Một quyết định vào đêm giao thừa

Sự kiện: Giới trẻ 9X

Giao thừa năm nay tôi quyết định sẽ đốt nốt cuốn nhật ký tuổi 20 của mình.

Những lúc chờ đợi trong thư thả, như chờ khoảnh khắc giao thừa, tôi thường giở quyển nhật ký cũ của mình ra, đọc lại. Đó là cuốn sổ tay tôi giữ thời còn là sinh viên. Tôi thường viết nhật ký trong sổ tay cho đến khi sắm máy tính đầu tiên vào năm 1995. Phần lớn những cuốn nhật ký trên giấy đã bị hư hao, thất lạc hoặc do tôi hủy đi, chỉ còn giữ lại cuốn này.

“Sinh nhật thứ 20. Không tiệc tùng. Không quà. Không chúc tụng. Không gì cả. Không ai bận tâm chuyện tôi đã hiện diện trên cõi đời này 20 năm. Nhưng nếu tôi chỉ hiện diện trên cõi đời này thì có gì đáng bận tâm ai?”.

Thật khó diễn tả cảm xúc của tôi, khi nhìn dòng chữ viết tay của chính mình cách đây… bao nhiêu năm? Cứ mỗi năm mỗi giở ra nhìn nó, cảm xúc càng lúc càng phức tạp, nhất là trong mười năm đổ lại đây.

“Trời mưa. Bắt đầu lúc nửa đêm. Tiếng nước mưa giội ào ào xuống mái tôn, đánh thức cả nhà dậy. Mấy chị em loay hoay kiếm thau chậu hứng nước mưa dột từ nóc nhà. Kéo chiếu qua chỗ duy nhất không bị dột. Nằm co ro ráng ngủ hoài mà không ngủ được. Mong sao trời sẽ tạnh. Ba đang chuẩn bị đẩy xe đi bán”.

Trang giấy chẳng những vàng khè theo năm tháng, trở nên giòn, mỗi lần giở qua trang là nghe nó kêu khe khẽ giữa những ngón tay như sắp vỡ vụn, sắp tan thành bụi. Cảm giác lúc đó, lúc chạm đầu ngón tay vào tờ giấy, rất thực. Rằng đây là vật có thực, cuốn sổ tay này là vật có thực, nhật ký trong cuốn sổ tay này là có thực, có thực những ngày tháng ấy, những câu chuyện ấy, những tình cảm, nghĩ suy ấy. Nhưng tất cả mong manh làm sao. Tất cả chỉ là vụn bụi chưa rã tan.

“Lãnh học bổng ra, một đám rủ nhau đi ăn chè. Xe chè đậu đỏ, đậu xanh bánh lọt nước dừa trên đường Bà Huyện Thanh Quan. Đang mùa bông sao rụng. Ngồi trên thềm ở cổng chùa Xá lợi, nhìn lên cửa sổ phòng học năm học lớp 11. Mới hai năm chứ mấy. Sao tôi thấy mình già dễ sợ. Nhìn đám nữ sinh yểu điệu áo dài trắng, thấy tụi nó ngây ngô trẻ con!”.

Tôi đã định cất quyển sổ tay một chỗ an toàn. Coi vậy chứ giấy vẫn còn dai, giữ kỹ không để ẩm ướt hay mối gián gặm thì có thể còn nguyên đó một thời gian nữa. Để làm gì? Mấy lần tôi đã nghĩ đốt nó đi. Như hỏa thiêu một cái xác rã mục. Nhắm mắt tôi cũng có thể thấy từng dòng chữ mà tôi đã đọc không biết bao nhiêu lần. Vả lại, ngay từ hồi có máy tính riêng, tôi đã đánh máy lại tất cả chữ nghĩa trong cuốn sổ tay. Thậm chí, trích một số đoạn viết thành những bài đăng báo.

“Đêm Noel. Trong xóm này không có nhà nào có đạo. Mọi sinh hoạt vẫn bình thường. Nhưng ngoài đường Nguyễn Trãi, xe cộ bắt đầu đông đúc, tiếng xe chạy ào ào, vọng vào tận hẻm sâu, tận góc nhà này. Tôi chưa bao giờ chơi Noel. Trong lớp, hồi sáng, tụi nó rủ rê, hẹn hò nhau đến nhà N., gần nhà thờ Huyện Sĩ. Chơi Noel ở nhà N. rồi nửa đêm đi lễ. Họ không rủ tôi. Họ rủ rê bí mật một số người, trong đó có X.. Có lẽ, vì tôi không có đạo, X. nói để an ủi. Tôi cười khỉnh như chẳng hề gì, nói là ngủ ở nhà sướng hơn. Bây giờ, không ngủ được, không muốn nghĩ gì mà cứ nghĩ. Bạn bè không thích tôi. Tôi biết. Tôi chẳng cần. Không muốn nghĩ đến họ nữa”.

Một quyết định vào đêm giao thừa - 1

Thời đã qua, người đã khác, xác giấy mục rã đi vào lãng quên là điều tự nhiên (Ảnh mnh họa)

Có đêm Giao thừa năm nào đó, tôi không được khỏe, sốt ngầy ngật từ chiều 30, nhờ em tôi cạo gió rồi ngủ thiếp đến quá nửa đêm. Mọi người trong nhà cũng đã ngủ sau khi cúng Giao thừa. Tôi dậy, đầu còn váng vất. Ngồi vào bàn cố viết một bài khai bút. Năm đó, tôi còn say sưa với văn chương, coi việc khai bút đầu năm như môt nghi lễ thiêng liêng. Dở hay thế nào, có hứng hay không, cũng ráng nặn óc viết ra cái gì đó, một bài thơ hay một đoạn văn mà sau này tôi chẳng muốn đọc lại. Nhưng đêm Giao thừa năm đó, tôi ngồi hoài bên bàn viết, đầu nhức như ai đóng đinh vô óc, người sốt và căng như sắp bay lơ lửng. Tôi lục lọi đám bản thảo dở dang trong hộc tủ, hy vọng gặp một lý tưởng bị bỏ sót đâu đó. Và tôi gặp cuốn nhật ký.

“Có thể. Mà không thể. Tôi đừng hoang tưởng. Đừng mơ mộng. Phải gan lì sống với thực tế. Y là người ưa đùa. Y chỉ muốn biến tôi thành một trò đùa cho đám bạn cười vui. Họ cười rồi tỉnh bơ nói có gì đâu, tôi cũng tỉnh bơ như tôi thừa biết là trò đùa. Nhưng trái tim tôi đau nhức khôn nguôi”.

Tôi đặt cuốn sổ tay cũ kỹ lên bàn, nhìn nó với đôi mắt bắt đầu hoa lên vì sốt. Từ từ, tôi nhớ ra là mình đã đốt nốt những cuốn sổ tay cuối cùng chưa bị gián mối gặm hết. Trong lúc chờ Giao thừa năm trước đó. Hóa ra, vẫn còn một cuốn. Toi cố nhớ trong lúc cái đầu nhức bưng bưng là mình đã đốt sót hay cố ý để lại cuốn này. Dù sao thì tôi cũng giở ra đọc lại.

“Không ngờ tôi khóc. Người khác không ngờ. Tôi vẫn âm thầm khóc bao nhiêu lần. Nếu hôm nay tiếng khóc bật ra trước mọi người là vì nó đã dồn nén nhiều quá, không còn kềm được. Tôi không xấu hổ, mà tức giận. Ngay khi tiếng khóc bật ra, tôi đã nổi điên với chính mình. Tôi không thể yếu đuối. Tôi không muốn chúng hiểu lầm hay thương hại. Tôi lau nước mắt, hất mặt lên, bỏ đi. Nhưng trong lòng tôi đau lắm. Và bây giờ thì buồn không chịu được”.

Tôi đã đi ra nhà bếp lấy cái hộp quẹt diêm để đốt cuốn sổ tay còn sót lại này. Tại sao? Dường như có một bàn tay rắn chắc nào đó đã nắm ngay cổ tay tôi giữ lại. Que diêm cháy gần phỏng ngón tay, tôi mới chịu buông nó rơi xuống sàn nhà. Tính đến đêm Giao thừa đó thì tôi đã có hơn chục đầu sách xuất bản, cả trăm bài đăng báo và nhiều trăm trang viết chưa in, tôi tự xé bỏ. Chữ nghĩa đã trở thành sản phẩm tôi tạo ra hằng ngày như công việc, như dạy học, như mưu sinh. Có gì thiêng liêng quý báu đâu, những trang giấy lăng nhăng chữ, ý tứ mơ hồ, để đè nén giấu giếm tâm tình của mình hơn là bày giãi.

“Một năm sắp hết. Tôi đã mua một cuốn sổ tay mới để trên bàn, chờ khai bút vào lúc Giao thừa. Cuốn sổ này sẽ ngừng ở đây, dù còn hơn một nửa để giấy trắng. Tôi muốn bắt đầu bằng cái mới trong năm mới. Như mặc áo mới lấy hên. Tôi hứa là tôi sẽ viết khác. Viết lúc vui, viết lúc khao khát những điều lớn lao hơn chuyện so bì, tị nạnh người khác. Viết lúc bình tâm, viết khi ước mơ nung nấu trong mình những dự định lớn lao. Đừng than khóc nữa! Còn vài phút nữa là tôi qua hết tuổi hai mươi. Tới tuổi hăm. 21 cũng đã hăm. Chỉ có tuổi đôi mươi là tuổi đôi mươi thôi. Tôi đã có và đã lãng phí. Sau này, đọc lại nhật ký tuổi đôi mươi này, ắt tôi sẽ tự hỏi, tại sao tôi viết toàn những điều nhảm nhí?”.

Có lẽ, tôi đã không đốt cuốn nhật ký năm 20 tuổi vì chợt nhận ra mình đã đót cuốn nhật ký tuổi 21 và giờ không thể xem lại coi mình đã thực hiện lời hứa viết khác như thế nào hay quyển nhật ký mới vẫn tiếp tục là nơi tôi vật vã trong cơn sốt. Vã được mồ hôi thì cơ thể hạ nhiệt, bình tâm và… bình thường lại.

Giao thừa năm nay tôi quyết định sẽ đốt nốt cuốn nhật ký tuổi 20 của mình. Dù đọc đi đọc lại, tôi cũng không thể nào sống lại tuổi đôi mươi. Hay sống lại tâm tình của tuổi 20. Mà để làm gì? Những người đang tuổi 20 hôm nay chẳng tự sống, tự viết được tuổi đôi mươi của họ sao? Thời đã qua, người đã khác, xác giấy mục rã đi vào lãng quên là điều tự nhiên. Tôi vẫn luôn có thể bắt đầu một cuốn sổ tay mới, của tuổi 55.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lý Lan (Sinh viên Việt Nam)
Giới trẻ 9X Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN