Thượng tá CA và hồi ức về cuộc chiến chống gián điệp

Sống và chiến đấu trong những năm tháng đầy chông gai, sóng gió của chiến tranh, Thượng tá Công an, nguyên Trưởng Phòng bảo vệ chính trị Công an Nghệ An (1993-2003) Lê Văn Hồng (SN 1948 ) là người gắn bó với hàng chục chuyên án chống gián điệp nổi tiếng.

Nay khi ở độ tuổi gần 70 và đã lùi về hậu phương, sống bình dị trong căn nhà nhỏ nhưng những câu chuyện về đánh án của ông thì vẫn còn lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đặc biệt là với những chiến sĩ, cán bộ công an bởi sự hấp dẫn, li kỳ cũng như những nỗi niềm của ông Hồng, một trong những con người góp phần tạo nên trang lịch sử trong những năm tháng ấy.

Chúng tôi tới thăm gia đình ông vào một buổi sáng đẹp trời cuối tháng 8 trong ngõ 108 nằm trên đường Mai Hắc Đế, TP Vinh. Nghe thấy tiếng chuông cửa, ông Hồng ra đón tiếp chúng tôi với vẻ mặt niềm nở.

Thượng tá CA và hồi ức về cuộc chiến chống gián điệp - 1

Thượng tá Lê Văn Hồng lần giở những kỷ niệm về những năm tháng chiến đấu chống gián điệp.

Chàng thanh niên năm ấy tuy giờ trên đầu tóc đã điểm bạc nhưng vẫn không đánh mất đi dáng vẻ nhanh nhẹn với đôi mắt tinh anh ngày nào. Vừa mời chúng tôi uống nước, ông vừa chia sẻ: “Năm 1966, tôi được cử đi học tại trường Đào tạo Công an. Một năm sau khi ra trường, tôi về nhận công tác tại Phòng Bảo vệ Chính trị Công an tỉnh Nghệ An.

Kể từ đó, ông đã gắn bó với nghiệp an ninh, với công tác chống gián điệp gần 20 năm, tham gia rất nhiều chuyên án. Nhưng với ông, chuyên án để lại cho ông nhiều kỷ niệm nhất là Chuyên án chống phản động L107. Đây cũng là chuyên án đầu tiên mà ông tham gia công tác sau khi ra trường".

Nhớ lại những năm tháng ấy cùng kề vai sát cánh với đồng đội, với nhân dân đôi mắt ông Hồng ánh lên niềm vui, niềm tự hào, bao kỉ niệm lại ùa về trong miền kí ức xưa: “Chuyên án đầu tiên mà tôi được cấp trên giao nhiệm vụ tham gia là Chuyên án chống phải động L107 ở Nghi Tân, thị xã Cửa Lò. Lúc đó, lực lượng trinh sát phát hiện một số đối tượng chuẩn bị trốn vào Nam theo Mỹ ngụy, chống lại Đảng và Nhà nước ta. Khi nhận được thông tin, lãnh đạo Phòng bảo vệ chính trị đã họp bàn và cử các trinh sát xuống địa bàn trực tiếp đấu tranh”.

Được biết, lúc đó ngoài ông Hồng và đồng chí Nguyễn Văn Viên phụ trách địa bàn có các đối tượng nghi vấn còn có các đồng đội cùng tham gia vào chuyên án là đồng chí Hoàng Xuân Luyện (thuộc tổ đấu tranh chống gián điệp Mỹ và tay sai); Nguyễn Minh Xích (cán bộ tổ xác minh của Phòng).

Theo đó, đối tượng được xác minh tên là Trần Đình Hiền, ngư dân đi đánh cá trên biển và bị tàu biệt kích ngụy quyền Sài Gòn bắt vào miền Nam cùng một số ngư dân khác vào năm 1965. Tuy nhiên, sau một thời gian thấy Hiền được thả về địa phương và có nhiều hành vi đáng ngờ nên nghi vấn là y đang hoạt động gián điệp Mỹ ngụy.

Qua biện pháp trinh sát xác minh, ông Hồng cùng với những đồng đội tham gia chiến đấu đã phát hiện đối tượng đang thực hiện kế hoạch bỏ trốn vào Nam theo địch cùng với rất nhiều đối tượng khác nên đã kịp thời ngăn chặn và phá tan âm mưu phản động của chúng.

Thượng tá CA và hồi ức về cuộc chiến chống gián điệp - 2

Thượng tá Lê Văn Hồng bên đồng đội.

Với sự thành công của chuyên án đầu tiên, cấp trên đã tin tưởng để ông Hồng tiếp tục bám dân, chọn lọc nguồn tin phục vụ công tác. Sau tết Mậu Thân năm 1968, quân ta đã đấu tranh với rất nhiều chuyên án, trong đó có chuyên án gián điệp Mỹ đánh từ Thái Lan về, qua quá trình lợi dụng Việt kiều hồi hương những năm 1960-1962 là Nguyễn Văn Quân, ở xóm Tân Long, xã Nghi Phú, huyện Nghi Lộc (nay xã này thuộc TP Vinh).

“Lúc đó, tôi cùng với đồng chí Lê Thi (tổ trưởng - PV), Lê Văn Thịnh (trinh sát - PV) trực tiếp được đồng chí lãnh đạo giao nhiệm vụ tổ chức, lên kế hoạch đấu tranh. Sau 1 tuần khi vừa bao vây vừa dùng cơ sở để tác động, đối tượng Nguyễn Văn Quân đã ra đầu thú và khai nhận hắn đang làm nhiệm vụ của tình báo cho Mỹ, theo dõi tình hình của quân đội ta’.

Ông Hồng cũng cho biết thêm: "Để gửi thông tin liên lạc với tình báo Mỹ mà không bị bại lộ và để quân ta không phát hiện, y đã sử dụng thủ đoạn tinh vi là dùng mực hóa học, một loại mực viết xong sẽ mờ đi để viết thư báo cho địch".

Phá án thành công chuyên án này đã giúp ông có thêm ý chí, động lực để chiến đấu chống gián điệp. Chuyên án tiếp theo, cùng với sự phối hợp với đồng đội trong Phòng bảo vệ chính trị, đồng chí Lê Văn Hồng và Công an TP Vinh, ông Hồng nhận nhiệm vụ bí mật rà soát và theo dõi một phụ nữ làm tình báo dưới vỏ bọc là một bác sĩ hoạt động trên địa bàn.

Sau 3 ngày thu thập thông tin theo những gì được cung cấp về đối tượng, lúc đó đồng chí Nguyễn Hồng Bàng, Đồn trưởng Đồn Công an 2 (nay là Công an phường Cửa Nam, TP Vinh) cùng trinh sát đã phát hiện ra đối tượng khả nghi là Nguyễn Thị Phương Khanh. Lúc đó, thị đang lẩn trốn trong các lán trại, nơi giáp ranh giới giữa TP Vinh và huyện Hưng Nguyên, giao nhau giữa tuyến đường sắt và đường bộ.

Thượng tá CA và hồi ức về cuộc chiến chống gián điệp - 3

Tư liệu về chuyên án đầu tiên của thượng tá Lê Văn Hồng.

Được biết, sau khi báo cáo tình hình, lãnh đạo Phòng bảo vệ chính trị đã cử thêm 2 trinh sát tiếp tục bí mật theo dõi đối tượng. Theo đó, đối tượng đã lén lút ra sân bay Vinh và ga Vinh theo dõi các chuyến hàng chi viện của ta để cung cấp thông tin cho địch.

Trước âm mưu đã rõ của Khanh, Trưởng Công an Nghệ An lúc bấy giờ đã xin lệnh của Bộ Công an tiến hành bắt đối tượng. Ngay trong ngày, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã trả lời: Công an Nghệ An phải bí mật theo dõi đối tượng trên đường đi vào Quảng Trị và giao cho Công an Quảng Trị xử lý...

Tâm sự về quãng thời gian chiến đấu gian lao, vất vả ấy, thượng tá Hồng chia sẻ: “Chiến đấu chống gián điệp vốn dĩ rất khó khăn, đòi hỏi sự hi sinh, đặc biệt là khi phải ngụy trang thành cán bộ mặt trận mẫn cán, sống và sinh hoạt trong nhà dân. Lúc đó, tôi vừa phải lên kế hoạch tác chiến, vừa phải sinh hoạt như người dân bình thường để đảm bảo tính bí mật, không lộ sơ hỏ khiến địch phát giác và đề phòng. Hơn thế quân Mỹ ngụy về học vấn lúc đó cao hơn, lắm mưu nhiều kế, trong khi tôi chỉ được đào tạo cơ bản, sơ cấp nên việc phán đoán âm mưu của địch không hề đơn giản”.

Tuy nhiên với lợi thế của mình là vốn sinh ra trong gia đình cơ bản, có kiến thức quý giá về nghề nông, điều đó đã trở thành công cụ đắc lực để ông có thể dễ dàng tiếp cận, hòa nhập được với môi trường sống với bà con tại địa bàn.

Ông cũng vận động và giúp đỡ người dân đào hầm theo hình chữ A, chữ Z để có chỗ trú ẩn phòng khi quân địch thả bom, ném đạn. Đồng thời, ông cũng hướng dẫn người dân kĩ thuật trồng bèo hoa dâu... nên dần dần chiếm được tình cảm, sự yêu quý của người dân. Từ đó, ông được họ ủng hộ và giúp đỡ và nhiệt tình trong công tác chống gián điệp.

“Nếu không có sự giúp đỡ của người dân, chúng tôi cũng khó mà hoàn thành nhiệm vụ một cách thuận lợi như vậy”, ông Hồng nói thêm.

Trải qua chừng ấy năm tham gia chiến đấu, giấu vết thời gian như đã in hằn trên gương mặt của người chiến sĩ năm xưa, thế nhưng ngồi nghe thượng tá Lê Văn Hồng kể chuyện một cách say mê, đôi tay lần giở những trang sách, trang ảnh còn lưu lại những kỉ niệm cũ một cách trân trọng, nâng niu chúng tôi cảm nhận được dù đã về hưu nhưng sự nhiệt huyết, đam mê, tận tụy và có trách nhiệm với công việc vẫn luôn chảy trong huyết mạch ông.

“Mặc dù tham gia rất nhiều chuyên án nhưng có những chuyên án đến tận bây giờ vì để đảm bảo tính bí mật cho an ninh Quốc gia cũng như sự bình yên của người dân, tôi tuyệt đối không chia sẻ điều gì, ngay cả với vợ con mình…”, ông Hồng nở nụ cười hiền bộc bạch.

Thượng tá cũng cho biết thỉnh thoảng ông cũng viết bài cho báo và vui vẻ nói với chúng tôi nếu cần thêm bất kì tư liệu gì thì liên lạc trước để chuẩn bị. Vì với ông làm bất kì việc gì cũng cần có trách nhiệm, đặc biệt là cần cẩn trọng trong phát ngôn để không gây ảnh hưởng, thiệt hại cho người khác.

Có lẽ chính bởi tấm gương về tinh thần trách nhiệm cao cả của ông Hồng nên trong 5 người con thì có 2 người con trai nối nghiệp bố, hiện đanh công tác tại Công an TP Vinh và Công an huyện Nghi Lộc.

Chia tay Thượng tá ra về thì trời cũng đã xế trưa, dù thời gian gặp mặt ngắn ngủi nhưng qua cuộc trò chuyên, sự chân chất, mộc mạc của người con quê lúa Yên Thành đã để lại ấn tượng sâu đẹp trong lòng chúng tôi. Và cũng rất biết ơn người chiến sĩ ấy đã giúp chúng tôi, thế hệ sau này phần nào cảm nhận được năm tháng lịch sử hào hùng qua những câu chuyện chống gián điệp sống động như thế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cẩm Anh (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN