Nhuận bút sách giáo khoa: 12 năm... 600 nghìn đồng

Mỗi lần tái bản sách giáo khoa, nhà văn gạo cội chỉ nhận được số nhuận bút từ 25.000-30.000 đồng.

Hôm qua (9.12.2014) đã diễn ra Hội thảo Quyền tác giả đối với tác phẩm văn học tại trụ sở Hội Nhà Văn - số 9 Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Hội thảo do Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) đưa ra báo cáo về vấn đề Quyền tác giả phải được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với những tác phẩm được biên soạn trong SGK -  bộ sách đã trở thành nền tảng tri thức cho rất nhiều thế hệ học sinh đã và đang là tương lai của đất nước.

Nhuận bút sách giáo khoa: 12 năm... 600 nghìn đồng - 1 

 

Từ trước đến nay, các tác phẩm trong những cuốn sách giáo khoa chúng ta được học, phân tích... của những tác phẩm nổi tiếng như: Tô Hoài, Nam Cao, Xuân Quỳnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Duy, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quang Thiều... và rất nhiều tác phẩm của những nhà văn gạo cội của nền văn học nước nhà không hề nhận được bất cứ một đồng nhuận bút nào khi mà hơn 10 năm qua, các thế hệ học sinh vẫn đang sống với nền tảng tri thức quý giá đó.

Khi được hỏi đến, chính các tác giả cũng không hề biết đến tác phẩm của mình được đưa vào sách giáo khoa, thậm chí, có nhiều tác phẩm còn bị bóp méo và sai lệch so với bản gốc.

Chia sẻ về vấn đề nhuận bút, mọi người đều lắc đầu và cho rằng: “Bài được in ở SGK là vinh dự, chúng tôi không đòi hỏi nhuận bút, NXB cũng chưa bao giờ có động thái trả tiền cho tác giả”.

Tuy nhiên, có một nghịch lý đang xảy ra khi mà mỗi năm, phụ huynh học sinh phải bỏ ra 1000 tỷ đồng để mua sách giáo khoa, nhà xuất bản cũng trả số tiền lên tới hàng tỷ đồng cho các nhà biên soạn, đơn vị xuất bản cũng thu về hàng trăm nghìn tỷ đồng cho số lượng phát hành độc quyền sách giáo khoa, trong khi đó, những tác phẩm của các tác giả nổi tiếng lại không nhận được bất kỳ khoản nhuận bút nào.

Trong  buổi hội thảo, đã có một câu trả lời cho rằng: Tác phẩm của các tác giả được biên soạn trong SGK là để  phục vụ cộng đồng. Thế nhưng, từ trước tới nay, SGK ở Việt Nam luôn được mang ra để bán mà không hề được phát miễn phí.

 Nhà thơ Đỗ Hàn, Phó Giám đốc VLCC giải thích cho lý do không thể thống nhất với phương án mà NXBGDVN đưa ra. NXBGDVN đề xuất tính theo mục 12 điều 13 Nghị định 18 là tiền nhuận bút bằng 30 – 140 % x lương cơ sở/ số tiết học. Trong đó hệ số lương tối thiểu là 100%, tỷ lệ sử dụng tác phẩm trong tiết theo 3 mức: 10%, 15% và 20%.

Ví dụ điển hình như với một tác phẩm của nhà văn Tô Hoài, in khoảng 6 trang trong SGK, tính nhuận bút theo cách của NXBGDVN sẽ được 270 nghìn đồng, mỗi lần tái bản được từ 25 – 30 nghìn đồng. Tổng cộng tiền bản quyền tác phẩm trong 12 năm qua ông được nhận là 600 nghìn đồng.

Và mọi người có mặt trong cuộc họp đều hỏi rằng, với con số này, liệu có thỏa đáng với lợi nhuận thu về là hàng ngàn tỷ đồng từ sách giáo khoa độc quyền?

Trong cuộc hội thảo, GĐ Trung Tâm Bà Nguyễn Thị Kim Huệ và ông Đỗ Hàn - PGĐ VLCC  bày tỏ sự bức xúc: “Mục đích của việc VLCC làm việc với NXB Giáo dục suốt hơn nửa năm qua không chỉ để “đòi tiền”, rõ ràng các nhà văn, nhà thơ không phải đi “đòi”  mà nhằm tạo một cơ sở pháp lý về quyền của tác giả và các nhà xuất bản, một thói quen là bất kỳ ai khi sử dụng một tác phẩm nào đều phải trả tiền bản quyền cho xứng đáng và nó phải phù hợp với cuộc sống. Có phương thức chi trả rõ ràng, để cứ khi xuất bản, tái bản, NXBGD và các NXB khác cứ thế thực hiện.”

Thế nhưng, suốt hơn nửa năm qua, NXBGD vẫn chưa đưa ra được câu trả lời xác đáng và có thể có một cách tính hợp lý đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên.

Nhìn lại tất cả vấn đề đang diễn ra suốt hơn 10 năm qua, chất xám không thể bị coi nhẹ và để làm trục lợi cho những nhóm lợi ích như vậy. Những thế hệ trước, có những người dành cả đời không màng danh lợi phục vụ cho nền văn học nước nhà, nhưng điều ấy không có nghĩa là quyền lợi tối thiểu của họ không được chi trả.

 Nếu không làm rõ ràng mạch lạc vấn đề này, thì liệu nền văn hóa và tri thức nước nhà đến bao giờ mới theo kịp được với thế giới. Và sẽ có bao nhiêu người là thế hệ trẻ nhìn vào con số 600 nghìn cho 12 năm để có thể cầm bút và cống hiến cho nền tri thức nữa?  Nỗ lực và sự tin tưởng ở đâu?

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh Thy ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN