Cô chủ quán bar (p.4)

Tôi cố giữ nhịp bước cùng An. Có một lúc, bất chợt. Cô gái cao bồi đang nắm lấy tay tôi.

Tóm tắt kỳ trước

Hai chàng trai và cô gái cao bồi bay ra đảo du lịch. Họ vui chơi, tận hưởng kỳ nghỉ. Tuy nhiên, ngay trước buổi đi thám hiểm rừng, cô gái được tìm thấy trong tình trạng sức khỏe suy giảm nghiêm trọng.

Tôi đến bệnh viện mỗi ngày, lúc 3h chiều, chiếm một góc của cái salon bọc vải giả da, đặt laptop lên đùi và làm nốt chỗ giấy tờ giao dịch với vị khác hàng Tây Á. Đối diện là một quyển lịch điện tử khổng lồ treo ngay trên tường. Ai đi ngang qua cũng ngước nhìn lên cái đồng hồ nhấp nháy ấy, người thì xem giờ hẹn để uống thuốc, người nóng lòng chờ xem còn bao nhiêu ngày nữa sẽ xuất viện, còn các nhân viên bệnh viện chỉ liếc qua để canh giờ cho các phần việc trong ca trực của mình. Ai cũng bận rộn. Ai cũng có vài việc để bận tâm hoặc một hy vọng nào đó để trông đợi. Chỉ mình tôi, có lẽ, thấy bên trong mình trống rỗng, như một cái tủ mà mở bất kỳ ngăn kéo nào ra cũng chỉ thấy tài sản của mình đã bị một kẻ vô hình tàn bạo thu dọn sạch trơn.

Tôi tắt máy tính, lảng tránh chạm mắt vào món vật dụng đo lường thời gian. Nhưng ngay cả khi không nhìn, tôi vẫn không thể không cảm thấy từng tích tắc đang thản nhiên trôi đi. Và như thế, nghĩa là thời gian của cô gái cao bồi đang thu ngắn lại. Ít dần. Ngày  một ít dần. Ý nghĩ cuối cùng dù lặp lại mỗi ngày mà vẫn không thể nào chịu nổi. Vẻ mặt tôi hẳn là ngu xuẩn hoặc nguy hiểm lắm nên những người ngồi gần đấy chẳng mấy chốc đã tản đi. Còn lại một mình càng tốt. Giờ thì tôi sẽ tự đặt đủ loại câu bằng mấy món ngôn ngữ tôi biết, với các từ khóa như yếu mệt, vô nghĩa, mặc kệ hay tuyệt vọng rồi lẩm bẩm vớ chính mình.

Nằm trên giường và yếu mệt như thế cô ấy nghĩ gì?

Tại sao mọi thứ diễn biến hoàn hảo lại quay ngoắt và trở nên vô nghĩa?

Tôi có nên mặc kệ xem như chưa từng có gì xảy ra không?

Làm thế nào để thoát khỏi cảm giác tuyệt vọng này?

Các câu hỏi đều có vẻ đơn giản nhưng tôi không sao trả lời được. Vậy nên, tôi cứ ngồi chờ, tự cho phép chìm vào cảm giác u ám, để rồi khi nữ y sĩ theo dõi riêng giường bệnh của An bước ra, gật đầu ra hiệu mọi việc tạm ổn và tôi có thể vào trong phòng ngồi với cô ấy, thì vẻ mặt tôi phải như một cửa hiệu bày kín những giỏ hoa tươi.

Trái ngược hẳn với tôi, ít nhất là biểu hiện bề ngoài, Minh đối diện với mọi việc diễn ra một cách bình thản. Cậu ấy không than vãn, không bật ra những câu càu nhàu hay để lộ sự xót xa. Cũng không có phút giây nào va vấp hay lo sợ. Cách thức mà cậu ấy giành quyền điều hành mọi việc, thực hiện các khâu sơ cứu, lo xe cộ, điều đình với hãng hàng không để có chỗ ngồi tốt nhất, đưa cô gái cao bồi từ đảo du lịch về thành phố, rồi từ sân bay vào thẳng bệnh viện tư mà cô ấy thường thăm khám là một tiến trình gần như được trù tính và tập dượt trước.

Cậu ấy biết rõ nên làm gì là tốt nhất, từng giây, từng phút một. Ngay cả việc đề nghị tôi thanh toán bằng thẻ các khoản phí mà bệnh viện đề nghị phải trả trước, có lẽ, cũng nằm trong dự đoán của Minh. Cậu ấy đã dặn tôi đủ thứ, từ cách dùng từ ngữ khi nói chuyện với cô ấy, cho đến việc cần dành dụm các khoản tiền. Chỉ có điều, tôi chỉ nắm bắt vài nghĩa bề mặt, không hề đoán ra hàm ý thực của chúng. Nhưng chúng tôi chẳng trách móc gì Minh về việc đã không nói với tôi ngay từ đầu sự thật tình trạng của cô gái cao bồi. Bệnh tật là một vấn đề riêng tư. Nếu An chia sẻ với tôi, thì chẳng có lý do gì để người thứ ba lên tiếng.

Cô chủ quán bar (p.4) - 1

Cả tôi và Minh đều nỗ lực hết mình để cứu vãn tình hình của An (Ảnh minh họa)

Một phân công không cụ thể nhưng ông bố của An, cậu bạn và tôi đều tuân thủ. Sáng, bố cô ấy sẽ vào viện với con gái. Còn buổi chiều là giờ trực của tôi. “Nếu bác sĩ nói cần thiết, buổi đêm tớ đến bệnh viện, ngủ cùng và trông chừng An cũng ổn. Ban ngày thì tớ bận rồi!”, Minh giải thích. “Cậu bận gì?”, tôi hỏi. “Tớ đang phụ việc một nghiên cứu của giáo sư bộ môn chuyên ngành tớ học. Không bỏ ngang được…”. Tôi gật, cũng không thiết hỏi gì thêm.

Một lần, buổi trưa, khi tôi vừa ra khỏi cổng văn phòng, Minh đứng chờ sẵn. Tôi bỗng sợ toát mồ hôi khi nghĩ có gì đó khủng khiếp mới vừa xảy ra. Nhưng cậu ấy chỉ rủ tôi cùng đi ăn trưa, ở một quán ăn gần thư viện mà cậu ấy hay đến đọc sách, nơi tụ tập rất đông sinh viên. Hai thằng ngồi đối diện nhau ở cái bàn vuông lớn hơn bàn cờ một chút. Vài đĩa thức ăn nhỏ dọn lên. Tôi và cậu ấy vừa ăn, vừa đợi đứa kia lên tiếng trước. Rốt cuộc không ai lên tiếng vì đều chẳng muốn đề cập đến đề tài buồn rầu. Nhưng khi bữa cơm đã xong, chỉ còn hai cốc trà đá, tôi chợt nghĩ, hai thằng đang ngồi với một xấp các quân bài. Sự thôi thúc với Minh và tôi là đặt tất cả các quân bài lên bàn, lật ngửa. Và chính Minh sẽ nói với tôi rằng: "Nào chúng tao có thể cùng nhau làm gì với các quân bài này?“. Cuối cùng, tên bạn thân đã lên tiếng, đúng như tôi chờ đợi. Nhưng cậu ấy chọn cách nói giản dị hơn:

-    Cậu còn bao nhiêu tiền trong tài khoản?

-    12 triệu đồng.

-    Tớ cũng có chừng đó. Hơi ít so với khoản tớ cần. Cậu cho tớ vay được chứ?

-    Được. Nhưng tớ cần biết cậu dùng nó để làm gì?

-    Đặt mua một loại biệt dược cho An. Người ta đang thử nghiệm, chưa bán rộng rãi trên thị trường. Sắp tới, giáo sư của tớ đi hội thảo quốc tế. Ông ấy có thể tìm hộ loại thuốc ấy, mang về.

-    Tại sao không để bố cô ấy lo vụ này?

-    Ông ấy không tin là mọi sự sẽ tốt lên. Trong suốt ba năm qua, kể từ khi An phát hiện bệnh, việc điều trị cho con gái đã ngốn của ông ấy một khoản không nhỏ. Năm ngoái, ông ấy đưa An qua Singapore hai tháng, mọi việc tưởng là tốt lên nhưng đột ngột xoay chiều, đi xuống rất nhanh. Nói chung, ông bố không còn nhiều tiền bạc nữa, mọi thứ trông đợi vào cái bar. Nhìn hào nhoáng vậy thôi nhưng tiền bạc kiếm được không bao nhiêu. Nhà ông ấy đang ở bây giờ, vợ sau ông ấy đứng tên. Bà ấy tốt nhưng không phải là người sẵn lòng mất sạch tất cả chỉ để kéo dài cuộc sống thêm vài tháng cho một người không hẳn ruột thịt.

Sau câu nói khá dài, Minh nhìn lơ đãng một điểm nào đó phía sau tôi. Nét mặt hờ hững đối diện như nói rằng, cậu ấy chẳng còn nhiều cảm xúc với những điều mình nói. Không cố gắng bấu víu vào một viễn cảnh sáng tươi nào cả. Chỉ là bày ra trên mặt bàn những việc phải làm. Đôi vai cậu ấy so lên, những ngón tay mập mạp nặng nề nhấc cốc trà đá lên, rồi lại đặt xuống. Hít một hơi dài, tôi hỏi thẳng:

-    Cậu có chắc là nếu có loại thuốc như cậu vừa nói, cô ấy sẽ qua khỏi không?

-    Không.

Tôi nín lặng. Chừng như nhận ra lời đáp khá phũ phàng, cậu bạn giải thích thêm:

-    Tớ đã nói rồi đấy, nó vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Nhưng tớ đã đọc báo cáo khoa học về công trình nghiên cứu này. Tớ cũng nói chuyện với giáo sư dạy tớ về việc tìm loại biệt dược này và mang về đây. Ông ấy đã đồng ý vì ông ấy cũng muốn giúp An.

-    Cậu đưa cô ấy đến gặp giáo sư?

-    Ngược lại. Giáo sư đưa tớ đến gặp cô ấy.

Tôi tròn mắt. Minh nói đều đều:

-    Có gì mà cậu sửng sốt vậy. Còn lý do nào khác để tớ có thể quen biết một cô gái đặc biệt như thế. An là bệnh nhân của giáo sư. Tớ được thầy chọn làm phụ việc ở phòng thí nghiệm nên có mấy lần nhìn thấy cô ấy. Giáo sư đôi khi đãng trí nên có giao bản sao hồ sơ bệnh án của An cho tớ để bất kỳ lúc nào ông ấy cần mà không thấy, tớ sẽ mang đến. Cứ thế, tớ bắt chuyện và quen với cô ấy.

-    Mối quan hệ thuần túy công việc? – Tôi biết câu hỏi của mình hơi tệ, nhưng không thể không hỏi.

-    Tớ nghĩ là vậy! – Cậu bạn nhún vai – Đó là nguyên tắc căn bản giữa bệnh nhân và người làm công tác theo dõi, điều trị.

Tôi nhìn cậu bạn thân. Cậu ấy nhìn tôi, không cười. Bỗng tôi hiểu, nhiều năm sau này, tôi sẽ gặp lại hình ảnh trước mắt. Có thể trong bối cảnh khác nhưng vẫn là một người nguyên tắc, nghiêm nghị và thực sự khó lay chuyển. Vẫn nhìn thẳng vào mắt tôi, Minh hỏi:

   Cậu có muốn biết thời gian còn lại tối đa của An, theo tiên lượng, là bao nhiêu không?

Tôi toan nói không. Nhưng rồi tôi đã gật đầu. Cậu bạn thân lại đặt điểm nhìn phía sau vai tôi, mà lúc này tôi đã biết là ô cửa ánh nắng chói rực:

-    Hai tháng.

Không nói gì thêm, chúng tôi thanh toán tiền bữa trưa, đi ra ngoài tìm trạm rút tiền. Khi tôi đưa hết số tiền rút được cho Minh, cậu ấy bỗng hỏi: “Cậu có đến gặp giáo sư cùng tớ không?”. Tôi nghĩ vài giây, rồi lắc đầu. Còn lại một mình ở ngã tư, tôi đứng nhìn Minh băng qua đường, sang bãi gửi xe. Còn tôi đi bộ, trở về với công việc ở văn phòng.

Nhưng không phải lúc nào mọi việc cũng quá u ám. Có những ngày giống như có một phép màu, cô gái cao bồi bỗng trở nên tươi tắn. An đề nghị tôi tìm cách cho cô ra ngoài cổng bệnh viện một lúc, điều mà nội quy bệnh viện này vẫn cấm tiệt. Tôi đưa cho cô ấy chiếc áo khoác tôi đang mặc và chẳng gặp khó khăn gì khi đi qua cổng. Trong cái áo da cũ, đội một chiếc mũ của cầu thủ bóng chày, trông cô ấy lại trở thành hình ảnh của giấc mơ, sống động, cá tính và không bao giờ có thể đoán trước. Cứ đi bộ trên vỉa hè, rẽ phải, sẽ đến một nhà sách. Tôi cố giữ nhịp bước cùng An, không quá nhanh để cô ấy mệt, cũng không quá chậm kẻo cô ấy lại nghĩ về tình trạng của mình. Có một lúc, bất chợt. Cô gái cao bồi đang nắm lấy tay tôi.

(Còn tiếp)

Cô chủ quán bar (P.1)

Cô chủ quán bar (P.2)

Cô chủ quán bar (P.3)

Liệu với những cố gắng của Minh và "tôi", cô gái cao bồi có còn cơ hội kéo dài sự sống? Và tại sao chỉ là quan hệ công việc với nhau nhưng Minh lại tận tụy với An như vậy? Phải chăng anh cũng dành tình cảm cho An... nhưng lại không dám nói ra suy nghĩ của mình cho cô ấy biết? Mời các bạn hãy đón đọc phần tiếp theo của truyện dài kỳ "Cô chủ quán bar" vào 11h00 ngày 28/3/2013

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lâm Hân (Sinh viên Việt Nam)
Tình yêu giới trẻ hiện nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN