9X lập kỳ tích ba lần đỗ thủ khoa

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Thủ khoa cách đây 4 năm, Nguyễn Đức Tâm An vừa tốt nghiệp ĐH với điểm số cao nhất trường. Cô cũng từng đỗ đầu vào ngôi trường danh giá THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Đỗ đầu vào khối D1 ĐH Sư phạm Hà Nội với 24 điểm, Nguyễn Đức Tâm An tiếp tục duy trì niềm đam mê học tập và một lần nữa trở thành thủ khoa với tấm bằng xuất sắc (9,06/10). Cô nữ sinh khoa Văn này cũng là một trong 132 gương mặt thủ khoa xuất sắc được Thành đoàn Hà Nội lựa chọn để trao tặng bằng khen.

Chưa vào lớp 1 đã đọc thông viết thạo

Học giỏi nổi tiếng và luôn là niềm tự hào của bố mẹ, nhưng ít ai biết rằng, ngày từ khi chưa vào lớp 1, Nguyễn Đức Tâm An đã say sưa với những bộ sách dành cho thiếu nhi và viết chữ thành thạo.

Chia sẻ ký ức về tuổi thơ, Tâm An cho biết: “Mẹ là giáo viên tiểu học, nên mỗi khi dạy học sinh tại nhà mình thường xuyên nghe lén. Từ đó, những con chữ dường như ngấm vào mình lúc nào không hay".

9X lập kỳ tích ba lần đỗ thủ khoa - 1

Thủ khoa Nguyễn Đức Tâm An (bên trái).

Tình yêu học tập tiếp tục được Tâm An duy trì và giúp cô đạt được nhiều thành tích xuất sắc. Đặc biệt là ba lẫn được vinh danh đỗ đầu.

15 tuổi, Tâm An trở thành thủ khoa của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. 18 tuổi, cô đỗ đầu khối D1, ĐH Sư phạm Hà nội. Bốn năm sau, thủ khoa ngày nào tiếp tục tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc (9,06/10).

Nhưng trong sự nghiệp học tập của mình, Tâm An luôn có lựa chọn khiến nhiều người phải bất ngờ.

Nữ thủ khoa chia sẻ: “Dù đỗ đầu trường THPT Hà Nội - Amsterdam - niềm mơ ước của rất nhiều học sinh - nhưng mình lại chọn học chuyên Văn của ĐH Sư phạm Hà Nội”. Nhớ lại quyết định năm đó, Tâm An cho rằng “mình chọn chỗ nào còn kém để khẳng định bản thân hơn nữa”.

Sau ba năm học phổ thông, hầu hết bạn bè cùng lớp đều đăng ký Ngoại thương, Kinh tế, chỉ riêng nữ sinh này tiếp tục theo đuổi nghiệp văn chương khi thi vào khoa Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội. Lựa chọn này của Tâm An khiến thầy giáo dạy văn ngỡ ngàng và phải gọi điện cho bố mẹ em để hỏi lý do vì sao.

9X lập kỳ tích ba lần đỗ thủ khoa - 2

 Ảnh chụp Tâm An (thứ ba từ phải sang) năm lớp 2. Đây cũng là lứa tuổi Tâm An bắt đầu làm thơ và đạt giải nhất môn Văn toàn trường tiểu học Thăng Long.

Tốt nghiệp thủ khoa đầu ra một đại học lớn với nhiều cơ hội rộng mở, nhưng Tâm An lại chọn THCS Ngô Sĩ Liên - ngôi trường đã từng gắn bó với em suốt 4 năm cấp hai - để dạy học.

Tự nhận mình là người "tuyệt chủng" bởi những quyết định không giống ai, nhưng Tâm An luôn cho rằng con đường đã chọn là chính xác và quan trọng hơn là được làm những gì mình yêu thích.

Từ trước đến nay, nếu mình cố gắng hết sức thì đều được đáp trả kết quả xứng đáng. Vì vậy, dù nghe nhiều thông tin cử nhân sư phạm ra trường thất nghiệp, nhưng mình không cảm thấy lo lắng mà luôn phấn đấu đi lên bằng chính năng lực của bản thân”, nữ thủ khoa tâm sự.

Sợ nhất học sinh không yêu môn học

"Trong bài giảng đầu tiên, khi đến đoạn Lạc long quân - Âu cơ chia con, mình đặt câu hỏi đây có phải là cuộc ly dị đầu tiên trong lịch sử của Việt Nam không khiến học sinh rất hào hứng. Một em còn cho rằng đây là ly thân chứ không phải ly dị.

Khi em hỏi nguyên nhân của cuộc ly thân này là gì, nhiều em phát hiện ra đó là sự khác biệt giữa nguồn gốc, dẫn đến sự khác biệt giữa tập quán, lối sống nên không thể hòa hợp.

Sự hào hứng, câu trả lời thông minh của các học sinh khiến mình rất hạnh phúc . Điều đó còn giúp mình có niềm tin khi dạy học", cô giáo trẻ Nguyễn Đức Tâm An chia sẻ.

Chính thức trở thành giáo viên của trường THCS Ngô Sĩ Liên từ ngày 1/8, nhưng em mới chỉ đứng lớp một buổi. Gặp cô giáo trẻ sau giờ giảng đầu tiên, Tâm An hào hứng chia sẻ: "Học sinh tỏ rất tò mò khi biết mình là thủ khoa. Thấy mình còn trẻ nên các em rất thích, nhiều bạn giờ ra chơi còn chạy ra ôm lấy cô".

Từng làm thêm công việc gia sư khi là sinh viên năm thứ 2, Tâm An ấn tượng nhất với một cô bé học trò mà mình đã gắn bó suốt hơn 3 năm qua.

Cô cho biết: "Do là học sinh trường quốc tế và muốn đi du học nên mình vừa giảng văn bằng tiếng Việt, vừa hướng dẫn em làm bài bằng tiếng Anh".

Điều khiến Tâm An bất ngờ về học trò đó là khi biết cô giáo có chuyện buồn cô bé này lại tỏ ra rất chín chắn, biết chia sẻ, động viên. Đến nay, hai người đã trở thành bạn bè, thậm chí thân thiết như chị em, mọi buồn vui trong cuộc sống đều có thể chia sẻ cùng nhau.

"Có lẽ chính môn Văn đã khiến cho em ấy đằm hơn, hiều đời và có chiều sâu hơn. Đó cũng là điều mình mong muốn sẽ giúp các học sinh của mình sau này. Bởi dạy Văn cần sự chia sẻ kiến thức chứ không phải rao giảng, giáo điều", cô giáo trẻ tâm sự.

9X lập kỳ tích ba lần đỗ thủ khoa - 3

Ngày từ khi còn là sinh viên, Nguyễn Đức Tâm An đã giành được nhiền giải thưởng nghiên cứu khoa học. Sau khi vững vàng trong nghề giáo, nữ thủ khoa sẽ tiếp tục học thạc sĩ.

Điều Tâm An sợ nhất đó là học sinh không yêu môn học và chưa đáp ứng được những yêu cầu của các em . Vì vậy, cô cho rằng nếu giáo viên chỉ nói những điều các em đã đọc trong cuốn sách học tốt môn Văn thì chắc chắn khọc sinh sẽ không nghe.

Tâm An mong muốn mình sẽ mang lại những giờ giảng hấp dẫn và tìm ra những phương pháp mới để tạo nên sự hứng thú cho học sinh.

Cô đánh giá: "Điều hay nhất của môn Văn hiện nay đó là chú trọng phần đọc hiểu. Điều đó giúp học sinh hình thành kỹ năng bám sát và thanh lọc thông tin. Các em cần đọc báo, tham gia các trang mạng xã hội tỉnh táo. Đây cũng là điều nhiều phụ huynh mong muốn con em mình làm được".

Với quan niệm dạy học khuyến khích học sinh viết bài không theo văn mẫu nên Tâm An "muốn đọc những bài văn thật, nguyên bản, thể hiện cá tính của học sinh" và giáo viên chỉ là người chỉ dẫn, uốn nắn câu chữ cho các em.

Để kích thích sự sáng tạo của học sinh, cô giáo này đã có sẵn trong đầu nhiều đề văn độc đáo và hy vọng những gì mình ấp ủ, tâm đắc sẽ được các em đón nhận và đem lại hiệu quả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo An Hoàng (ZING.vn)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN