Anh chàng “sách hóa nông thôn“

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Anh dành hết tâm huyết và “điên” hết mình để đưa sách đến với hơn 10 triệu học sinh nông thôn.

Đúng mùng 1 tết, thay vì sum vầy với gia đình thì Nguyễn Quang Thạch lại quảy ba lô lên đường thực hiện chuyến đi xuyên Việt thúc đẩy chương trình “Sách hóa nông thôn Việt Nam”. Anh dành hết tâm huyết và “điên” hết mình để đưa sách đến với hơn 10 triệu học sinh nông thôn.

Trước tết Ất Mùi 2015, gặp mặt một số bạn bè làm sách, làm báo, làm văn nghệ, Thạch sôi nổi về kế hoạch tiếp tục xuyên Việt. Đây là lần thứ hai từ sau lần thứ nhất khởi hành vào tết Nguyên đán năm Canh Dần. Chuyến đi bằng xe máy lần đó, anh đã giới thiệu được một số mô hình tủ sách đến nhiều địa chỉ trên đường.

Lần này thì anh quyết định đi bộ. Mọi người lo lắng nhưng anh quả quyết mình đủ sức khỏe. Khởi hành một mình từ Hà Nội, đi bộ theo quốc lộ 1A, khi số báo này phát hành thì Thạch đã đi tới Quảng Xương, Thanh Hóa. Trên hành trình, một bạn trẻ mới biết việc làm khác người của Thạch đã xin đi cùng.

Anh chàng “sách hóa nông thôn“ - 1

Trên hành trình Bắc-Nam, Nguyễn Quang Thạch (thứ ba từ phải qua) luôn được các bạn trẻ ở các địa phương anh đi qua ủng hộ hết mình.

“Bỏ vàng lấy sách”

Tôi nhớ hồi đến ngôi nhà thuê bé nhỏ của anh Thạch sau khu Ao Sen - Hà Đông - Hà Nội. Căn phòng chật thế mà còn chất đầy sách. Vừa mê mải chia từng chồng sách ra các “phần” nhỏ, Thạch vừa hào hứng “kể lể”, đây là bộ sách do NXB này vừa tặng, những cuốn này do anh kia ở NXB ấy mới gửi cho, tập truyện kia là từ nhà văn, nhà thơ nào, hay do những người “phó thường dân” nào đó… Tất cả sẽ được phân loại, chuyển đến những tủ sách dòng họ mà anh đang xây dựng, mang đến nhiều ngôi nhà thờ họ ở khắp các địa phương.

Từ chuyện ấy, Thạch lại “lan man” rất nhiều sang những ủng hộ, khích lệ của nhiều người hữu danh và ẩn danh khi biết anh sáng lập mô hình tủ sách dòng họ vào năm 2007, khi hằng năm sau đó, anh lăn lóc với việc mua sách, xin sách, đóng tủ, chuyên chở đến tặng từng nơi.

Anh kể về niềm sung sướng lúc người ta đón nhận những tủ sách của anh thế nào. Và nơi này nơi khác, ở Quảng Trị, ở Hà Tĩnh quê anh, ở Hải Dương, Thái Bình…, đã có những dòng họ tự lập tủ sách cho mình, có những người gọi điện thoại hỏi anh cách làm, những cách mà theo anh thật đơn giản, chỉ cần nghĩ một chút, dành một khoản tiền khiêm tốn và chút thời gian ngắn, thế là người trong họ mình, người của một dòng họ nào đó, nhất là trẻ em sẽ có sách đọc, sẽ có bao điều để nghĩ, để mở vào tương lai…

Thế nhưng để “bám đuổi” được theo hành trình nhân rộng mô hình tủ sách dòng họ ấy cho nhiều người và sau đó là các mô hình tủ sách khác, cá nhân Nguyễn Quang Thạch đã và sẽ còn hy sinh nhiều cơ hội.

Tốt nghiệp ĐH Vinh với vốn tiếng Anh vững vàng, Thạch làm việc cho một dự án giao thông với khoản tiền lương rất khá với người trẻ vừa khởi nghiệp. Nhưng rồi anh xin nghỉ để đi theo… sách!

Trong khi theo cách nghĩ thông thường thì khéo sắp xếp một chút vẫn có thể có cả hai. Thời gian sau anh cũng “bỏ một, chọn một” khi đang làm cho một dự án nước ngoài.

Thạch chia sẻ về lựa chọn này với rất nhiều nhà báo, những người mà qua “kênh” của họ, anh mong công chúng và các nhà quản lý biết đến, quan tâm và ít nhiều có thể góp sức cùng anh.

Rằng anh đang dành tâm sức vào xây dựng Trung tâm Hỗ trợ tri thức và Phát triển cộng đồng trực thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam để thực hiện chương trình sách hóa nông thôn, gồm tủ sách dòng họ và những mô hình khác mà anh đã dành nhiều năm suy ngẫm, phác thảo. Nếu tiếp tục làm cho dự án nước ngoài, lương của anh tính theo tiền đô. Nếu nghỉ, tiền lương “tự trả” hằng tháng sẽ chỉ để chi dùng tối thiểu.

Đi bền bỉ trên “con đường sách”

Chính anh cũng tự thấy với mình, sách như một liều thuốc làm giảm đi bao nhiêu áp lực trong một cuộc sống mà nhiều khi có thể nổ tung lên được. Vậy mà ở quê vẫn có những người thắc mắc: Người ta chui vào ti vi để nói thế nào? Cá mà cũng rán được à?...

Vào một nhà nông thôn nào đó, thấy sách ở đây duy nhất chỉ có vài cuốn sách giáo khoa của đứa con. Rồi nghĩ đến những công trình khoa học lớn của quốc tế, những gương mặt nhà khoa học, văn nghệ sĩ nổi tiếng thế giới trong thời hiện tại…, ít thấy người Việt Nam ta góp mặt quá! Thế mà không thấy băn khoăn được chăng? Nhiều năm nghĩ ngợi, năm 2007 đến nay, tám năm là khoảng thời gian anh căng mình ra với các mô hình tủ sách.

Mỗi lần gặp anh, có lúc ở ngôi nhà thuê đã chuyển sang khu tập thể bên cạnh Trường ĐH Kiến trúc - Hà Đông, hoặc căn hộ ọp ẹp trong khu ba tầng cũ kỹ ở Hà Đông, nay thì ở một căn phòng gần Hồ Tây, lúc tại một ngày thơ, ngày hội đọc sách, khi đến một cuộc ra sách, giao lưu tác giả - người đọc, lần khác ở một tòa soạn nào đó hay vài cuộc liên hoan bạn bè…, “món ăn” quen thuộc Nguyễn Quang Thạch chia sẻ với chúng tôi là… sách!

Quả tình không giống lắm với những việc mà bạn bè hay nói với nhau, lương lậu, thu nhập, công ăn việc làm thuận lợi hay khó khăn, chuyện vợ chồng con cái, chuyện mua sắm, cửa nhà, quan hệ họ hàng, xã hội và cả những chuyện vĩ mô của thế giới, việc đại sự của quốc gia…, gần như duy nhất trong nội dung mà anh Thạch nói là sách.

Với Thạch, muốn phát triển nhân tâm, trí lực, tri thức con người một cách bền vững phải nhờ sách. Phải làm sao để nâng cao trí tuệ con người Việt Nam bằng sách. Trẻ con có sách hay, sách bổ ích thực sự để đọc, để học hôm nay thì mai kia chúng ta mới có các nhà sáng chế, nhà du hành, nhà nghiên cứu sánh với thế giới.

Cho nên Thạch chọn việc đi bền bỉ trên “con đường sách” bằng sức lực của mình. Anh nói luôn đón chờ những nguồn giúp đỡ về sách, về kinh phí để mua sách từ các tổ chức, cơ quan, cá nhân nhưng không muốn dựa vào các tổ chức hay dự án nước ngoài. Bởi việc tự lực tự cường chỉ có người Việt Nam mới giúp cho nhau được thôi.

Người nghe “nhiễm lây” cả sự hào hứng của Thạch

Lần nào cũng vậy, chia sẻ với bạn bè hay báo chí, những thông tin mới về “đại sự sách” của Thạch thường khiến người nghe cũng “nhiễm lây” cả sự hào hứng của anh. Nên cộng đồng hoặc nhiều, hoặc ít, đồng hành với công việc của anh gọi vui là “Thạch khùng”, là Đông ki sốt, là hiệp sĩ. Còn nhiều cái tên khác gắn với công việc mà nhắc đến là người ta luôn nhớ: Thạch sách, Thạch sách nông thôn, Thạch tủ sách dòng họ…

Vợ chồng nhà văn Nguyễn Quang Thân - Dạ Ngân, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, GS Phan Huy Lê, GS Phong Lê, nhà sử học Dương Trung Quốc cùng nhiều nhà văn, nhà khoa học khác tặng anh nhiều sách văn chương, nghiên cứu để anh chia vào các tủ sách. Anh Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa giáo dục Long Minh, hỗ trợ Thạch nhiều bộ sách và qua kết nối của anh, về tận Thái Bình tập huấn cho các thầy cô giáo về xây dựng mô hình sáng tạo ở lớp học.

Nhạc sĩ Nhị Độ Dương Trọng Nghĩa mới có bài hát Thế giới của sách để hưởng ứng Nguyễn Quang Thạch. Vụ thư viện của Bộ VH-TT&DL, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, NXB Kim Đồng cùng nhiều NXB, cá nhân khác giúp đỡ, phối hợp nhiệt tình với anh trong các chương trình, các chuyến đi. Bao nhiêu thư từ, bao nhiêu cuộc điện thoại chia sẻ, hỏi kinh nghiệm, cách làm càng khiến anh “sôi sục” hơn.

Nhưng anh cũng gầy đi nhiều trong mấy năm qua dù anh chưa bao giờ… béo cả! Hai bên má đã hóp hơn, râu ria… xiên xẹo, một bên mắt đã nhìn rất kém… Vậy mà không lúc nào anh không “cháy”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Quang Hưng (Người lao động)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN