Giảm béo bằng chanh, cấp cứu vì đau bụng quằn quại

Hiện nay nhiều chị em có cách giảm cân đó là nhịn ăn uống nước chanh, đặc biệt nhiều chị em còn uống nước cốt chanh điều này hại cho sức khỏe đặc biệt là dạ dày.

Uống 5 quả chanh thay cơm

Chị Vũ Thị Bình trú tại Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội vừa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với triệu chứng bụng đau dữ dội. Sau khi cho uống thuốc giảm đau và truyền dịch, chị Bình mới kể lại câu chuyện chị giảm cân bằng chanh.

Giảm béo bằng chanh, cấp cứu vì đau bụng quằn quại - 1

Uống nước chanh có thể gây loét dạ dày. Ảnh minh họa.

Chị Bình kể sau khi sinh xong bé thứ 2, chị chờ mãi mà không giảm cân. Trước chị chỉ có 51- 52 kg nhưng sau sinh chị vẫn giữ 63 – 64 kg. Vì đang cho con bú nên chị không bỏ ăn được. Mặc dù rất tự ti vì thân hình ục ịch nhưng chị đợi cai sữa cho con mới giảm cân.

Khi con gái được 13 tháng, chị cai sữa. Việc đầu tiên chị làm đó là nghĩ ra đủ cách giảm béo. Tuy nhiên nhịn ăn rồi làm đủ các kiểu đều không ăn thua. Vì mỗi lần bỏ bữa chị quằn quại vì đói, lại quay sang ăn vặt. Chị lên mạng thấy người ta chia sẻ về cách giảm cân nhờ chanh. Chị Bình mua 2kg chanh mang lên cơ quan. Trước bữa ăn khoảng nửa tiếng, chị uống một cốc nước cốt chanh. Đến bữa, chị ăn thêm khoảng 1 bát cơm nhỏ với rau xanh.

Thực hiện khẩu phần như thế được khoảng 1 tuần, chị Bình chưa thấy mình giảm cân thay vào đó là đau bụng quằn quại. Chị kể lúc đầu chỉ hơi âm ỉ đau nhưng càng ngày đau càng nhiều, mật độ đau tăng cao. 

Nội soi tiêu hóa, bác sĩ cho biết chị bị loét dạ dày có thể do tác dụng của việc uống nước cốt chanh khi đói.

Trường hợp thứ hai của chị Hương trú tại Phủ Lý, Hà Nam cũng thế. Chị Hương luôn tự ti vì thân hình béo ú của mình. Chồng chị thường gọi vợ là cái lu. Nhiều lần đi ra ngoài, chị Hương tự ti vì không biết mặc cái gì. Chị dâu chị Hương mách cách giảm cân bằng chanh nên chị về học theo. Ngày nào chị cũng uống hai cốc nước canh pha đặc. Cả tháng trời uống nước chanh thay nước lọc. 

Kết quả, chị hay đau bụng nhất là khi đói và uống nước chanh vào càng làm đau hơn. Đi nội soi tiêu hóa, bác sĩ chẩn đoán bị loét dạ dày và ở đại tràng có polip. Polip này có thể hình thành từ trước nhưng viêm loét dạ dày có thể do chị uống nước chanh giảm cân.

Lợi bất cập hại

Bác sĩ Nguyễn Trọng An – Phòng Khám Cây thông Xanh – Phố Vọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết nhiều chị em phụ nữ đã phải đi viện vì việc giảm cân sai cách. Trong đó có không ít người bị loét dạ dày vì uống nước chanh. Nhiều chị em thường uống nước chanh trước bữa ăn để giảm chế độ ăn, không còn cảm giác đói vì trong nước cốt chanh chứa axit citric giúp kiểm soát đường trong máu và ngăn chặn sự giảm lượng đường trong máu đột ngột, dẫn đến cảm giác không thèm ăn và đây là cách chị em tin rằng không ăn cân sẽ giảm. 

Tuy nhiên bác sĩ An cho biết bình thường con người hoạt động được phải có năng lượng từ các chất béo, chất đạm, chất xơ và các vitamin. Nếu giảm cân ngăn chặn các thành phần chất này trong cơ thể thì sẽ không thể có kalo cho hoạt động dẫn đến suy nhược. Bởi vì nước chanh không cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động, duy trì sự sống mà chúng chỉ cung cấp chút vitamin C, muối khoáng, đường. 

Nếu muốn giảm cân bằng chanh cần được tư vấn rõ ràng và đúng cách. Có thể uống nước chanh pha chút mật ong với nước ấm nhưng phải uống sau ăn để không hại dạ dày và có tác dụng giảm cân.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải – Trung tâm chăm sóc dinh dưỡng và kiểm soát béo phì – Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bất cứ phương pháp giảm cân nào cũng cần phải thận trọng và phải được bác sĩ tư vấn rõ ràng. Đặc biệt giảm cân theo phương pháp thanh lọc cơ thể bằng nước chanh mà nhiều chị em đang áp dụng hiện nay lợi bất, cập hại.

Bác sĩ Hải cho biết bình thường dạ dày của chúng ta đã tiết ra một lượng axit nhất định, nếu chúng ta uống thêm nước chanh có thành phần axit cao vào nữa sẽ làm tổn thương thành dạ dày. Chính vì thế khi uống nước chanh giảm cân khi đói hay uống nước cốt chanh có thể gây viêm loét dạ dày, đau dạ dày. Nếu giảm cân không đúng cách có thể nguy hiểm tới cả tính mạng của người đó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Ngọc (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN