Vụ 5 công an dùng nhục hình: "Có dấu hiệu giết người"

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, các cơ quan tố tụng ở TP Tuy Hòa đã xác định không đúng khách thể của tội dùng nhục hình nên dẫn tới áp dụng sai điều luật.

- TAND thành phố Tuy Hoà (Phú Yên) vừa đưa 5 cựu công an ra xét xử về tội dùng nhục hình. Luật sư có quan điểm thế nào khi có ý kiến cho rằng tội danh đó có thể chưa phù hợp với các bị cáo?

- Ngày 3/4, TAND TP Tuy Hòa (Phú Yên) đã tuyên án vụ 5 công an đánh chết anh Ngô Thanh Kiều (30 tuổi, ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên). Tòa xác định trong thời gian canh giữ, bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (30 tuổi, nguyên thiếu úy, trinh sát của Công an TP Tuy Hòa) đã dùng dùi cui cao su đánh vào đầu anh Kiều gây chấn thương sọ não, dẫn đến tử vong. Bốn bị cáo còn lại đánh anh Kiều trong khoảng thời gian từ 8h - 12h30 ngày 13/5/2012, gây chấn thương phần mềm. Tòa tuyên năm bị cáo phạm tội Dùng nhục hình.

Trước tiên, chúng ta phải làm rõ cấu thành tội Dùng nhục hình để làm căn cứ xử lý hành vi của 5 bị cáo thuộc phạm vi điều chỉnh của điều luật nào trong Bộ luật hình sự.

Vụ 5 công an dùng nhục hình: "Có dấu hiệu giết người" - 1

Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội).

Anh Kiều bị chết do chấn thương sọ não, trên người có nhiều chấn thương là do tác động của ngoại lực trong thời gian bị bắt giữ tại trụ sở công an TP Tuy Hòa. Như vậy, khách thể bị xâm hại trong trường hợp này là tính mạng của anh Kiều (đã chết) thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Chương XXII Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà thuộc phạm vi điều chỉnh của Chương XII Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người trong Bộ luật hình sự.

Điều 298 Tội dùng hình, các nhà làm luật chỉ áp dụng trong trường hợp hậu quả làm nạn nhân bị thương tích dưới 11% không có hậu quả chết người. Nếu gây hậu quả làm nạn nhân bị thương tích trên 11% hoặc bị tử vong thì sẽ bị xử lý tương ứng về tội cố ý gây thương tích hoặc tội giết người.

Về nguyên tắc, khi các cơ quan tố tụng định tội danh cho bị can thì phải xác định khách thể xâm hại cao nhất. Cụ thể trong vụ án này phải là tính mạng, sức khỏe con người.

Như vậy, về mặt lý luận tội phạm, các cơ quan tố tụng ở TP Tuy Hòa đã xác định không đúng khách thể của tội Dùng nhục hình, dẫn tới áp dụng sai điều luật.

Cho dù 5 bị cáo là công an, là chủ thể đặc biệt (người thi hành công vụ) nhưng sử dụng công cụ, phương tiện trái pháp luật đánh đập nạn nhân và coi thường tính mạng của người khác dẫn đến hậu quả gây thương tích trên 11% hoặc chết người thì phải chịu trách nhiệm tương ứng với hậu quả gây ra mà không cần thiết phải xem xét đến đối tượng là chủ thể để xử lý. Thực tế, trong thời gian qua, Luật sư đã tham gia bào chữa nhiều vụ án mà tòa án đưa ra xét xử về tội Giết người do các bị cáo là công an đánh nạn nhân bị tử vong tại trụ sở .

- Hành vi vi phạm pháp luật của 5 bị cáo không thuộc phạm vi điều chỉnh của tội Dùng nhục hình thì sẽ phạm tội gì?

- Quá trình điều tra đã xác định nạn nhân Ngô Thanh Kiều bị đánh trong quá trình tạm giữ do 5 bị cáo gây ra thì đó là hành vi không được pháp luật cho phép, thể hiện sự coi thường tính mạng trong khi thi hành nhiệm vụ. Hậu quả chết người xảy ra thì các bị cáo phải chịu trách nhiệm chung về tội Giết người được qui định tại Điều 93 Bộ luật hình sự.

Qua diễn biến tại phiên tòa mà báo chí đưa tin, các bị cáo đều không thừa nhận ai là người trực tiếp đánh nạn nhân gây chấn thương sọ não, nguyên nhân chính dẫn tới nạn nhân bị tử vong. Các bị cáo đều chỉ thừa nhận có đánh vào chân, tay nạn nhân trong quá trình từ khi nạn nhân bị bắt giữ tại trụ sở đến khi bị tử vong.

Theo tôi, tại phiên tòa, các bị cáo khai không biết ai là người trực tiếp đánh nạn nhân vào vùng đầu gây tử vong do chấn thương sọ não thì Hội đồng xét xử có thể tách hành vi người chủ mưu đánh gây chấn thương sọ não nạn nhân và kiến nghị cơ quan điều tra xử lý sau khi có đủ căn cứ. Nhưng với hành vi cùng tác động đánh vào chân, tay nạn nhân dẫn tới tử vong trong thời gian bị bắt giữ thì phải chịu trách nhiệm chung về hậu quả xảy ra với vai trò đồng phạm.

- Sau phiên tòa, gia đình bị hại không đồng tình với phán quyết của TAND TP Tuy Hòa. Họ cần làm gì để có thể bảo vệ quyền lợi theo qui định của pháp luật?

- Nếu đại diện hợp pháp cho người bị hại không đồng tình với tội danh và hình phạt mà cấp sơ thẩm đã quyết định thì theo quy định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tòa tuyên án có quyền kháng cáo lên tòa phúc thẩm TAND tỉnh để xem xét giải quyết vụ án theo trình tự.

Nếu tại phiên tòa cấp phúc thẩm, tòa án xét thấy cấp sơ thẩm áp dụng tội danh của các bị cáo là không đúng qui định của pháp luật thì có quyền hủy bản án để điều tra lại. Mặt khác, gia đình bị hại có thể kiến nghị vụ việc lên các cơ quan tố tụng ở cấp cao hơn như VKSND và TAND tối cao... để xem xét vụ việc theo quy định của pháp luật.

Điều 93: Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết nhiều người;

b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

c) Giết trẻ em;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tùy Phong (Zing.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN