Ông Nén về nhà trong nước mắt

Sự kiện: Tin pháp luật

Trong vụ án “vườn điều” và vụ Huỳnh Văn Nén chỉ thấy tràn đầy nước mắt và có lẽ đó là nước mắt của ân tình…

Hôm qua (23-10), ông Huỳnh Văn Nén đã phải lỗi hẹn với các bác sĩ của BV An Phước (Phan Thiết) khi không có mặt theo lịch khám. Bởi suốt cả buổi sáng, hàng xóm, người quen và cả người chưa quen kéo đến thăm khiến ông không thể đi đâu.

Giấu tin mẹ mất

Bữa cơm trưa gia đình, ngồi gần người chị là bà Huỳnh Kim Ngân, thỉnh thoảng ông Nén lại quay sang hỏi nhỏ: “Má khỏe chứ chị?”. Nuốt nước mắt, cố gượng cười, bà Ngân giả lả: “Má khỏe lắm, yên tâm ăn cơm đi”. Ông Nén đâu biết người rứt ruột sinh ra mình - người chiều nào cũng ngồi ở bậc cửa ngóng tin con đã qua đời từ năm ngoái.

Trưa, thấy cha là ông Huỳnh Văn Truyện vừa đón xe từ Cà Mau lên, ông Nén nhào tới ôm cha khóc nức nở và câu hỏi đầu tiên vẫn là sức khỏe của mẹ mình. Ngớ người nhưng ông Truyện vẫn kịp hiểu khi thấy con gái ra dấu, người đàn ông 91 tuổi có cả chục năm ôm đơn kêu oan cho con nói cộc lốc nhưng giọng lạc đi như muốn khóc: “Má mày giữ nhà ở dưới quê”.

Cả nhà, thậm chí cả xóm đều không muốn cho ông Nén biết vì sợ làm gián đoạn ngày gặp mặt. “Vài bữa rồi cũng phải lựa lời mà nói cho nó biết” - bà Ngân chép miệng nói.

Ông Nén về nhà trong nước mắt - 1

   Ông Nén cười tươi ôm chặt hai con trai khi vừa gặp mặt. Ảnh PN

Khóc với ân nhân

Ngay trong tối 22-10, khi ông Nén vừa rời khỏi trại giam chừng vài tiếng, ai cũng bất ngờ khi thấy anh Nguyễn Phúc Thành vượt hơn 60 km từ Tân Minh ra Phan Thiết để đón. Người đàn ông 36 tuổi, to con này đã nhào tới ôm chặt ông Nén mắt rơm rớm nước. Chính anh Thành là người tạo nên “bước ngoặt” của vụ án.

Tháng 9-2000, nghe tin ông Nén bị tuyên án tử hình do giết bà Lê Thị Bông để cướp của, anh Thành lúc đó là phạm nhân đang thụ án tại trại giam Sông Cái (Ninh Thuận) đã xin gặp giám thị trại. Được cấp giấy bút, anh Thành khẳng định người giết bà Bông là Nguyễn Thọ (đã đi biệt xứ sau đó) và Hồ Văn Việt (đã chết) - hai người bạn của mình, chứ không phải ông Nén. Tuy nhiên, đơn tố giác tội phạm của anh Thành chỉ được xác minh qua loa rồi cho qua.

Gặp lại anh Thành, ông Nén cứ đưa tay lên bẹo má khen mập mạp, đẹp trai và cảm ơn liên tục rồi lại khóc. Nhìn hai người đàn ông một già, một trẻ ôm nhau nức nở mới thấy giữa cái gọi là ân nhân và người chịu ơn chẳng có chút ranh giới nào.

Vác “tù và” kêu oan

10 năm rồi, đây là lần thứ hai tôi trực tiếp chứng kiến ông Nguyễn Thận, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hàm Tân, khóc như một đứa trẻ. Lần trước vào cuối năm 2005, khi các bị án trong vụ “vườn điều” được đình chỉ bị can và xác định oan.

Ngồi tại nhà riêng, ông Thận lúc đó đang là chủ tịch xã đã gục vào vai tôi khóc nức nở. Ông khóc vì sau bao nhiêu năm theo đuổi kêu oan cho những người dân ở xã mình ông đã phải “trả giá” quá nhiều, khóc như gỡ được gánh nặng đè lên bộ ngực lép kẹp của mình nhiều năm qua.

“Ăn cơm nhà vác tù và” cho vụ án “vườn điều” xong, ông Thận lại tiếp tục gửi hồ sơ kêu oan cho ông Nén.

Chiều 22-10, ông ngồi từ sáng tới chiều ở quán cà phê rồi di chuyển đến trước trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận ôm giỏ xách chờ đợi. Ông Thận là người nhào tới ôm ông Nén đầu tiên khi ông vừa mới bước chân ra khỏi cổng trại giam và lại khóc.

Trong vụ án “vườn điều” và vụ Huỳnh Văn Nén chỉ thấy tràn đầy nước mắt và có lẽ đó là nước mắt của ân tình…

Con ông Nén lớn lên trong đói nghèo, thất học

Tháng 5-1998, khi bị bắt giam, ông Nén chỉ mới 36 tuổi, ba đứa con trai thì đứa lớn nhất mới chín tuổi còn đứa nhỏ vừa lên ba. Còn nhớ năm 2002, khi ông Nén bị kết án chung thân và đang cùng tám người gia đình vợ vướng vòng lao lý trong vụ án “vườn điều”, ông Nguyễn Thận lúc đó đang là chủ tịch UBND xã Tân Minh đã cùng chúng tôi đi gõ cửa nhiều nơi xin cứu những đứa trẻ con của các bị can, bị cáo trong vụ án.

Có lần chúng tôi chứng kiến cả đám trẻ nhỏ nấu cơm bằng củi để lửa lớn quá khiến cơm cháy dính ở đáy nồi dày lên cả khúc. Tôi vẫn nhớ thằng Lượng, đứa con thứ hai của Nén bỗng “thông minh đột xuất” khi múc cả ca nước đổ vào nồi làm cơm cháy mềm ra rồi xúc chia đều cho nhau ăn. Sau rất nhiều lần vận động, cuối cùng Làng SOS Gò Vấp (TP.HCM) đã đón nhận tám đứa nhỏ vào nuôi. Trong đó có ba đứa con của ông Nén, hai đứa con của chị Nguyễn Thị Tiến, hai con của anh Nguyễn Văn Tiền và một của Nguyễn Văn Sơn (cả ba đều là người bị kết án oan trong vụ án “vườn điều”).

Ông Thận cho biết ba năm sau, riêng ba đứa con trai của ông Nén đều được trả về cho mẹ nó vì phá như giặc khi cứ hái ổi, chọc mận trong trường. Rồi các con của ông Nén cũng vẫn lớn lên nhưng lớn trong đói nghèo, thất học bởi người mẹ chỉ có gánh bánh canh, không thể một nách nuôi nổi ba miệng ăn.

Nhỏ xíu nhưng tụi nó đã biết đi làm mướn và như những con thú hoang. Thằng con trai lớn sớm hư hỏng phải đi tù hai năm vì tệ nạn xã hội, còn thằng giữa cũng phải vào tù vì bức xúc khi có người hành hung mẹ nó nên gây thương tích cho người ta. Giờ cả hai đứa đều đã thi hành xong án phạt tù, thằng lớn đã lấy vợ, có con và chí thú làm ăn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Nam (Pháp luật TPHCM)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN