Ký ức thời thơ ấu nơi miền quê

Thời thơ ấu đã không còn nhưng hình ảnh con mương ngày nào vẫn còn hiện hữu theo từng năm tháng.

Mùa thu - cái mùa dở dở ương ương lúc thì nắng oi ả như thiêu như đốt khiến làn da trở nên khô ráp, lúc thì chơm chớm những cơn gió lạnh kéo theo cơn mưa rào làm rát mặt người đi đường. Nhờ những cơn mưa trút nước mà con mương quanh nhà tôi như được giải tỏa cơn khát sau khi trải qua bao ngày tháng nắng nóng làm cho đất đai nứt nẻ, mặt ruộng gồ ghề. Và mưa… đã mang lại mầm sống mới cho biết bao sinh vật để chúng sinh sôi nảy nở.

Ký ức thời thơ ấu nơi miền quê - 1

Thuở ấu thơ của chúng tôi gắn với những con mương, cái ao bờ ruộng (Ảnh minh họa)

Đến khi nước lên mấp mé bờ mương thì những sợi rau muống, rau ngổ không biết tự nơi đâu bỗng chốc bén rễ, đâm chồi nhô lên những chiếc lá non. Ít lâu sau, chúng sinh sôi phát triển càng lúc càng nhiều hơn, tạo thành mương rau xanh mơn mởn như vừa được bón phân kích thích sinh trưởng.

Và những con cua đồng cứ như từ đất mà ra. Dăm ba tháng, chúng lớn và sinh sản ngày càng nhiều hơn. Đến khi có những trận mưa xối xả trút xuống, chúng bò đầy cả mặt đường để đám trẻ thỏa chí bắt về. Về đêm-khi mọi người say trong giấc nồng thì tiếng ếch nhái kêu ran cả một vùng quê nghèo ở cái xóm lắm mương nhiều cá này.

Vào một hôm, khi sắc trời đang trong xanh bỗng chốc nhuộm màu đen, với đó là những làn mây đen kịt cuồn cuộn kéo đến, đám trẻ chúng tôi đoán chắc sẽ có một trận mưa rất to nên bàn tính chuyện rủ nhau đi tắm mưa. Rồi khi trời ngớt hạt chúng tôi sẽ ra mương hái rau muống về cho mẹ nấu canh chua. Sẵn tiện, bắt những con cua đồng về luộc, chấm với muối tiêu ăn cho ấm bụng lúc trời mưa rét.

Mưa dứt hạt. Thế là chúng tôi bắt đầu xuất phát “cuộc hành trình” đi mò cua, bắt ốc, hái rau...

Tới con mương, chúng tôi xắn quần cao tới đầu gối, sau đó cả đám ríu rít kéo nhau nhảy xuống mương cái “tõm”. Xuống mương, chúng tôi bắt đầu mò mẫm tìm những con cua đồng, cả đám ai cũng giương mắt ếch nhìn lom lom, đứa thì đi trước, đứa thì lếch thếch theo sau. Trong khi cả đám đang tập trung, bất thình lình thằng Tý la lên làm cả nhóm giật thót tim: “A….! Con đỉa, cứu con với má ơi!”. Nó sợ đến nỗi đứng chôn chân dưới cái mương lấm lem bùn đất chẳng dám cử động, còn cái mặt thì nhăn nhó tái nhợt như bị hút hết máu. Thằng Tèo thì sởn da gà nhảy phắt lên bờ cắm đầu cắm cổ chạy thụt mạng vì sợ hãi. Cả nhóm đứa nào đứa nấy đều cười lăn lóc cho hai thằng nhát như thỏ đế. Thấy thương và tội nghiệp thằng Tý, tôi liền tiến lại gần phun nước bọt cái “phụt” vào tay, sau đó xoa lên trên con đỉa cho nó nhả cái chân còm cõi của thằng Tý ra để nó thôi khóc rít lên rầm trời rầm đất!

Nhìn con đỉa đen to bằng ngón tay út khiến tôi nổi da gà mà vẫn phải nhắm tịt mắt xoa xoa cho con đỉa buông chân thằng Tý ra. Bứt một cái “phựt” thế là con đỉa đã rời khỏi chân của thằng Tý, nó nhìn lăm lăm lên vết chân vừa bị đỉa cắn, vậy mà con mắt của nó cũng sụt sùi như muốn khóc.

Vừa “gỡ” con đỉa ra, thằng Tý liền nhảy tót lên bờ như ma đuổi. Vậy mà cả đám còn cười rộn ràng khiến nó cảm thấy như bị chế giễu, bị đùa cợt và những giọt nước mắt bỗng dưng “bật” ra lăn dài trên vòm má. Nụ cười tắt đi, chúng tôi bắt đầu dành cho nó những câu an ủi ngọt ngào như rót mật vào tai: “Thôi! Đừng sợ nữa mầy! Con đỉa nhả ra rồi, mầy có bị gì đâu! Tụi tao cho mầy mấy con cua nè, mầy chịu chưa?”

Một lát sau, tiếng khóc rưng rức của thằng Tý bắt đầu tắt dần, khóe miệng cũng xuất hiện nụ cười mấp mé - “Ừ! Chịu”. Thế là chúng tôi toan lên cười để tạo không khí được vui vẻ. Sau đó, chúng tôi lại tiếp tục mò cua bắt ốc trước khi trời nhập nhoạng tối.

Về nhà, ai nấy cũng vui cười hớn hở vì gặt hái được thành quả xứng đáng. Thằng Tý và thằng Tèo mang về đầy ắp cua và ốc, còn tôi thì bắt được con cá trê đồng với mớ rau muống đem về nấu canh chua.

Vừa bước vào nhà thấy thằng Tý lấm lem bùn đất, mẹ nó bắt đầu cất giọng đùn đụt có vẻ  gắt gỏng:

-  Tụi cha bây đi đâu mà mình mẩy như con chuột lột, rồi thằng Tý cái “dò” bị gì mà da rách tứa máu vậy?

Nó nhỏ nhẹ trả lời như con gái mới về nhà chồng, cả đám ai cũng phì cười:

-  Dạ! Con… con đi hái rau muống cho mẹ nấu canh chua, “dí” sẵn bắt cua “dề” ăn! Cái…con…bị con đỉa cắn…

- Trời đất!  Ăn uống gì chưa thấy mà thấy cái chân xưng lên “chù dù” rồi kìa! Mầy vô nhà lấy dầu thoa lên chưa- cha bây!

- Dạ! Con biết rồi...

Nghe vậy nó liền rón rén bước vào nhà lấy chai dầu thoa thoa lên cái chân vừa bị con đỉa cắn để cho hết xưng. Xong, chúng tôi kéo nhau ra sau nhà thằng Tý “xử lí” đám cua vừa mới bắt về. Mỗi người một việc, tôi có nhiệm vụ rửa cua. Thằng An thì đun nước luộc cua. Thằng Tý thì chạy lên nhà trên lấy muối tiêu. Khi nước bắt đầu sôi ùng ục, chúng tôi vớt cua ra. Thế là chúng tôi bắt đầu thưởng thức món cua luộc do chính tay chúng tôi bắt về và ăn ngon lành như bị bỏ đói mấy ngày liền.

Ăn xong đường ai nấy về. Tôi ôm xắp rau muống với con cá trê về thế là đủ cho bữa cơm chiều. Mẹ nhặt rau muống nấu canh chua; thấy còn nhiều, mẹ đem làm dưa. Mẹ nhặt sạch lá, cắt khúc rồi rửa sạch, để ráo.  Sau đó ngâm rau trong nước giấm đường. Ngày hôm sau là ăn được.

Ở vùng quê heo hút này, con mương đã nuôi sống biết bao gia đình. Vào mỗi mùa mưa, rau muống dưới mương xanh mơn mởn. Người ta lội xuống hái đem ra bán đầy cả chợ. Có khi bán không hết thì người ta làm dưa. Ấy vậy mà bán chỉ trong chốc lát là hết sạch trơn. Còn đám trẻ chúng tôi thì lại thích mò cua bắt ốc trên những con mương này.

Thuở ấu thơ của chúng tôi gắn với những con mương, cái ao bờ ruộng... Dù bao năm xa quê khi trở về nhìn con mương đùn đụt được bao phủ bởi màu xanh của đám rau muống xanh um ràn rịt. Tôi vẫn không thể nào quên được những buổi xấp nhỏ chúng tôi từng đi mò cua bắt ốc, hái rau…những kí ức  đó như còn in nguyên trong tâm thức tôi. Một thời thơ ấu nay đã không còn, nhưng hình ảnh con mương ngày nào vẫn còn hiện hữu theo từng năm tháng…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Trung ([Tên nguồn])
Những câu truyện hay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN