Khóc vì sao Hàn: Là "dị hợm", "dở hơi"?

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Chúng ta nên phê phán hay tôn trọng trước những sở thích có phần “dị hợm” của giới trẻ?

Mỗi người đều có một đam mê và muốn sống hết mình cho niềm đam mê đó. Tuy nhiên, có những sở thích, đam mê của người này lại trở thành sự "dị hợm", "dở hơi" , "không vừa mắt" với người khác và họ cho rằng, đấy là sự "cuồng" một cách lố bịch, vô bổ.  Và với những đánh giá như vậy, liệu có công bằng với những người trẻ "cháy" hết mình với những đam mê?

Music Bank in Hanoi với sự tham gia của 7 nhóm nhạc nổi tiếng Hàn Quốc đã đến Việt Nam, làm bùng nổ “trái tim” của các bạn trẻ Việt yêu nhạc Hàn. Đã có những gào thét, những giọt nước mắt rơi xuống ngay từ khi các thần tượng đặt chân xuống sân bay. Rồi còn có cả sự “vỡ òa” trong sung sướng khi được tận mắt chứng kiến các sao Hàn ca hát, nhảy múa. Từng cái nháy mắt, cái mấp môi của sao Hàn đã in hằn vào các fan Việt khiến họ một lại lần nữa phải bật khóc khi đại nhạc hội kết thúc, thần tượng của họ ra về.

Khóc vì sao Hàn: Là "dị hợm", "dở hơi"? - 1

Giọt nước mắt của fan Kpop khi gặp thần tượng gây sóng dư luận

Tất cả những cảm xúc ấy ngay lập tức bị cộng đồng đặt lên “bàn cân” đo, đếm về sự phải, trái, nên hay không nên, đáng phê phán hay cần tôn trọng… Một cuộc tranh luận gay gắt đã diễn ra xoay quanh chủ đề: “Khóc lóc khi gặp sao Hàn, nên hay không?”.

Nhiều người cho rằng, hành động gào thét khóc lóc của fan Kpop là nhảm nhí, quá khích, lố bịch… Nhưng cũng nhiều bạn lại cho rằng đó là cảm xúc thật, không đáng phải nhận sự lên án. 

Cuộc tranh luận vẫn chưa có hồi kết, mỗi bên đưa ra một luận điểm, lý lẽ riêng. Nhưng từ trong cuộc tranh luận về Kpop nói riêng đó, người ta dễ nhận ra một vấn đề chung đó là tôn trọng sở thích.

Sở thích của con người, đặc biệt là sở thích của lớp trẻ, đôi khi có phần khác biệt và "dị hợm". Và sự "dị hợm" ấy có đáng bị lên án không hay thay vào đó, họ cũng cần được mọi người tôn trọng sở thích của mình?

Trong hàng ngàn ý kiến bình luận về giọt nước mắt của fan Kpop, ý kiến của một bậc phụ huynh trên trang Facebook cá nhân đã nhận được chú ý đặc biệt của cộng đồng mạng, thu hút 8 nghìn lượt like và hơn 3 nghìn lượt chia sẻ. Trong bài viết, anh muốn nhận mạnh đến việc tôn trọng sở thích của người khác như tôn trọng sở thích của chính mình: “Đến tuổi này, tôi vẫn nhận thấy cái khó nhất trong ứng xử là học cách tôn trọng sở thích và cảm xúc của người khác, giống như bố mẹ tôi từng tôn trọng hay chấp nhận sở thích của tôi”.

Khóc vì sao Hàn: Là "dị hợm", "dở hơi"? - 2

Status thu hút hàng nghìn lượt like và chia sẻ của vị phụ huynh

Trong hơn 3000 lượt chia sẻ, có cả fan hâm mộ Kpop, những bạn trẻ “lạnh lùng” với âm nhạc Hàn, những người đã qua thời tuổi trẻ và cả những bậc phụ huynh có con đang trong độ tuổi ngập tràn những đam mê “quái dị”.

Bà mẹ trẻ có nick name Hong Mai chia sẻ: “Hôm rồi duyệt cho nàng ý đi theo tiếng gọi trái tim,  nhiều người nhìn mình với ánh mắt nghi ngại, tại sao lại nuông chiều em như thế? Mặc dù đến khi đón nàng về đến nhà an toàn, mình mới thở phào nhẹ nhõm nhưng may mà mình đã đồng ý cho nàng đi chứ không mà đọc được bài này thì nhục muốn chết. Mà nàng ý của mình đi bằng chính đồng tiền nàng ý làm thêm có được, tích cóp được trong bao năm, mình không cho một đồng. Vậy hà cớ gì cấm? Đúng là “cái tôi sợ là con cái tôi đánh mất đi cảm xúc chứ không phải cách nó mơ đến hoàng tử, công chúa xứ Hàn”.

Bạn trẻ có nick name Ngọc Thiên Trần Quang viết: “Không chỉ người lớn cần học cách tôn trọng sở thích của con trẻ mà ngay cả con trẻ cũng phải biết tôn trọng sở thích của người lớn. Ba mình rất thích Đàm Vĩnh Hưng. Hồi đó nhà chỉ có mỗi cái máy caset, hai ba con nghe chung, ba bấm dừng câu nào con gái hí hoáy viết câu đó, chép tay toàn bộ lời nhạc cho ba hát mà toàn nhạc thời “các cụ”. Con gái không mê nhưng vẫn tôn trọng sở thích của ba…”.

Không phải là fan Kpop nhưng bạn trẻ có nick name Meo Dưa Leo vẫn cho rằng tôn trọng sở thích của người khác là điều cần thiết: “Mình không thích Kpop nhưng mình cũng có sở thích riêng, có đam mê riêng và cũng sẵn sàng hết mình vì thứ mình tôn thờ. Khi bạn có ước mơ và đạt được nó thì bạn có xúc động không? Nếu tôi vô địch trên sàn nhảy mà tôi mong ước thì tôi cũng lăn ra khóc. Chỉ là đừng hâm mộ đến mức “cuồng” để rồi có hành động sai lệch”.

Cho đến khi không thể khóc ngay cả khi thần tượng đứng sờ sờ trước mặt, bạn Hy Thụy Vân Hà mới biết rằng, mình đã qua tuổi thanh xuân: “Còn khóc vì yêu thương được thì tốt. Buổi hòa nhạc tháng 7 năm ngoái, không hiểu sao không rơi nổi một giọt nước mắt dẫu biết đây là lần cuối cùng và duy nhất trong đời thấy được thần tượng tuổi trẻ của mình. Lúc ấy, mình đã biết, yêu thương của tuổi trẻ đã kết thúc rồi, thanh xuân đẹp đẽ ấy vĩnh viễn không thể nào trở lại”

Tôn trọng sở thích của người khác chưa bao giờ là điều dễ dàng, đặc biệt là những sở thích có phần dị hợm, khác biệt. Tuy vậy, đó vẫn là điều cần thiết để cuộc sống trở nên “dễ thở” hơn. Chỉ cần mỗi người đừng vì được tôn trọng mà biến sở thích của mình thành quá đà đến mức khó chấp nhận.

***

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với giảng viên cao cấp Lê Anh Sơn - chuyên gia huấn luyện và định hướng nghề nghiệp cho giới trẻ về vấn đề "cuồng" thần tượng. Mời các bạn đón đọc bài viết vào lúc 18h00 ngày 2/4/2015.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN