Khi quân sư là vợ cũ của chồng

Trong cuộc hôn nhân ‘tập hai’, nếu có sự dính dáng đến người cũ thì thường là ‘lành ít dữ nhiều’. Ấy vậy mà vẫn có những trường hợp ngược lại.

Bày cho “người kế nhiệm” cách “trị” chồng cũ

Huyền gặp Thủy, vợ cũ của chồng cô, trong một bữa tiệc nướng ngoài trời tại nhà người bạn mới quen. Hai người phụ nữ gặp nhau đã thấy hợp, nói chuyện không dứt, rồi cho nhau số điện thoại, nick chat. Họ chat thường xuyên, thỉnh thoảng rủ nhau đi ăn trưa, cà phê. Mãi đến mấy tháng sau, khi add friend trên Facebook và xem ảnh gia đình người bạn mới, Thủy mới ngờ ngợ rằng chồng cũ của cô chính là chồng Huyền bây giờ, liền chat để xác định. Sự thật quả đúng như vậy. 

Thủy hỏi: “Em hạnh phúc, đúng không?”. Thủy gửi một cái mặt cười: “Vâng, chị ạ, anh ấy rất chăm chỉ, chịu khó, thương vợ, chỉ mỗi tội…”. Thấy vẻ ngập ngừng của Huyền, Thủy hỏi: “Mỗi tội hơi chặt chẽ, phải không?”. Biết rằng Thủy từng sống với ông xã mình mấy năm nên hiểu hơn ai hết về điều đó, Huyền như tìm được người đồng cảm, xổ ra một mạch những chuyện ấm ức, khó chịu về tính ki bo của chồng.

“Em đã giở đủ chiêu mà các mẹ có chồng ki bo bày cho nhau trên mạng rồi, nhưng chẳng ăn thua, anh ấy cứ khư khư giữ tiền và để một mình em chi các khoản cho gia đình bằng đồng lương còm của mình. Anh ấy còn bảo em nói quá, chứ chỉ mỗi việc chợ búa, điện nước, thỉnh thoảng cưới hỏi hay quà cáp bố mẹ hai bên thì làm sao tiêu hết lương được. Chả nhẽ lại vì chuyện đó mà ly dị, vì em rất yêu anh ấy, ngoài bệnh ấy ra anh ấy không có gì không tốt”, Huyền chia sẻ.

Thủy bảo, ngày xưa cô từng được “gà” cho một cách trị tính keo kiệt của chồng, bắt anh phải chia sẻ gánh nặng chi phí sinh hoạt. “Chị không dám áp dụng, vì nó cũng hơi mang tính khổ nhục kế”. Huyền nằng nặc hỏi kế gì, Thủy nói: “Như thế này, nếu em tự tin ở khả năng tìm việc của mình thì có thể chấp nhận thất nghiệp một thời gian. Anh ấy sẽ buộc phải chi tiền sinh hoạt, và quen dần với việc rút tiền của mình ra chi cho gia đình. Hãy ghi lại tất cả các khoản, kể cả tiền mua vài quả ớt, giữ lại tất cả hóa đơn, và tạo điều kiện cho anh ấy trực tiếp đi chợ, đi mua sắm. Như thế, anh ấy sẽ biết thực ra tiền sinh hoạt cũng tốn kém như thế nào”.

“Cách này mạo hiểm quá”, Huyền nói “Nhưng em lại có thể thử được vì công việc biên tập của em không nhất thiết phải đến cơ quan, chị sếp giúp em giả vờ thất nghiệp là được thôi”.

Sau khi Huyền “mất việc”, ông xã đành đưa tiền chợ. Mới hơn nửa tháng, số tiền đã hết sạch. Dù đưa hết bản kê khai cho chồng, nhưng cô biết anh vẫn hoài nghi vợ khai gian. Thế nhà vào chủ nhật, Huyền vờ ốm, nhờ chồng đi chợ mua theo danh sách cô kê cho mấy món ăn anh yêu cầu, bao gồm cả các loại gia vị, mắm muối, dầu ăn… hôm ấy cũng ‘tình cờ” hết.

Ngay sáng hôm sau, Huyền đã chat với Thủy: “Đúng như chị nói, anh ấy choáng nặng vì nhận ra một bữa cơm không chỉ có thịt và rau mà còn ti tỉ thứ phụ gia khác cần mua, mỗi thứ một chút thôi nhưng cộng lại cũng rất nhiều”. Tháng sau, chồng Thủy đưa tiền nhiều hơn hẳn, tuy vẫn phải tùng tiệm mới đủ nhưng thế cũng đã tiến bộ rồi. Nếu hết tiền, Huyền cho cả nhà ăn uống kham khổ chứ quyết không dùng tiền riêng của mình, để anh nhận ra bữa cơm do anh chi tiền “hẻo” hơn trước thế nào.

Những người thu tiền điện, nước… được Huyền dặn quay lại vào giờ chồng cô ở nhà. Xà phòng, dầu gội, giấy vệ sinh… mà hết, cô cho cả nhà ở bẩn, mặc bẩn cho đến khi chồng chịu hết nổi phải chìa tiền ra. Một thời gian sau, thấy chồng tuy vẫn cằn nhằn và đau lòng xót ruột nhưng đã hiểu ra một thực tế rằng ngay mức sống tối thiểu cũng không thể chi số tiền thấp hơn chừng ấy, Huyền mới thông báo cô đã xin được đi làm trở lại. “Nhưng giờ cả xã hội khó khăn, lương em chỉ 3 triệu thôi, số còn lại anh vẫn phải bù đấy”, cô giao hẹn.

Rồi họ có con, số tiền phải chi nhiều hơn. Chồng Huyền dần dần cũng biết thu nhập thực của vợ cao hơn mức cô nói, nhưng không “cù nhầy” được nữa mà phải chấp nhận “cưa đôi” chi phí, công khai các khoản chi mỗi tháng. Theo lời mách nước của Thủy, hễ cần chi nhiều mà chồng không chịu đưa thêm, Huyền chỉ bảo đảm tất cả nhu cầu cho con, còn của người lớn thì mặc kệ, cho đến khi anh “đầu hàng”.

Giờ thì Huyền đã hài lòng với kết quả: anh chồng tuy vẫn keo kiệt nhưng đã biết thỏa hiệp, và cô rất biết ơn người bạn tốt, cũng là vợ cũ của chồng.

Khi quân sư là vợ cũ của chồng - 1

Ngọc áp dụng lời khuyên của Bích không mấy khó khăn, và cảm thấy hiệu quả vượt quá mong đợi (Ảnh minh họa)

Vợ cũ giúp vợ mới đối phó mẹ chồng

Nếu như không có cái lần Bích – vợ cũ – phải đi công tác đột xuất mà hết chỗ gửi con, đành mang đến nhà chồng cũ ở mấy bữa, gặp lúc vợ mới – Ngọc – đang cuống cà kê vì con bé ốm, thì hai người mãi mãi vẫn xa lạ, lạnh lùng như tất cả những người khác trong mối quan hệ tương tự. Lúc đó ông chồng đi làm xa chưa về, vợ cũ, với kinh nghiệm chăm trẻ đầy mình, đã bày cho vợ mới vài giải pháp hiệu quả, khiến đứa bé ổn định rất nhanh trước khi bác sĩ kịp đến.

Mấy ngày sau đó, khi hỏi thăm con, Bích không gọi vào số của chồng cũ mà gọi vào máy Ngọc, lần nào cũng hỏi thăm sức khỏe con Ngọc, và đưa ra những lời tư vấn. Ngọc làm theo thấy hiệu quả nên rất cảm kích.

Hôm Bích đến đón con, chị thấy Ngọc đang khóc sưng cả mắt, gạn hỏi thì biết cô mới bị mẹ chồng mắng oan – chuyện thường xảy ra dù Ngọc ở riêng. Bích thở dài: “Lại giống tôi ngày xưa rồi. Bà ấy cũng có công lớn trong việc đẩy tôi và anh ấy đến nước ly dị đấy”. Ngồi xuống tâm sự, Bích cho biết trước đây chị nghĩ phận làm dâu thì phải nhẫn nhịn đến cùng, một lòng một dạ thì đến một lúc nào đó mẹ chồng sẽ hiểu ra mà thương yêu, nhưng cách đó khiến giá trị của chị trong mắt nhà chồng, thậm chí cả chồng, giảm dần. Thấy chồng dần dần coi việc con dâu nhịn mẹ chồng là đương nhiên, không nhìn thấy sự hy sinh của vợ, Bích dần dần nuôi sự oán giận và chán ghét chồng, tình cảm cứ nhạt dần.

Rồi đến một ngày, tức nước vỡ bờ, chị “bật” lại mẹ chồng, và ngay cả ông xã cũng cho là vợ hỗn. Chị cảm thấy không trông đợi gì ở cuộc hôn nhân đó nữa nên kiên quyết ly dị. Bích nói với Ngọc: “Chia tay rồi, chị dần dần nhận ra, chính chị cũng có lỗi trong sự tan vỡ này. Chị chỉ cho rằng nhẫn nhịn, hy sinh là hay mà không biết rằng chia sẻ, đối thoại để hiểu nhau mới là chuyện sống còn. Em đừng đi vào vết xe đổ của chị”.

Bích về rồi, Ngọc suy nghĩ rất lâu về những lời của chị: Với mẹ chồng, phải lễ phép, chu đáo, trọn đạo dâu con, nhưng cũng biết khéo léo thể hiện cái tôi, thể hiện giá trị của mình, không để mình bị coi rẻ. Trong một số chuyện quan trọng và chính đáng, dù mẹ chồng giận, nàng dâu vẫn phải thể hiện chính kiến và bảo vệ nguyên tắc của mình. Với chồng, cần để anh ấy biết vợ đang phải chịu đựng những gì, đã cố gắng, hy sinh như thế nào vì gia đình và điều đó phải được trân trọng…

Với chồng, Ngọc áp dụng lời khuyên của Bích không mấy khó khăn, và cảm thấy hiệu quả vượt quá mong đợi. Bởi anh là người yêu vợ và cũng rút được kinh nghiệm từ thất bại của cuộc hôn nhân trước. Nhưng với mẹ chồng – một phụ nữ ghê gớm và bảo thủ - cô thấy không dễ dàng gì để định ra một ranh giới giữa “thể hiện giá trị bản thân” và “hỗn láo”. Vì thế, trong những trường hợp cụ thể, khi khó nghĩ, cô lại gọi điện cho Bích để tư vấn. Dù đang bận rộn với cuộc tình mới và vị trí công việc vừa được cất nhắc, Bích vẫn dành thời gian lắng nghe và góp ý cho Ngọc.

Giờ thì mẹ chồng em có vẻ ‘nể’ em hơn nhiều rồi, không áp đặt mọi chuyện, coi em còn kém cả osin cho con trai mình như trước kia. Tất nhiên bà vẫn hoạnh họe, hễ có dịp là ‘chơi’ em, nhưng em không còn là số 0 nữa rồi”, Ngọc tâm sự. Cô nghĩ rằng, có được điều đó, một phần là nhờ Bích – vợ cũ của chồng cô, người mà dù chẳng mấy khi gặp mặt, trong thâm tâm cô đã coi như một người chị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Anh (Tuổi trẻ thủ đô)
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN