá thai vị thành niên.

Hậu quả đã rõ, chỉ là các cha mẹ sẽ thay đổi cách dạy con thế nào để lấy lại được những gì đã mất thôi.

Kĩ năng sống và nhân cách rõ ràng là điều quan trọng nhất trong việc phát triển con người. Các cụ đã có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Một người tử tế sẽ luôn có những đóng góp cho xã hội, bằng cách này hay cách khác. Còn một người tài giỏi mà nhân cách kém thì sẽ làm hại cho xã hội nhiều hơn là đóng góp.

Cũng có những bậc phụ huynh có tâm lý “lười dạy con”. Khi bị cuốn vào guồng quay của công việc, việc dạy con được dành hết cho ông bà thâm chí là ô sin. Chị có thấy đây là vấn đề nghiêm trọng?

Tất nhiên, đó là vấn đề rất nghiêm trọng. Nhưng cũng nên hiểu rằng, với nhiều bậc phụ huynh việc mưu sinh đã chiếm hết thời gian của họ.

Nhưng tôi biết, có không ít bậc cha mẹ đi tìm phương thức dạy con ở khắp nơi mà không thấy. Họ cảm thấy hoang mang bởi không biết nên dạy con bằng cách nào. Các lớp tư vấn phương pháp dạy con ở nước ta hiện nay còn quá ít không đáp ứng đủ nhu cầu cho các bậc cha mẹ. Theo tôi, nguyên nhân này quan trọng hơn nhiều nguyên nhân bận rộn.

Là một bà mẹ trẻ, chị có cách dạy con như thế nào để đảm bảo được sự cân bằng giữa kiến thức và đạo đức xã hội?

Giáo dục nhân cách cho con là điều đầu tiên tôi làm. Tôi quan tâm đến ý thức, thái độ, phản ứng của cháu ở mọi hoàn cảnh chứ không chỉ để ý đến thành tích ở trường lớp hay bất kể đâu.

Khi cháu gặp vấn đề, tôi luôn cố gắng tìm cách giải quyết tận gốc. Những khi cháu im lặng, không tỏ ra phản kháng trước lời dạy của cha mẹ, tôi càng cảm thấy lo lắng hơn. Chỉ khi con tôi lắng nghe, phản biện, rồi thống nhất ý kiến và vui vẻ thực hiện đúng theo luật lệ tôi mới coi như đã thành công trong việc truyền tải thông điệp đến cháu.

Ngoài ra, tôi luôn ngồi xuống làm bạn với con để cháu có được một nơi an toàn trút bầu tâm sự. Bên cạnh con, lắng nghe, chia sẻ, cảm thông với suy nghĩ “dở hơi” theo lứa tuổi của chúng, từ đó đưa ra những lời khuyên hợp lý là cách dạy con của tôi.

Cảm ơn chị. Chúc chị có nhiều chia sẻ hay hơn nữa về vấn đề giáo dục con trẻ!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN