Việt kiều Pháp trộm cước quốc tế, trốn nã 15 năm vẫn bị bắt

Hùng sau khi biết tin đồng bọn bị bắt đã trốn sang nước ngoài trốn lệnh truy nã. Nhưng rồi sau 16 năm phạm tội Hùng vẫn bị bắt trong một lần về Việt Nam.

Ngày 28.1, TAND TP.HCM xét phiên sơ thẩm đối với bị cáo Phạm Hoàng Hùng (SN 1960, việt kiều Pháp) về tội ‘Trộm cắp tài sản’.

Theo cáo trạng, vào năm 1990, Hùng sang Mỹ và có quen biết Nguyễn Trường Giang (đang bị truy nã). Từ mối quan hệ này, đến tháng 3.2000, Hùng có bàn bạc với Giang về việc vận hành hệ thống viễn thông chuyển cuộc gọi điện thoại từ nước ngoài về Việt Nam. Từ đây Giang chuyển về Việt Nam những trang thiết bị phục vụ cho việc ăn trộm cước viễn thông quốc tế. Giang thỏa thuận với Hùng là sẽ trả cho bị cáo số tiền 0,2 USD/ phút ăn trộm cước được của bưu chính viễn thông.

Việt kiều Pháp trộm cước quốc tế, trốn nã 15 năm vẫn bị bắt - 1

Hùng sau 15 năm trốn lệnh truy nã đã bị bắt giữ.

Cùng một số đối tượng khác như Phan Minh Hoàng, Huỳnh Phúc Hùng và Nguyễn Thành Quý đã lên kế hoạch chi tiết. Hùng cùng đồng bọn thuê một căn nhà tại đường Lan Sơn, quận Phú Nhuận để làm nơi thực hiện hành vi phạm tội. Để lắp đặt các trang thiết bị hiện đại thời bấy giờ Hùng đã thuê hai chuyên viên nước ngoài về lắp đặt. Để tránh bị phát hiện, Hùng cho người xây tường tại tầng thượng cao hơn, lớp mái che Anten Parabol. Tại đây Hùng và đồng bọn đã sử dụng các thiết bị ghép kênh, chuyển cuộc gọi đầu nối với hệ thống 48 máy điện thoại vô tuyến cố định. Trong thời gian phạm tội tại đây Giang đã ứng trước 20.000 USD cho Hùng (tương đương 281,8 triệu đồng thời điểm đó).

Cũng trong thời gian này Hùng có quen biết Lai Nai Yain (quốc tịch Singapore). Cũng với phương thức trên, Hùng thỏa thuận với Lai về số tiền nhận được là 0,18 USD/ phút ăn trộm được cước của bưu chính viên thông.

Hùng tiếp tục thuê một căn nhà tại đường Hồ Văn Huê để làm nơi phạm tội. Cũng bằng thủ đoạn trên Hùng nhận trang thiết bị từ Singapore về và tiếp tục lắp đặt Hùng và đồng bọn đã sử dụng các thiết bị ghép kênh, chuyển cuộc gọi đầu nối với hệ thống hơn 50 máy điện thoại vô tuyến cố định. Đến đầu tháng 12.2000, hệ thống tại đường Hồ Văn Huê đi vào hoạt động thì bị phát hiện, bắt giữ. Riêng Hùng đã trốn sang nước ngoài để tránh lệnh truy nã.

Đã 15 năm trôi qua từ ngày gây án, Hùng ngỡ rằng cơ quan chức năng đã ‘quên’ mình. Tuy nhiên, vào ngày 10.3.2015, trong một lần về Việt Nam, Hùng tới sân bay Tân Sơn Nhất để xuất cảnh thì bị bắt giữ.

Xét thấy hành vi phạm tội của Hùng là cực kỳ nghiêm trọng. Bản thân bị cáo cũng không hợp tác, ra đầu thú khi việc làm của mình bị phát hiện mà trốn sang nước ngoài. Qua đó, HĐXX tuyên án 18 năm tù giam đối với Hùng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo K.Phong ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN