Cô gái mang thông điệp giới trẻ Việt đến Nam Cực

Nguyễn Thị Thùy Vân đã mang lá cờ của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tới Nam Cực.

Hành trình 2041

Tháng 3/2016, trong chuỗi hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Deloitte Việt Nam, tôi có vinh dự được đến Nam Cực với tổ chức 2041 dẫn đầu bởi ngài Robert Swan. Nam Cực rất đẹp. Đẹp kỳ lạ và huyền ảo. Một vẻ đẹp của sự khắc nghiệt và đơn giản, một vẻ đẹp không bị xâm phạm bởi con người. Tôi thích nhìn sắc màu của nước biển. Nước biển lạnh đến mức có màu tối đen. 

Cô gái mang thông điệp giới trẻ Việt đến Nam Cực - 1

Nguyễn Thị Thùy Vân trong Hành trình 2041 đến Nam Cực.

Tôi thích đứng trong vịnh, nhìn lên thấy gió thổi tuyết bay mù ảo trên đỉnh núi. Có thể nhìn thẳng vào mặt trời ở Nam Cực mà không cần e ngại. Bình minh ở đây thường rất lâu và có màu hồng neon rất lạ. Tuy nhiên, nếu đến Nam Cực để nhìn cái đẹp sẽ chỉ dừng lại là chuyến du lịch. 

Hành trình 2041 là nơi hội tụ của thanh niên thế giới, của những con người cùng chung mục đích, lý tưởng, và họ là những con người của hành động. Được định hướng đúng đắn bởi những người đi trước, như Robert Swan, đại sứ Thiện chí của Liên Hợp Quốc về thanh niên. Ông là người tận mắt chứng kiến nhiều vấn đề liên quan môi trường qua hai lần đi bộ đến hai cực của Trái đất.

Trước khi đến với Hành trình 2041, tôi chưa một lần liên lạc với Robert. Tôi chỉ đọc về ông trên internet. Tôi nghĩ ông là người có khả năng kỳ lạ vì thực hiện được chuyến đi bộ đến cực Trái đất vào những năm 1980. Nó không chỉ là vấn đề thể lực mà còn là sự kiên trì và khả năng lên kế hoạch, phối hợp với đồng đội.

Tôi cũng không kỳ vọng nhiều vào việc biết Robert qua hành trình này. Tôi đến Nam Cực với mong muốn hiểu thêm về tác động của biến đổi khí hậu, công tác bảo vệ môi trường, tăng cường tái chế và sử dụng năng lượng tái tạo. Nhưng kết thúc hành trình, tôi thấy thật may mắn vì được tiếp xúc và hiểu hơn về Robert.

Cô gái mang thông điệp giới trẻ Việt đến Nam Cực - 2

 Cờ Tổ quốc ở Nam Cực.

Robert ước mơ đi bộ đến cực Trái đất từ năm 11 tuổi khi xem một bộ phim tài liệu. Hơn 20 tuổi, lúc vừa tốt nghiệp đại học, ông tìm cách thực hiện ước mơ đó. Thế rồi, bằng khả năng thuyết phục của mình, ông đi nhờ được một chuyến tàu để  đi từ Anh đến New Zealand rồi Nam Cực. Sau đó, ông phải ở trong một chòi nhỏ suốt 9 tháng mùa đông khắc nghiệt để chờ hè đến. Ông mất thêm 69 ngày để vượt qua 1.499km, kéo theo cả đồ ăn và thức uống, nhiên liệu ở Nam Cực. 

Điều khá thú vị, ông không phải là vận động viên leo núi, cũng không phải là nhà thám hiểm. Chuyến đi khiến mắt ông chuyển từ màu xanh thành màu xám do tầng ozone bị thủng ở phía trên Nam Cực. Chuyến đi đã đưa ông gặp nhiều người bạn lớn, những người đã định hướng cho ông về nhiệm vụ và sứ mệnh của cuộc đời: cam kết đứng ra bảo vệ Nam Cực, giữ cho nó nguyên thủy như nó vốn có. 

Hy vọng của cả thế giới

Và với Hành trình 2041, Robert gần như dành cả đời để nâng cao nhận thức của mọi người về sử dụng năng lượng tái tạo và sự cần thiết của việc phải bảo vệ Nam Cực sau khi Hiệp ước Nam Cực hết hiệu lực vào năm 2041. Nghe có vẻ xa xôi nhưng Nam Cực có ảnh hưởng đến tất cả chúng ta qua hệ thống khí hậu toàn cầu phức tạp. Không chỉ vậy, Việt Nam là nước được dự báo là đứng thứ 2 trong danh sách các nước bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thị Thùy Vân ([Tên nguồn])
Thiếu nữ và cuộc sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN