Đường đi của "bùa lưỡi" gây ảo giác du nhập vào VN

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Xuất hiện từ thập niên 70, gần đây nó được du nhập vào Việt Nam và làm khuynh đảo giới trẻ.

Trước hàng loạt những chia sẻ của dân chơi về “bùa lưỡi”, dư luận đặc biệt quan tâm đến “đường đi” của loại chất này.

Theo tìm hiểu của PV, trên thế giới những chất thức thần như “bùa lưỡi” xuất hiện từ thập niên 70, gần đây nó được du nhập vào Việt Nam và làm khuynh đảo giới trẻ.

Đường đi của "bùa lưỡi" gây ảo giác du nhập vào VN - 1

“Bùa lưỡi” được quảng cáo rầm rộ trên mạng (Ảnh chụp lại màn hình)

“Bùa lưỡi” thực chất là miếng giấy được tẩm chất gây ảo giác LSD (Lysergic Axit Diethylamide)- chất bán tổng hợp được chiết xuất từ nấm cựa gà. Đây là chất gây ảo giác mạnh nhất cho đến nay, chỉ vài chục mcg là có thể gây ảo giác nên được xem chất ma túy nguy hiểm nhất.

Trao đổi với PV, một cán bộ Đội 4, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy công an TP. Hà Nội nhận định, “bùa lưỡi” được du nhập vào trong nước có thể từ một số người đã từng có thời gian đi học tập, công tác tại nước ngoài và đưa về bằng hình thức xách tay.

Cũng theo vị chuyên gia này, ở nước ngoài, xu hướng sử dụng “bùa lưỡi” có phần giảm, thậm chí nhiều nước còn ngầm không sản xuất chất thức thần. Việc mua bán ở nước ngoài có thể dễ dàng hơn nhưng để xuất hiện ở Việt Nam thì rất khó và nếu có đường dây mang về được nước ta, giá thành cũng sẽ rất cao.

Nói về “đường đi” của loại “bùa lưỡi” đang cuốn hút giới trẻ hiện nay, vị cán bộ Đội, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy cho biết: “Trên địa bàn thành phố Hà Nội chúng tôi chưa phát hiện thấy một trường hợp nào sử dụng “bùa lưỡi” trong các lần kiểm tra đột xuất. Hoặc thông qua các biện pháp kiểm tra, xét nghiệm khi bị bắt giữ liên quan đến ma túy.

Chúng tôi không thể khẳng định là ở Việt Nam không có “bùa lưỡi” nhưng cơ quan chức năng đang tích cực nắm bắt tình hình để đấu tranh phòng ngừa”

Vị này cũng cho biết thêm, có thể những hình ảnh mà một số người sử dụng rồi chụp lại ảnh đưa lên trang mạng xã hội chưa chắc đã chụp và sử dụng ở Việt Nam.

Họ trải nghiệm với chất này ở nước ngoài chụp lại hình ảnh sau đó đưa lên mạng khiến nhiều người tham gia bình luận gây nên một làn sóng.

“Tất cả các loại ma túy đều có khả năng gây nghiện vì thế bất kỳ dưới hình thức nào thì cũng không nên sử dụng ở bất kỳ hình thức nào”. Vị này nhấn mạnh.

Theo quy định của pháp luật, tất cả các chất gây ảo giác đều bị nghiêm cấm sử dụng. Tuy nhiên hiện nay, không ít người trong giới trẻ có thể dễ dàng đặt mua các “chất thức thần” trên một số trang mạng.

Trước việc mua chất cấm dễ dàng như vậy, Phạm Văn Phất (đoàn Hà Nội) cho biết: “Việc lưu hành và sử dụng chất này cũng phải tuân theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Người mua bán, tàng trữ trái phép chất lysergic acid diethylamide là vi phạm pháp luật hình sự (điều 194 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009). Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, sẽ bị phạt từ 2 năm đến 7 năm tù”.

LS.Tuấn cũng khuyến cáo, bên cạnh việc giới trẻ phải cẩn trọng trước sự mê hoặc của “bùa lưỡi”, các cơ quan chức năng hữu quan cần chung tay ngăn chặn nguy cơ bùng phát dạng ma túy mới này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo N.G-M.T ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN