“Nóng” World Cup - “nguội” công việc

Mải mê với những trận đấu rực lửa của World Cup mà không ít nhân viên bỏ bê công việc của mình.

Worldcup đến, chúng ta được chứng kiến biết bao thay đổi của cuộc sống xung quanh mình. Không ít người vì ham mê bóng đá phải nhập viện do sức khỏe suy nhược, gia đình lao đao khi thành con nợ do cá độ. Những trận túc cầu đang dần biến một bộ phận dân công sở thành những con người tự hủy diệt sức khỏe và lười nhác với công việc.

Ham mê World Cup như nam công sở

Đối với những người yêu bóng đá, World Cup là mùa giải không fan nào nỡ lòng bỏ qua những trận đấu nảy lửa của đội mình yêu thích. Khắp nơi đâu đâu cũng thấy không khí World Cup ngập tràn. Mỗi buổi đêm thâu hay khi trời rạng sáng, từ những căn nhà mái nhỏ ra những quán cà phê vỉa hè đều vang vọng tiếng chào hô râm ran của các fan hâm mộ bóng đá.

Đối với hội nam văn phòng còn độc thân, họ thường tụ tập nhau ở nhà hoặc quán cà phê để xem cho có hội có phường rồi sáng hôm sau tiện đi làm luôn.

Tại một số công ty tư nhân, địa điểm làm việc thường là một căn hộ riêng, được trang bị đầy đủ đầu, máy, loa, tivi để phục vụ đời sống tinh thần nhân viên. Vào thời điểm này, chúng được sử dụng hết tốc lực.

Anh Kiến Thành (giám đốc công ty truyền thông đa phương tiện tại Cầu Giấy) cho biết, trước khi World Cup khởi động, đám nhân viên đã lên kế hoạch xin được sử dụng phòng họp của công ty để đêm ở lại xem World Cup. Vì nhiều nhân viên năn nỉ quá nhiều nên anh gật đầu đồng ý.

Những ngày World Cup diễn ra, anh được chứng kiến những cách yêu bóng đá kinh điển của nhân viên mình. Mỗi đêm có trận đấu, đám nhân viên lại chuẩn bị cả bàn nhậu, rượu bia, đồ nhấm và cho đây là cơ hội để ăn chơi, đập phá.

Rượu ngấm lời ra tiếng vào, quần áo bay lả tả mỗi nơi một chiếc, mỗi người một góc lăn ra ngủ say sưa, sáng dậy người nào người nấy bơ phờ như vừa trải qua một trận chiến kinh hoàng. Nhiều hôm phòng họp không được dọn dẹp nên bốc mùi nồng nặc khiến các nhân viên khác cũng phải khiếp sợ.

“Nóng” World Cup - “nguội” công việc - 1

Mệt mỏi, uể oải, phờ phạc là hình ảnh dễ thấy thấy của anh em công sở mùa World Cup (Ảnh minh họa)

Anh Thành còn cho biết thêm, nhiều đêm anh phải nhận những cuộc điện thoại từ gia đình vợ con của nhân viên mình hỏi về chuyện chồng họ đi làm đến muộn chưa về hay tại sao công ty lại cho tụ tập xem bóng đá? Không những thế, có lần anh còn nhận được thông tin từ bệnh viện báo nhân viên của mình bị tai nạn vì say xỉn. “Tôi vẫn còn thấy sợ khi nghĩ đến những điều đó, cho đến giờ khi World Cup sắp kết thúc, tôi quyết định cấm nhân viên xem bóng đá tại công ty và siết chặt các quy định về giấc để họ trở lại với công việc” – anh Thành nói.

Chị Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) có nỗi khiếp sợ với World Cup cũng không kém khi chồng chị mê bóng đá, bỏ bê cả gia đình theo đồng nghiệp đi thâu đêm suốt sáng. Chị Hà tâm sự: "World Cup đến cũng là lúc mình sinh em bé thứ 2. Nhiều khi ham mê bóng quá, anh cũng chẳng quan tâm đến mọi việc trong nhà. Sau giờ làm, anh về thăm vợ con, rồi đến hơn 10h đêm, anh lại dắt xe ra khỏi nhà và 4, 5 giờ sáng mới về hoặc kêu ngủ lại nhà bạn rồi sáng ra đi làm luôn. Nhiều lúc nghĩ thấy tủi thân nhưng lại không dám than phiền". Nỗi lo sợ chồng đi đêm hôm gặp chuyện không may khiến chị cảm thấy sợ nhiều hơn là trách chồng.

Phờ phạc vì World Cup

Lịch thi đấu của các trận dày đặc và kéo dài trong suốt một tháng ròng khiến nhiều anh em công sở bị xao nhãng hay bỏ bê công việc để cùng bạn bè theo dõi các trận bóng thâu đêm suốt sáng. Điều đó lý giải cho tình trạng nơi công sở thường xuyên vắng hoe bóng mày râu mỗi buổi sáng. Hay chăng, các chàng trai công sở vốn rất bảnh bao hàng ngày lại xuất hiện vật vờ vì thiếu ngủ, phờ phạc, miệng liên tục ngáp như những con nghiện thèm thuốc.

Trao đổi về vấn đề này với chị Hoài Sen (trưởng phòng nhân sự một công ty xây dựng tại Hà Nội), chị cho biết, tình trạng này diễn ra nhiều ngày nay, nhìn vào bảng chấm công thì thấy đa phần nhân viên nam đi muộn, hoặc nghỉ làm buổi sáng. Nhiều thành viên đến công ty làm cũng 9 rưỡi, 10 giờ  nhưng lại không bắt tay ngay vào việc, còn lướt web đọc báo, thậm chí tụ tập nhau bàn tán về kết quả trận đấu đêm trước.

Sau giờ nghỉ trưa, họ ngủ nướng thêm cả tiếng đồng hồ để bù cho thời gian đêm hôm thức trắng vì bóng đá. Vì thế, hiệu suất công việc bị giảm sút khá nhiều. Trong những buổi họp giao ban, các sếp đã từng lên tiếng nhắc nhở cảnh báo nặng, đưa ra những hình phạt về tài chính, lương bổng của mỗi người. Nhưng vì tâm lý chung “có một tháng chứ mấy” nên anh em vẫn vi phạm nội quy, không hề sửa đổi.

Bên cạnh đó, tình trạng anh chị em trong công ty cá cược tỷ số bóng đá cũng diễn ra khá nhiều. Ngoài các nam đồng nghiệp, nữ giới cũng rất hào hứng với trò đỏ đen này. Mức cá cược không đơn thuần dừng lại ở bữa ăn trưa hay cà phê mà tiềm ẩn sau đó là những mức cược bằng tiền mặt từ 100.000 đồng đến cả triệu đồng.

Trên các diễn đàn, không ít các sếp nữ than thở tình trạng nhân viên của mình bị sao nhãng công việc khi mùa World Cup đến. Chị Phượng Hoàng - trưởng phòng của một công ty truyền thông đã đăng tải ý kiến của mình để nhờ các bạn bè tư vấn: “Vào mùa World Cup thấy ai ai cũng hào hứng với các trận đấu nhưng kể từ hôm khởi động mùa giải đến nay, mình thấy tinh thần làm việc của anh em xuống hẳn. Những trận bóng khuya khiến nhân viên của mình người đi làm muộn, kẻ thất thần vì những cơn buồn ngủ, làm việc uể oải liên tục ngáp ngắn ngáp dài... Chưa kể sự bực dọc vì những trận thua của những đội họ yêu thích. Thấy đó nhưng chưa biết phải làm gì để giải quyết tình hình này?”

Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở không biết bao nhiêu cơ quan hành chính. Những "con nghiện" bóng đá vẫn mải miết với những trận chiến đêm ngày mà quên đi nghĩa vụ với gia đình và trách nhiệm với công việc.

"Để hạn chế tối đa tình tình trạng “nóng” World Cup và “nguội” với công việc, anh chị em văn phòng cần có cách sắp xếp thời gian hợp lý để có thể xem những trận cầu yêu thích mà vẫn giữ được phong độ làm việc" - Chị Minh Thư, trưởng phòng của một công ty công nghệ chia sẻ.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Trai trẻ khốn đốn vì nữ giám đốc cuồng si

Mày râu buồn rầu vì phụ nữ mặc hở

Văn hóa công sở: Mặc hở mới đúng chất?

Clip hài hước về 13 tật xấu của dân công sở

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Phong ([Tên nguồn])
Ăn mặc và giao tiếp chốn công sở Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN