Đối thoại với "anh Tây" chê ý thức vệ sinh ở Việt Nam

Kyo York rất sợ ra đường gặp phải cảnh khạc nhổ và sự vô ý thức khi tham gia giao thông.

Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người Việt cho đến nay vẫn là vấn đề thường xuyên được cảnh báo. Không chỉ các nhà quản lý môi trường lên tiếng mà ngay cả những du khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch cũng nhiều lần phải “than ngắn thở dài” về vấn đề này.

Đối thoại với "anh Tây" chê ý thức vệ sinh ở Việt Nam - 1

Kyo York, chàng ca sĩ người Mỹ từng nhiều phen bất ngờ trước ý thức giữ gìn vệ sinh của người Việt

Vừa qua, lời nhắc nhở khéo léo của Kyo York, chàng ca sĩ người Mỹ từng có nhiều năm sinh sống tại Việt Nam về vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường cũng gây xôn xao cộng đồng mạng. Khi lên tiếng phản ánh việc “đổ rác nơi tôn nghiêm”, Kyo York nhận phải khá nhiều ý kiến tiêu cực của cộng đồng mạng, cho rằng anh đang moi móc những điều xấu để bôi nhọ hình ảnh Việt Nam.

Ngay sau đó, Kyo đã có một bài viết “đáp trả” những ý kiến tiêu cực của cộng đồng mạng. Anh khẳng định, những việc mình làm chỉ nhằm một mục đích là giúp Việt Nam trở nên sạch đẹp hơn.

Từ câu chuyện của chàng ca sĩ người Mỹ, cho thấy vấn đề của một số bạn trẻ Việt không chỉ là ý thức bảo vệ môi trường mà còn là sự lắng nghe, tiếp thu ý kiến.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Kyo York để nghe anh chia sẻ nhiều hơn về vấn đề này:

Kyo nghĩ sao về một số phản ứng tiêu cực của cộng đồng mạng trước lời góp ý “đổ rác nơi tôn nghiêm” của mình? Anh có bất ngờ trước những phản ứng đó?

Ngoài số đông ủng hộ và đồng quan điểm, cũng có một số phản ứng tiêu cực về lời góp ý của Kyo. Thật sự Kyo thấy  việc này  không có gì quá nghiêm trọng, mặc dù đây là lần đầu tiên Kyo bị một số ít  những người phản bác theo kiểu “ném gạch đá” như vậy.

Điều đó giúp Kyo rút ra thêm một điều, đó là trước giờ, cứ ngỡ cộng đồng mạng chỉ “ném gạch đá” những phần tử xấu, phát ngôn gây shock, khoe thân, khoe giàu để nổi tiếng… nhưng thì ra còn có một số người chuyên đi ném đá người góp ý nhằm thay đổi cái xấu của họ.  

Đối thoại với "anh Tây" chê ý thức vệ sinh ở Việt Nam - 2

Lời nhắc nhở khéo léo của Kyo về "đổ rác nơi tôn nghiêm"

Kyo có nghĩ rằng, những phản ứng đó thể hiện sự bảo thủ và cố chấp, không biết lắng nghe góp ý của họ?

Cái đó Kyo không dám nghĩ mà chính những bình luận của đa số người Việt đã khẳng định điều đó. Những phản ứng tiêu cực của họ khi nhận được lời góp ý đã  thể hiện sự bảo thủ và cố chấp mà rõ ràng không thay đổi cái xấu thì khó có thể phát triển được. Nên tôi thấy mình có nhiều đồng cảm hơn.

Sau khi đăng tải dòng trạng thái “đáp trả” những bức xúc của cộng đồng mạng, Kyo có nhận được phản hồi gì khác? Và anh  nghĩ sao về điều đó?

Đáng lẽ tôi không cần đáp trả, vì những câu hỏi của một số bạn quá thô tục, trơ trẽn và vô nghĩa. Nhưng tôi vẫn “đáp trả” bởi muốn các bạn thấy rằng, những bạn còn trẻ nên nhìn vấn đề một cách sâu sắc hơn, làm nhiều điều ý nghĩa hơn là làm “anh hùng bàn phím”, dễ dàng phán xét và lên án người khác khi họ chia sẻ với mình một cách chân thành.

Sau bài phản hồi đó, tôi đã nhận được nhiều lời chia sẻ chân thành của mọi người ở khắp nơi. Đặc biệt, tôi còn nhận được nhiều bức thư của nhiều thế hệ, thành phần từ người già đến trẻ em; từ giáo sư, bác sĩ đến người nông dân… Họ bày tỏ sự ngưỡng mộ và cảm thông dành cho tôi.

Nhưng tôi thấy điều đó là không cần thiết bởi, chuyện lên tiếng để bảo vệ môi trường thì không có gì là quá to lớn để tôi được ngưỡng mộ như vậy.

Đối thoại với "anh Tây" chê ý thức vệ sinh ở Việt Nam - 3

Kyo phản pháo trước những phản ứng tiêu cực của một số người về lời góp ý của mình

Ngoài việc nhìn thấy một số người Việt đổ rác nơi tôn nghiêm, chắc hẳn Kyo còn thấy những hành vi thiếu ý thức bảo vệ môi trường ở rất nhiều nơi khác?

Có chứ. Một lần, tôi thẳng thắn góp ý trước mặt một người dân làm du lịch khi chị này vô tư đổ rác ngay xuống biển trước mặt du khách.

Khi nghe tôi góp ý, chị quay sang bảo tôi: “Biển lớn vậy đổ có tí rác ảnh hưởng gì” khiến tôi và một số người chứng kiến lúc đó vô cùng bất ngờ. Tôi nghĩ đã đến lúc ngành quản lý du lịch và cơ quan môi trường phải phối hợp với nhau để nâng cao ý thức của người dân ở khu du lịch, giúp họ hiểu rằng, giữ gìn vệ sinh môi trường cũng là cách làm du lịch lâu dài.

Kyo có hay lên tiếng nhắc nhở những người xả rác bừa bãi như vậy?

Tuỳ theo mức độ mà tôi nhắc nhở. Nếu một ngày ra đường, tôi chỉ quan tâm đến chuyện này thì chắc tôi thành “cảnh sát vệ sinh môi trường” luôn rồi.

Đối với người thân, tôi sẽ phản ứng ngay để họ biết hành động xả rác bừa bãi là một hành động không văn minh. Còn những trường hợp không liên quan, thì nơi nào quá tải hoặc không thể giải quyết, tôi thường chụp ảnh đăng Facebook như “kêu cứu” giúp nơi đó và đúng là cách làm này cũng khá hiệu quả vì trước sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng thì cũng có ít nhiều thay đổi.

Tôi biết mình là người có một chút tiếng nói trước cộng đồng nên dù thế nào, tôi vẫn muốn làm điều mà đa số nghệ sĩ khác, họ không muốn dính đến vì dễ mất lòng người hâm  mộ, đó là lên án  những hành động không tốt, ảnh hưởng môi trường, văn hoá cộng đồng hay sự vô tâm và thờ ơ…

Đối thoại với "anh Tây" chê ý thức vệ sinh ở Việt Nam - 4

Theo Kyo, người lớn cần phải có trách nhiệm với hành động của mình để trẻ nhỏ học tập theo

Kyo có thể chia sẻ ở Mỹ, mọi người thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường như nào?

Dĩ nhiên là nhà nào không giữ gìn vệ sinh tốt, họ phải chịu phạt, chưa kể nếu hàng xóm phát hiện gia đình bên cạnh gây mất vệ sinh, ảnh hưởng cộng đồng dù lớn hay nhỏ, họ đều có quyền gọi điện báo cảnh sát xử lý vụ việc.

Vậy trẻ em Mỹ được giáo dục giữ gìn vệ sinh như thế nào? Người lớn (cụ thể là các bậc phụ huynh) có ảnh hưởng như thế nào đến ý thức bảo vệ môi trường của con em?

Tôi nghĩ nơi đâu người ta cũng dạy trẻ con làm điều tốt, việc hay. Và  bảo vệ môi trường cũng là điều chúng tôi được học từ bé cho đến lớn.

Ý thức bảo vệ môi trường của trẻ em ảnh hưởng rất nhiều từ người lớn. Nếu trẻ em được dạy không được xả rác bừa bãi ở  lớp nhưng về nhà thấy chính bố mẹ mình khạc nhổ nơi công cộng, tuỳ tiện xả rác… thì chúng sẽ bị ảnh hưởng nhiều. 

Những gì được học ở trường lớp chỉ là lý thuyết, còn những gì trẻ em tận mắt chứng kiến hàng ngày mới là điều quan trọng. Bởi vậy, tôi nghĩ, muốn trẻ con có ý thức bảo vệ môi trường thì người lớn phải có trách nhiệm với hành động của mình.

Theo Kyo, Việt Nam nên có những biện pháp quyết liệt thế nào để nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh của người Việt?

Như đã nói ngoài việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong  giáo dục, môi trường sống, chúng ta cần phải có những quy định rõ ràng và xử phạt hợp lý…

Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng đầy đủ thiết bị vệ sinh, đặc biệt là thùng rác. Cần có cách thức xử lý rác thải hợp lý, tìm biện pháp “cứu” lấy những dòng kênh ô nhiễm nặng trong các thành phố vì đó là bộ mặt của thành phố.

Vấn đề quan trọng nhất là nâng cao được ý thức người dân để ai cũng tự giác bảo vệ môi trường. Đến khi nào, chỉ cần nhả bã kẹo cao su hay vứt một tờ giấy vụn không đúng chỗ mà người ta cảm thấy hành động ấy của mình thật khó coi và đáng xấu hổ thì lúc đó ý thức giữ gìn về sinh nơi công cộng của người Việt thật đáng tự hào.

Đối thoại với "anh Tây" chê ý thức vệ sinh ở Việt Nam - 5

Âm nhạc chính là điều khiến Kyo gắn bó với Việt Nam lâu đến vậy

Ngoài vấn đề ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, Kyo còn thấy những điều gì không tốt ở người Việt?

Có lần, tôi thấy ở một ngã tư, một người đàn ông đã hút thuốc, nhả khói bay vào mặt nhiều người phía sau, mọi người rất khó chịu nhưng không ai dám lên tiếng nhắc nhở… Lúc đó tôi tự hỏi, mình  là ai mà lên tiếng trong vụ này?

Lần khác, cũng tại ngã tư, có hai người đã đánh nhau chỉ vì một lý do khó thể xảy ra ở những thành phố văn minh khác, đó là một người đã khạc nhổ trúng vào chân người kia. Họ đã giải quyết sự việc bằng cách đánh nhau thay vì xin lỗi và nhận lỗi.

Kyo ái ngại nhất khi ở Việt Nam là gì? 

Đó là ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, ý thức tham gia giao thông.

Vậy điều gì anh cảm thấy hài lòng nhất khi ở Việt Nam? 

Đó chính là sự thân thiện, gần gũi… Người Việt Nam sống hết lòng và chân tình. Nhưng chính điều đó khiến họ bị ảnh hưởng bởi người thân rất nhiều.

Ngoài ra, tôi còn ngưỡng mộ “tình làng nghĩa xóm” của người Việt Nam. Họ giúp đỡ lẫn nhau, sống với nhau như một  mái nhà. Đó là nét văn hoá cộng đồng mà tôi nghĩ đó là nét đẹp riêng có của Việt Nam.

Có rất nhiều bạn trẻ tò mò không hiểu, vì sao một chàng trai Mỹ lại có thể gắn bó ở Việt Nam lâu đến vậy?

Đó là âm nhạc Việt Nam, con đường, niềm đam mê mà tôi đang gắn bó.

Anh có ý định lấy một cô gái Việt và định cư ở đây?

Điều này cũng tuỳ duyên thôi (cười).

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN