TPHCM: 8.000 hàng ăn vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm

Không dùng găng tay để bốc thức ăn cho khách, hàng quán gần cống rãnh, rác thải, thức ăn không che đậy… đang là thực trạng của rất nhiều điểm bán thức ăn đường phố của TPHCM.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Cục An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, địa bàn có khoảng 20.000 hộ kinh doanh thức ăn đường phố, kiểm tra 18.000 hộ thì có khoảng 8.000 hộ vi phạm với các lỗi thường thấy như nơi kinh doanh thiếu vệ sinh, gần cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh; thức ăn được bày bán sát mặt đất, không che đậy, bảo quản; để lẫn thực phẩm sống với thức ăn chín; người kinh doanh thức ăn không khám sức khỏe, không được huấn luyện kiến thức về an toàn thực phẩm…

TPHCM: 8.000 hàng ăn vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm - 1

Không dùng găng tay khi cầm thức ăn cũng là một lỗi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

Cụ thể, có đến 74% người kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm về sổ ghi chép nguồn gốc thực phẩm; 66,73% chưa được khám sức khỏe định kỳ; 56,12% người kinh doanh thức ăn đường phố chưa được tập huấn và có giấy xác nhận kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm; 34% hộ sử dụng các loại túi đựng thức ăn không hợp vệ sinh…

"Đến 30% số hộ buôn bán sử dụng nước rửa thức ăn, rửa chén đĩa và nước đá bán cho khách không đúng quy định. Không ít người buôn bán không dùng găng tay thường xuyên, số khác dùng găng tay nhưng bốc cả tiền và thức ăn, có người thậm chí dùng tay trần để bốc thức ăn đưa cho khách", một cán bộ cho biết.

Thậm chí, y tế phường, quận đã cung cấp tạp dề, thùng chứa rác, găng tay cho các hộ kinh doanh thức ăn đường phố nhưng nhiều người vẫn không sử dụng hoặc chỉ sử dụng khi thấy đoàn kiểm tra. 

Thêm vào đó, việc xử lý hành chính với người bán hàng rong là khó có thể thực hiện bởi các hộ buôn bán phần lớn là hộ nghèo, gia đình chính sách. Một cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm cho biết: "Với mức phạt vài trăm nghìn đồng họ còn không có đóng thì làm sao nói đến khung phạt lên đến vài triệu như quy định”.

Để ngăn ngừa, giảm thiểu ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm đường phố, Sở Y tế đã yêu cầu các quận huyện đồng loạt nhắc nhở các hộ kinh doanh trên địa bàn, tập huấn miễn phí kiến thức an toàn thực phẩm cho hộ kinh doanh...  đồng thời, người dân nên có ý thức khi chọn mua các loại thức ăn nghi ngờ không đảm bảo an toàn. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo An Nhiên (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN