Giật mình quán cơm "nhiều không" trước cổng bệnh viện

Người nhà bệnh nhân thấy rẻ là mua, nên những quán cơm di động ở vỉa hè bệnh viện Việt Đức và bệnh viện K Hà Nội vẫn có đất sống, dù nó không đảm bảo bất cứ tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm nào.

Đây là những quán cơm di động quanh Bệnh viện K và Bệnh viện Việt Đức Hà Nội. Cứ đến 10 hàng ngày là họ bày hàng ra bán trong vòng 2 tiếng đồng hồ rồi lại dọn dẹp trả lại vị trí cho vỉa hè. Điều đáng nói là mỗi suất cơm có giá 15 nghìn đồng, người mua có thể tự lựa chọn món ăn mình thích, không quan tâm gì tới an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sạp cơm của một bà chủ ngay trước cổng vào khoa huyết học Bệnh viện Việt Đức vừa mở ra đã có rất nhiều người xếp hàng mua vì cơm ở đây rẻ. So với một suất cơm trong quán cơm có giá 30 – 40 nghìn đồng thì cơm bán ở ngoài vỉa hè có giá 15 – 20 nghìn đồng/suất.

Giật mình quán cơm "nhiều không" trước cổng bệnh viện - 1

Những quán cơm "nhiều không" này đã tồn tại từ lâu Cơm 15 nghìn đồng/suất hút khách

Chị Dương Thu Linh trú tại Hưng Yên, chăm chồng bị tai nạn giao thông hai tuần nay ở bệnh viện Việt Đức, là khách quen của quán cơm. Chị Linh cho biết: “So với các quán cơm kia, cơm ở đây rẻ, người nấu ăn cũng khéo nên món nào cũng ngon miệng, dễ ăn”. 

Khi chúng tôi hỏi về an toàn thực phẩm, chị Linh chỉ cười “ngon, rẻ thì mình mua. 15 nghìn đồng làm gì có nhiều lựa chọn. Một hai ngày ở viện còn dám ăn cơm quán chứ ở viện cả tháng, 2, 3 người thay nhau làm gì có tiền mà ăn cơm trong tiệm. Mỗi suất cơm rẻ hơn trong quán một nửa. Mình mua về ngồi ghế đá ăn cũng tiện”.

Giật mình quán cơm "nhiều không" trước cổng bệnh viện - 2

Những túi canh vứt lỏng chỏng dưới gốc cây

Còn ông Nguyễn Quang trú ở Bắc Ninh đang chăm con trai mổ thoát vị đĩa đệm nên quán cơm ngay cổng bệnh viện là giải pháp cho vợ chồng già này. Mỗi ngày, họ chỉ mua 20 nghìn suất cơm, xin nhiều cơm và ông bà chia nhau ăn để tiết kiệm được thêm chút tiền.

Anh Đỗ Văn Thiển trú Hiệp Hòa, Bắc Giang chăm mẹ mổ u thận ở bệnh viện K vui vẻ khoe anh vừa mua một suất cơm tại quán cơm di động ngay trước công bệnh viện. Mỗi ngày, anh ăn hai suất mất chỉ 30 nghìn đồng. Anh Thiển giống như rất nhiều người nhà bệnh nhân khác không có sự lựa chọn, nhất là khi các món ăn trong quán quá đắt đỏ.

Với những người nhà bị bệnh trọng, điều trị tốn kém thì việc họ tiết kiệm vài chục nghìn một ngày cũng là số tiền lớn. Mỗi người một hộp cơm, một viên gạch hoặc cái dép là họ có thể ngồi ăn ngon lành. Anh Thiển kể “không có quán cơm này cũng gay đấy. Ở đây cái gì cũng đắt đỏ. Mình khỏe ăn lấy no thôi. Các cụ bảo sẩy nhà ra thất nghiệp. Ở viện là phải phải chịu mọi sự thiếu thốn”.

An toàn vệ sinh thực phẩm bỏ ngỏ

Chúng tôi chứng kiến 1 giờ buôn bán của ông chủ quán cơm ngã tư Tràng Thi - Phủ Doãn của bệnh viện Việt Đức. Các hộp thực ăn được gia chủ đựng vào các hộp nhựa, không che đậy hay sử dụng các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh đường phố. 

Đặc biệt những túi canh được họ buộc sẵn cho vào túi rồi vứt cạnh gốc cây. Người mua cơm chỉ cần nói giá suất cơm rồi cầm cơm, tự đi lấy canh, đũa mang về phòng bệnh hoặc tìm chỗ nào ngồi ăn.

Giật mình quán cơm "nhiều không" trước cổng bệnh viện - 3

Người mua cơm tự lấy canh về ăn

Chỉ từ 10h30 đến 12 giờ, một thùng cơm to đã được bán hết. Khi chúng tôi hỏi vì sao cơm rẻ, người bán hàng tỏ ra khó chịu bảo “rẻ không ăn thì thôi”. Còn những người trông xe lắc đầu nói “15 nghìn lấy đâu ra tươi ngon mà hỏi làm gì cho họ tức”.

Người bán thì bất chấp lợi nhuận còn người mua tham rẻ là câu chuyện chung của nhiều quán cơm di động này. Trao đổi với chúng tôi, một bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức cho biết các bệnh nhân của ông họ có thời gian ở viện lâu nên muốn tiết kiệm chi phí. Các bác sĩ thường khuyên người nhà việc điều trị lâu dài nên phải giữ gìn sức khỏe của mình để chăm người thân. Người nhà bệnh nhân không nên ham rẻ. Những quán ăn ở ngoài khuôn viên của bệnh viện nên bệnh viện không thể kiểm soát.

Theo quy định mới của luật An toàn thực phẩm, thức ăn đường phố phải đảm bảo các tiêu chí như phải cách biệt nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm. Thức ăn phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đường phố. Phải có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại. Phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đường phố… Chỉ với mấy tiêu chí quan trọng và đơn giản nhất thì các quán ăn này đều vắng bóng. Người nhà bệnh nhân ít sự lựa chọn còn người bán hàng thì hả hê vì hàng bán chạy.

PGS, TS Nguyễn Duy Thịnh - viện công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết thực phẩm bị ôi thiu có thể chế biến thành thực phẩm ngon. Người dùng có thể mua thịt từ buổi chiều hôm trước về ngâm qua một vài hóa chất bảo quản có trong sản xuất lân đạm. Nhiều người cứ nghĩ, thực phẩm không an toàn là thực phẩm gây ngộ độc, đau bụng ngay. Khi nhìn những bức ảnh về những quán cơm “nhiều không” này, ông Thịnh băn khoăn nguy cơ ngộ độc trường diễn sẽ xảy ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Ngọc (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN