Cay đắng nhắm mắt sống cảnh chồng chung

"Nhiều đêm, gã say rượu về nhà đập phá đồ đạc, cứ đầu vợ hắn đấm, đá dứt bong cả một chòm tóc của vợ chỉ vì tội không biết đẻ", chị rùng mình khi kể lại.

Với mỗi người phụ nữ, việc “chồng chung đâu dễ ai nhường cho ai” là lẽ thường tình. Nhưng với bà Nguyễn Thị Thoa (SN 1965) ở xã Hoa Thám, Huyện Bình Gia, Lạng Sơn thì ngược lại: Bà nhắm mắt chấp nhận sống cảnh chồng chung hàng chục năm nay chỉ vì muốn có một chỗ nương thân cho mình cùng các con.

Khốn khổ vì không đẻ được con trai

Đã mười mấy năm nay, bà Thoa phải sống chung với cảnh hắt hủi và những trận mưa đòn “thừa sống thiếu chết” triền miên như cơm bữa của người chồng. Tất cả chỉ có vì một lí do duy nhất đó là bà không đẻ được con trai.

Cúi mặt, lau vội giọt nước mắt đang lăn dài trên gò má đen sạm vì mưa nắng, bà ngượng ngùng: “Nói ra xấu hổ lắm cháu ạ. Đời cô, cô đã chấp nhận tất cả chỉ mong cho con cái có đầy đủ cha mẹ, có chỗ bấu víu thôi. Nếu chỉ có một mình thì cô đã quyên sinh từ lâu rồi…”. Nói chưa dứt câu, đôi tay gầy guộc của bà vội ôm lấy khuôn mặt đau khổ nhằm che giấu nỗi đau đang trực trào ra.

Cay đắng nhắm mắt sống cảnh chồng chung - 1

Căn nhà lạnh lẽo, nơi mà bà thường chịu đựng những trận đòn đau đớn. Ảnh: Cù Hiền

Là một người phụ nữ đẹp nhưng cuộc sống hôn nhân của bà đúng như người xưa nói: “Hồng nhan bạc phận”. Vốn đã trải qua “qua một lần đò” vì cuộc hôn nhân thứ nhất gặp nhiều trắc trở. Bà chấp nhận rổ giá cạp lại với một người đàn ông cũng đã có gia đình và đã ly hôn.

Lúc ấy, chồng bà đang sống với một đứa con gái nhỏ. Bà Thoa nghĩ: “Dù sao cũng cùng cảnh ngộ, nên cả hai dễ thông cảm chia sẻ với nhau khi về sống chung dưới một mái nhà”.

Họ đến với nhau từ hai bàn tay trắng, nên thời gian đầu, cuộc sống rất khó khăn. Dù thế, hai vợ chồng vẫn yêu thương nhau và chăm chỉ làm ăn nên gia đình ngày càng khấm khá. Cuộc sống yên ấm trôi đi, ba đứa con lần lượt chào đời, nhưng hiềm một nỗi, cả ba đều là con gái.

Chồng bà lại là con trưởng nên nhất định phải có đứa con trai để nối dõi tông đường. Tấn bi kịch ập đến cuộc đời bà bắt đầu từ đây.

Sau khi 3 đứa con gái chào đời, vì tội “không biết đẻ” nên bà bị chồng mình quay ra hắt hủi, đánh đập. Hàng ngày, đi làm vất vả để nuôi con, tối về, không hôm nào chồng cũng chẳng để bà yên. Nhìn thấy vợ con là ông mắng, ông đánh.

Kể từ ngày đó, chồng bà lao vào rượu chè, bê tha không chịu làm lụng gì. Có hôm, cả nhà đang ăn cơm, vì bực tức, ông bê thẳng nồi cơm đầy đập vào đầu vợ khiến máu bà chảy lênh láng…

Rồi cũng có đêm, khi mấy mẹ con bà đang ngủ thì ông trở về nhà trong cơn say rượu. Chồng bà bắt đầu chửi bới, túm tóc vợ đánh tới tấp khiến bà bị bong cả mảng tóc trên đầu: “Như vậy cũng chưa yên cháu ạ, ông ấy còn đuổi mấy mẹ con ra khỏi nhà, rồi khóa chặt cửa ngủ bên trong. Trong khi giữa trời mùa đông lạnh lẽo… Nghĩ mà nhục nhã lắm cháu ơi…”.

Những tưởng, cứ chịu đựng rồi một ngày chồng và sẽ hiểu mà quay về bên vợ con... Nhưng càng về sau, ông càng quá đáng không chỉ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ mà, hắn còn ngang nhiên cặp bồ trước mắt bà.

Lấy cớ “kiếm cho bằng được thằng con trai”, chồng bà bắt đầu đi lăng nhăng bên ngoài. Mọi chuyện được giấu kín cho đến khi cô bồ của chồng sinh được một cậu con trai như ý muốn.

Bà Thoa nghẹn ngào: “Tôi chẳng còn sự lựa chọn nào khác, tôi đã hai đời chồng, giờ lại ly hôn thì người ta nghĩ thế nào về tôi. Với lại 3 đứa con tôi biết đi về đâu khi gia đình tan nát. Vì thế tôi chỉ còn nước cố sống mà hứng chịu thôi”.

Cay đắng nhắm mắt sống cảnh chồng chung

Sau khi sinh được cậu con trai, cô bồ được chồng vũ phu của bà Thoa đón về ngang nhiên sống gần nơi mấy mẹ con bà đang sống. Chồng bà ra sức chăm sóc, cưng nựng bồ và con trai, bỏ mặc mẹ con bà Thoa tự xoay xỏa mọi chuyện.

Mảnh ruộng của hai vợ chồng được nhà nước đền bù dự án với số tiền lớn, chồng bà cũng ôm tất cả số tiền đó cùng với khoản tiền tiết kiệm bấy lâu nay hai vợ chồng tích cóp mang đến cho mẹ con cô bồ mới.

Không những bị chồng đối xử không ra gì, bà Thoa phải tần tảo làm thuê làm mướn đủ mọi việc từ phun thuốc trừ sâu, gặt thuê hay đi bốc vác… để có tiền chăm 4 đứa con gái nhỏ. Dù thế, số tiền kiếm được cũng chẳng đủ nuôi chúng. Mấy mẹ con vẫn phải có bữa được ăn cơm, bữa thì chỉ có cháo.

Sau những ngày làm việc mệt mỏi, cơ thể rã rời, về nhà ông cũng không để mẹ con bà yên ổn. Thỉnh thoảng ông ta lại về nhà hành hạ, đánh đập và đuổi mấy mẹ con bà đi bằng được nhằm độc chiếm căn nhà.

Cay đắng nhắm mắt sống cảnh chồng chung - 2

  Nỗi đau cuộn dần cuộn dần và nghẹn đắng trong từng lời kể của bà Thoa.

Có những hôm, bà vừa đặt lưng xuống chiếc giường cũ nát thì chồng từ đâu hung hãn đi về. Trong cơn say, cứ đầu bà, ông ta đấm túi bụi, miệng liên tục văng tục chửi bới: “Lúc này, tôi cũng chẳng còn sức mà chống cự. Thôi thì, tôi chỉ còn biết phó mặc số phận. Nếu có chết cũng đành chịu chứ biết làm sao được”, bà buồn rầu khi nghĩ lại.

Càng ngày, bà Thoa càng như cái gai trong mắt chồng. Người ta thường thấy bà bị chồng đánh thâm tím mặt mày. Vì xấu hổ, ra đường bà Thoa phải bịt khăn đội nón xùm xụp để che đi những vết thương từ gã chồng vũ phu để lại trên cơ thể mình.

Gã chồng gia trưởng nghĩ ra vô vàn trò để hành hạ mẹ con bà Thoa. Có những lần ông ta đánh mấy mẹ con bà tối tăm mặt mũi rồi đập phá hết ti vi và đồ đạc trong nhà. Tồi tệ hơn ông ta tìm đến tận chỗ làm của bà để hành hạ, gây rối, nhằm làm cho bà nhục nhã phải bỏ xứ mà đi. Chiếc xe đạp là phương tiện để đi lại làm thuê của bà cũng bị ông ta đập tan nhiều lần. Hàng ngày bà và con gái phải dậy từ sớm đi bộ gần chục cây số đến chỗ làm.

Có những lần ông ta đánh bà ngất đi, rồi băm hết quần áo khiến bà phải lấy tay che ngực chạy sang hàng xóm trốn nhờ. Ngày đó, hàng tháng trời bà phải xin hàng xóm quần áo thừa để mặc vì không có tiền may vá.

Trước cách đối xử tệ bạc của ông, người dân sống xung quanh vô cùng bất bình. Nhiều lần, họ đã khuyên can nhưng ông ta còn chửi bới thách thức cả những ai dám can thiệp vào chuyện gia đình lão.

Chính quyền cũng nhiều lần vào cuộc xử lý hành chính nhưng rồi đâu lại vào đó. Ông ta khóa cửa toàn bộ căn nhà, ngắt hết nguồn điện, chỉ cho mấy mẹ con bà ở căn nhà bếp. Hàng xóm thấy ngang tai trái mắt, sang can thiệp thì ông ta mới mở cửa một căn buồng cho mẹ con bà ở…

Vì mong muốn đón cháu trai về nối dõi tông đường, bố chồng của bà Thoa còn vào hùa với con trai đánh chửi con dâu. Nhưng bà Thoa chấp nhận tất cả, bà tâm sự: “Bị chồng hành hạ đã là một điều bất hạnh. Nhưng sống mà phải nhắm mắt để nhìn chồng ngang nhiên đi lang chạ với người khác, chịu cảnh “chồng chung” còn đau đớn hơn gấp nhiều lần cháu ạ”.

Bi kịch của sự nhẫn nhịn

Bà Thoa một mình nuôi bốn đứa con gái trong đó có cả con riêng của chồng. Khi chúng lớn, bà lần lượt gả chồng cho từng đứa. Nhưng dường như sự âm thầm chịu đựng đó chẳng thể làm lay động lương tri của gã chồng đê tiện kia. Chồng bà vẫn tuyên bố sẽ chẳng để bà sống được yên nếu bà không đi khỏi căn nhà đó.

Bà Thoa chẳng biết làm cách nào để thoát khỏi bi kịch: “Tôi chẳng biết làm gì hơn ngoài việc nhẫn nhịn, mặc cho ông ta hành hạ thế nào thì hành hạ. Bây giờ, tôi còn biết đi đâu, chỉ mong có một chỗ ở đến cuối đời thôi”.

Sự chấp nhận của bà giống như một con giun thu mình không dám phản kháng. Mười mấy năm nay bà luôn phải sống trong sự lo lắng, sợ hãi, tủi nhục vì một chỗ nương thân cho mình và cho các con. Hiện tại bà Thoa cũng chẳng thế biết được số phận mình sẽ ra sao trong quãng đời còn lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cù Hiền ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN