Trò chuyện với bác sĩ Mỹ đưa kỹ thuật cấp cứu hàng đầu vào VN

Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Y tế đã trao kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho GS Joseph Rohan Lex – một bác sĩ nặng tình với ngành cấp cứu Việt Nam. Infonet đã có cuộc trò chuyện với GS về những đóng góp của ông ở mảnh đất này.

Trò chuyện với bác sĩ Mỹ đưa kỹ thuật cấp cứu hàng đầu vào VN - 1

Giáo sư Joseph Rohan Lex

Cuộc trò chuyện với Giáo sư Joseph Rohan Lex với sự giúp đỡ phiên dịch của TS. BS Nguyễn Hữu Tú – Bệnh viện Bạch Mai.

Xin giáo sư cho biết cảm tưởng của ông về phần thưởng của ngành y tế Việt Nam dành cho mình? Vì sao ông lại chọn Việt Nam là nơi gửi gắm các kỹ thuật cấp cứu hàng đầu của Mỹ?

GS Joseph Rohan Lex: Tôi thật sự bất ngờ và cảm thấy tuyệt vời. Tôi đã xác định quay trở lại giúp đỡ cho Việt Nam mình trong những năm tiếp theo. 

Tôi đã từng ở Việt Nam trong suốt thời gian chiến tranh. Trong thời gian đó, tôi cảm thấy yêu đất nước và con người Việt Nam. Chính vì lý do đó mà tôi muốn quay trở lại Việt Nam, giúp cho Việt Nam.

Ở Mỹ, tôi có nhiều sinh viên là con cái thế hệ thứ 2 của những người Việt đã định cư sang Mỹ sau năm 1975. Vì hàng ngày tiếp xúc với họ mà tôi đã nhớ về Việt Nam và quyết định quay trở lại đất nước này.

Ý tưởng này bắt đầu từ năm 2008, ở bắc Buffalo (New York), tôi đã gặp một bác sĩ – người có ý tưởng sẽ thực hiện các công việc thiện nguyện cho Việt Nam. 

Ở thời điểm đó, tôi đã có chương trình về cấp cứu chạy ở rất nhiều nơi: Italia, Tây Ban Nha, Nam Phi và ở các nước khác. Lần đầu tiên đoàn cấp cứu của tôi dẫn đầu sang Việt Nam và dẫn theo 40 – 50 chuyên gia không những ở Mỹ mà từ các nước khác đến để bắt đầu công việc thiện nguyện trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu cho Việt Nam.

Các chuyên gia được tôi đưa sang Việt Nam, ai cũng muốn quay trở lại và người ta đã nhận ra rằng có rất nhiều công việc mà họ có thể giúp Việt Nam để phát triển y học cấp cứu của Việt Nam.

Thưa giáo sư, ông có đánh giá nào về y tế Việt Nam nói chung và chuyên ngành cấp cứu hồi sức nói riêng?

GS Joseph Rohan Lex: Theo tôi, trình độ của bác sĩ Việt Nam còn là vấn đề lớn nhưng cái tôi ghi nhận ở đây là khả năng thực hành. Bác sĩ Việt Nam có khả năng thực hành rất tốt. 

Quan điểm của tôi là sẽ đào tạo những người sẽ đi đào tạo tiếp những người tiếp theo. Vậy nên chúng tôi phải đào tạo những người ra được quyết định.

Không riêng gì Việt Nam mà ở nước ngoài, các khoa cấp cứu, số lượng bệnh nhân đông và gánh nặng công việc lớn. Bác sĩ cấp cứu phải đưa ra những quyết định quan trọng và nhanh chóng. 

8 năm gắn bó với Việt Nam không phải là ngắn nhưng cũng không quá dài với một đời người. Giáo sư có cảm nghĩ gì về con người Việt Nam không?

GS Joseph Rohan Lex : Việt Nam có một nền văn hóa cổ kính được pha trộn rất nhiều các nền văn hóa khác nhau đến mức mỗi lần tôi quay trở lại đều học được một điều gì đó tại đây. Nền lịch sử lâu đời, lâu hơn rất nhiều so với lịch sử của nước Mỹ ở trong quá khứ. 

Ở Việt Nam, các bạn đã có trường Đại học Y từ rất lâu, lâu hơn cả lịch sử các trường y ở nước Mỹ. 

Tôi có sự ngưỡng mộ đặc biệt đối với người phụ nữ Việt Nam. Tôi nhận ra điều này khi đi tham quan Bảo tàng phụ nữ Việt Nam. Nếu các chị mà hỏi tôi sớm có lẽ tôi sẽ xây một con đường giữa Hà Nội với Hoa Kỳ (đùa thôi). Bây giờ thì quá muộn, tôi sắp nghỉ hưu mất rồi.

Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm chiến tranh lúc ông sống ở Việt Nam không? 

GS Joseph Rohan Lex: Hồi đó tôi là một bác sĩ quân y, làm việc ở Củ Chi, Tây Ninh và khu vực Sài Gòn. Tôi chăm sóc cho các thương bệnh binh ở ngoài chiến trường. Với vai trò là một bác sĩ quân y, tôi cũng đã chăm sóc cho cả nạn nhân chiến tranh là người Việt Nam. 

Có những tuần tôi cùng với đồng đội đi xuống các bản làng và thăm bệnh cho những bà con người bản xứ ở Việt Nam, giúp cho đồng bào ở Việt Nam chống đau và điều trị các bệnh nhiễm trùng ở thời gian đó. 

Có lần, tôi phát hiện ra những người dân làng bị những bệnh nhiễm trùng (bệnh cái chết đen ở châu Phi). Đoàn của tôi đã mang vaccine từ Hoa Kỳ để tiêm phòng cho bà con người bản xứ.

Một cô gái nhỏ ở một ngôi làng mà tôi cứu chữa đã khỏi bệnh. Sau khi cháu nhỏ khỏi bệnh, dân làng và gia đình đã mời đoàn y bác sĩ của chúng tôi đến để cảm ơn để tổ chức một bữa tiệc lớn. Vì thời gian qua lâu nên tôi không nhớ được địa chỉ gia đình đó. Đã hơn 40 rồi, từ năm 1968 – 1969.

Là một bác sĩ quân y, không bao giờ tôi sử dụng vũ khí, không bao giờ gây sát thương cho những người khác mà tôi chỉ chữa cho những người bị thương. Khi quay trở lại từ chiến tranh, tôi lại tiếp tục làm việc trong khoa cấp cứu ở Hoa Kỳ và tôi lại tiếp tục chăm sóc cho những người bị thương. 

Bệnh viện tôi làm việc ở phía Bắc của Philadelphiala. Hàng năm có đến hàng ngàn ca chấn thương do súng bắn.

Các mặt bệnh chấn thương ở Việt Nam khác so với các mặt bệnh chấn thương mà tôi cấp cứu ở Mỹ. Ở Mỹ, mặt bệnh nó khác ở chỗ chủ yếu là chấn thương súng, do tai nạn về công nghiệp. 

Tôi trở lại Việt Nam, mọi người vẫn chào đón tôi. Và tôi cũng không giấu chuyện tôi đã từng là một quân nhân phục vụ trong chiến tranh ở Việt Nam. Tôi hy vọng, tôi có thể tạo ra được cảm hứng, lôi cuốn được những người khác cùng tham gia làm việc như tôi đã làm như ở Việt Nam để cho một cộng đồng tốt hơn, cung cấp nhiều cơ hội tốt hơn về Việt Nam.

Vâng xin cảm ơn GS!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Thúy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN