Xử vụ 3 trẻ tử vong do tiêm nhầm vắc xin: 15 năm tù cho 4 bị cáo

Sau một ngày xét xử, đến 16 giờ 50 phút chiều 27.3, HĐXX-TAND tỉnh Quảng Trị đã tuyên án sơ thẩm xử phạt 4 bị cáo trong vụ 3 trẻ tử vong do tiêm nhầm thuốc xảy ra ngày 20.7.2013 tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa.

Theo đó, bị cáo Nguyễn Thị Thuận bị tuyên phạt 5 năm tù giam về tội “vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”. Bị cáo Lê Huỳnh Sơn 4 năm tù giam; Nguyễn Văn Thiện 3 năm tù giam; Trần Thị Hải Vân 3 năm tù treo cùng về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Các gia đình bị hại được bồi thường đều như nhau, 77 triệu đồng (60 triệu tiền tổn thất tinh thần, 17 triệu tiền mai táng phí).

Xử vụ 3 trẻ tử vong do tiêm nhầm vắc xin: 15 năm tù cho 4 bị cáo - 1

Bốn bị cáo đứng trước vành móng ngựa lần lượt từ trái sang phải: Lê Huỳnh Sơn, Trần Thị Hải Vân, Nguyễn Thị Thuận, Nguyễn Văn Thiện 

Trước đó, sáng 27.3, mặc dù trời Quảng Trị mưa to nhưng người dân trên địa bàn đã đến TAND tỉnh rất đông để chứng kiến phiên xét xử sơ thẩm 4 bị cáo trên.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Thuận (nguyên y sĩ khoa sản bệnh viện Hướng Hóa) đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình rằng vào sáng thứ 7 ngày 20.7.2013, Thuận nhận ca trực. Lúc đó trời mưa to, mất điện, trời tối. Vì thế, khi 3 trẻ sơ sinh ra đời, Thuận nhận y lệnh của bác sĩ Lê Thị Kim Phượng, tiêm vắcxin viêm gan B cho 3 trẻ sơ sinh (con của các sản phụ: Nguyễn Thị Nga, SN 1983, trú khóm Đông Chính, thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa; Trần Thị Hà, SN 1973, trú khóm 3A, thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa và Hồ Thị Thương, SN 1996, trú bản 7, xã Thuận, Hướng Hóa).

Nhận lệnh, Thuận đến Khoa khám bệnh nơi đặt tủ lạnh bảo quản thuốc, do mất điện nên đã bật đèn pin điện thoại di động của mình soi, mở tủ lấy 3 lọ thuốc trong hộp giấy không đậy nắp, rồi dùng bơm kim tiêm hút thuốc và tiêm cho 3 trẻ sơ sinh kể trên.

Sau khi tiêm xong, Thuận tiếp tục đi thăm khám cho các bệnh nhân khác. Đến khoảng 8 giờ 30 phút cùng ngày, trong khi đang điều trị cho các bệnh nhân khác, Thuận nghe tiếng kêu “Bác sĩ ơi, cứu con tôi với”. Khi thấy 3 trẻ đều tím tái, khó thở, Thuận liền đưa các cháu đến phòng cấp cứu. Mặc dù vậy, các cháu đã tử vong lúc 9h cùng ngày.

Bị cáo Thuận lý giải rằng: “ Vì hai loại vắc xin viêm gan B và thuốc giãn cơ Esmeron có ngoại hình, nhãn mác quá giống nhau, lại mất điện, đèn pin điện thoại không sáng lắm và thực sự không nghĩ rằng trong tủ đựng vắc xin viêm gan B lại có thứ thuốc khác. Sau khi tiêm xong, tôi vẫn làm việc bình thường chứ không biết là đã tiêm nhầm thuốc”.

Khi thấy 3 trẻ có biểu hiện giống nhau, biết mình tiêm nhầm thuốc, Thuận chạy vội về phòng sinh tìm lại vỏ 3 lọ thuốc đã tiêm trước đó, thấy bên ngoài có dòng chữ “lạ”- ESMERON mà không phải vắcxin viêm gan B. Sau đó Thuận đi đến Khoa khám bệnh mở tủ lạnh lấy vỏ hộp thuốc mà mình đã lấy 3 lọ thuốc này bỏ vào túi áo. Đồng thời, lấy 3 lọ vắc-xin viêm gan B chưa sử dụng rồi đi về phòng Khoa sản. Tại đây, Thuận lấy 2 bơm kim tiêm hút thuốc vắcxin viêm gan B trong 3 lọ xả xuống nền nhà. Xong, Thuận đặt 3 vỏ lọ vắcxin viêm gan B vào sọt rác màu vàng đặt ở xe tiêm. Để biết chắc chắn mình tiêm nhầm thuốc, Thuận vào phòng vệ sinh mở nhãn thuốc ra xem. Thấy đúng là mình tiêm nhầm thuốc nhưng sau đó bỏ vào túi áo rồi đến xem vụ việc. Đồng thời, ném 3 vỏ lọ Esmeron vào gốc cây nhãn phía sau Khoa sản.

Bị cáo Thuận cũng khai rằng, bị cáo chưa hề được tập huấn về tiêm vắc xin viêm gan B nhưng vẫn phải tiêm vì nhận y lệnh.

Xử vụ 3 trẻ tử vong do tiêm nhầm vắc xin: 15 năm tù cho 4 bị cáo - 2

 Bị cáo Nguyễn Thị Thuận bật khóc và khó thở vì bệnh tim trước tội lỗi của chính mình gây ra 

Xử vụ 3 trẻ tử vong do tiêm nhầm vắc xin: 15 năm tù cho 4 bị cáo - 3

Anh Nguyễn Đình Đạo, bố của một trẻ tử vong nắm chặt tay chị Thuận nói rằng “Chúng tôi tha thứ cho chị rồi. Chị đừng dằn vặt mình nữa, cố gắng sống tốt để về chăm sóc cho chồng, con”.

Bị cáo Lê Huỳnh Sơn (nguyên Phó Phòng Kế hoạch - tổng hợp) cũng thừa nhận đã bỏ thuốc Esmeron vào tủ lạnh duy nhất của bệnh viên, lẫn lộn với các sinh phẩm khác trong khi bệnh viện không quy định như vậy. Nhưng, vì biết Esmeron nguy hiểm nên tôi đã ghi chú ngoài vỏ thuốc bằng bút lông là “Thuốc độc” để cảnh báo”. Tiếc là vẫn có sự cố xảy ra.

Bị cáo Nguyễn Văn Thiện (nguyên Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa Hướng Hóa), người được Giám đốc bệnh viện là ông Văn Thanh ủy quyền được quyền điều hành mọi hoạt động của bệnh viên trong thời gian ông Thanh đi học. Ông Thiện khai thường xuyên cùng đoàn của bộ phận dược đi kiểm tra thuốc tại bệnh viện.

Xử vụ 3 trẻ tử vong do tiêm nhầm vắc xin: 15 năm tù cho 4 bị cáo - 4

Người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tập trung rất đông tại tòa án chứng kiến phiên xét xử 

Ngày 18.7.2013, ông có tham gia cùng đoàn kiểm tra của Sở y tế nhưng không nghe đoàn đề cập, kết luận nhắc nhở gì về việc sinh phẩm, các loại thuốc, vắc xin để lẫn lộn với nhau. Trong quá trình làm việc, ông cũng không hề cử người ghi lại biên bản làm việc với đoàn.

Khi tòa hỏi rằng: “Viện kiểm sát truy tố ông về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” ông có cảm thấy oan không thì ông Thiện bảo rằng “Tôi hơi bị oan” và viện dẫn lý do vì không nghe ai báo cáo gì nên không biết để chấn chỉnh.

Trong khi đó, đến lúc tuyên án, bị cáo Trần Thị Hải Vân (Nguyên Y tá trưởng khoa sản) vẫn không nhận tội vì cho rằng chức trách bảo quản tủ lạnh (chứa sinh phẩm, thuốc của bệnh viên, trong đó có vắc xin viêm gan B và Esmeron) theo chỉ đạo của trưởng khoa sản bệnh viện Hướng Hóa từ năm 2009 nhưng chỉ quản lí 2 ngăn 1 và 3, còn ngăn 2 thì cấp trên đã giao cho khoa sản quản lí nên chị không có quyền kiểm tra ngăn đó.

Tại phiên tòa, cả hai luật sư bào chữa cho bị cáo Thiện và bị cáo Sơn đều cho rằng, Viện kiểm sát tỉnh Quảng Trị cần xem xét trách nhiệm khoa dược là khoa có trách nhiệm bảo quản, giám sát sinh phẩm.

Trưởng khoa ngoại, trưởng khoa dược và đoàn thanh tra Sở y tế tỉnh Quảng Trị cũng cần phải xem xét trách nhiệm. Bởi vì đoàn thanh tra sở y tế khi đi kiểm tra ngày 18.7.2013, đã phát hiện sai phạm trong quá trình bảo quản thuốc của bệnh viên đa khoa huyện Hướng Hóa nhưng không ra lệnh chấm dứt tình trạng trên. Đoàn y tế đi kiểm tra mà không lập biên bản làm việc.

Ba gia đình mong muốn hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Chị Trần Thị Hà, một trong những bà mẹ có con tử vong đau buồn nói: “Nỗi đau này sẽ theo suôt cuộc đời của gia đình tôi, và không thể bù đắp được. Nhưng mà việc xảy ra ngoài ý muốn nên thôi, kính mong hội đồng xét xử giảm nhẹ tội cho các bị cáo. Cũng vì bệnh viên nghèo, không có tủ lạnh riêng thôi”.

Kết thúc phiên tòa là những cái nắm tay và lời tha thứ từ gia đình nạn nhân đến bị cáo Nguyễn Thị Thuận. “Chúng tôi không trách chị nữa đâu, chị hãy yên lòng” – anh Nguyễn Đình Đạo nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc vũ ([Tên nguồn])
Trẻ tử vong sau tiêm vắc xin Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN