Hoảng hốt với hội chứng làm clip hại mình “câu” like

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Nhiều người “ném đá” và cho đó là trò mua vui quá lố bịch, đáng bị lên án.

Công nghệ “đầu độc” giới trẻ

Hoảng hốt với hội chứng làm clip hại mình “câu” like - 1

Những hình ảnh máu me được một cô gái đưa lên mạng để câu like.

Theo nhận định của một số chuyên gia xã hội học, công nghệ thông tin trở thành một trong những nhu cầu cần thiết với giới trẻ, đặc biệt là sự phát triển của trang mạng xã hội. Khi mạng xã hội phát triển mạnh kéo theo hệ lụy là người ta thích sống ảo và trở thành “nô lệ” của công nghệ.

Thay vì nổi tiếng và được mọi người kính trọng về tài năng hay nhân phẩm đạo đức, một bộ phận giới trẻ lại chọn cho mình những con đường, những cách để được nhiều người chú ý bằng các chiêu trò tung video phản cảm. Những hành động tưởng chừng như vô bổ lại gây tác động xấu đến không những chính bản thân họ, mà còn cả gia đình, bạn bè...

Trước trào lưu tung video để câu like bằng những hình ảnh phản cảm, ngay cả những nhà quản lý mạng xã hội cũng thừa nhận, không có bộ lọc hay rào cản nào có thể theo dõi và ngăn chặn. Chia sẻ với phóng viên, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, sự phát triển của công nghệ thông tin là con dao hai lưỡi.

Giới trẻ với sự hiếu kỳ, tò mò, những tính năng mới rồi vội chạy đua vô thức theo những trào lưu phản cảm mà không có sự kiểm soát của lý trí. Sự quan tâm, quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội còn nhiều thiếu sót dẫn đến việc giới trẻ tự buông thả bản thân.

Ai trong chúng ta từng suy nghĩ tới hậu quả? Có chăng cũng chỉ là thoáng qua rồi chặc lưỡi, bàng quan với những gì đang diễn ra. Thói quen sống ảo nếu không kiểm soát sẽ tác động mạnh tới tâm lý và nhân cách của một bộ phận giới trẻ, rối loạn tâm lý, sống hoang tưởng, tiêu cực, có thể có hành vi chống đối xã hội, hay dẫn tới tình trạng lo âu, trầm cảm. Thói quen sống ảo nếu không có sự giám sát, quản lý của lý trí, nó sẽ biến thành một loại a-xít, ăn mòn dần tuổi trẻ của chúng ta”, TS.Lâm nói.

Cùng quan điểm, chuyên gia xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (viện Xã hội học) nêu ý kiến, ban đầu người ta cho rằng mạng xã hội không bền vững và ít giá trị vì nó là ảo, nhưng đó là nhận định sai lầm.

Rất nhiều người đã dành quá nhiều thời gian cho cuộc sống ảo. Dần dần, họ sẽ mất các kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống. Thậm chí, có biểu hiện “nghiện” mạng xã hội dẫn đến tâm lý bị lệ thuộc mạnh mẽ vào nó. Nguy hiểm hơn, nhiều người còn lệ thuộc vào những trào lưu phản cảm và dần biến mình thành nạn nhân.

Hội chứng “trầm cảm facebook”

PGS.TS Trịnh Hòa Bình khẳng định, nguy cơ tiềm ẩn của các trang mạng xã hội đối với giới trẻ đó chính là hội chứng “trầm cảm Facebook”. Khi trẻ em và thanh thiếu niên dành quá nhiều thời gian vào các website này thì cũng là lúc những thói quen như ăn uống, ngủ nghỉ, kết bạn... bắt đầu thay đổi.

Nguy hại hơn, trẻ có xu hướng kết bạn và chơi theo một nhóm cô lập… Đó là những dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Ngay cả việc tung ảnh, video “tự sát” bản thân cũng chính là những biểu hiện của việc bị chi phối, lệ thuộc quá nhiều vào mạng ảo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo N Giang ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN