Nỗi đau sau 1.346 ngày ngồi tù oan

Ngày 19.1, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) TP.HCM đã ký biên bản thỏa thuận bồi thường số tiền 295 triệu đồng do khởi tố oan sai cho ông Trương Bá Nhàn (SN 1962, ngụ thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) trong vụ án giết người – cướp của, gây chấn động dư luận. Sau 1.346 ngày tù, ông Nhàn mới được cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ bị can.

Dấu tay trên tủ của ngôi nhà bị cướp

Gặp phóng viên ngày 20.1, dù vụ việc đã trôi qua nhiều năm (ông Nhàn ra tù năm 2005), nhưng trong câu chuyện kể ông vẫn còn đầy sự ám ảnh về những ngày ở tù do quyết định khởi tố oan sai. “Tôi mất tất cả trong vụ oan sai này. Mất cuộc sống bình thường, hạnh phúc gia đình và… “hư” cả cuộc đời” - ông Nhàn nói.

Nỗi đau sau 1.346 ngày ngồi tù oan - 1
Ông Trương Bá Nhàn (trái) cùng luật sư Văn phòng luật sư Người Nghèo. Ảnh: Anh Nguyễn
Ông Nhàn bảo, đến giờ ông vẫn không hiểu vì sao mình lại dính vòng lao lý. Ông kể, ngày 2.1.2002, khi ông đang làm rẫy ở Bình Phước thì Công an TP.HCM tìm đến và bắt giữ, cáo buộc ông là hung thủ vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra nhiều ngày trước đó ở TP.HCM. Qua ngày hôm sau, ông bị khởi tố, bắt giam về 2 hành vi nói trên. “Tôi quá bất ngờ, liên tục kêu oan, nhưng lúc đó biết làm gì được, bất lực hoàn toàn” - ông Nhàn trầm ngâm.

Theo hồ sơ vụ án, trưa 12.12.2001 em N.T.T.P (SN 1988) đi học về nhà tại quận Tân Bình thì kinh hoàng khi phát hiện mẹ là bà H.T.K.A tử vong trong tư thế nằm trên nền nhà, ở khu vực đầu, mặt có nhiều thương tích, trong nhà có nhiều xáo trộn, mất số tài sản gồm khoảng 60 – 80 triệu đồng, 5 – 6 lượng vàng…

Quá trình điều tra, đấu tháng 1.2002, Công an TP.HCM bắt giữ ông Trương Bá Nhàn (là người bà con với chồng nạn nhân A), với chứng cứ cáo buộc là có dấu vân tay của ông này trên hộc tủ. Ngoài ra, trước đó ông Nhàn có kể với chồng nạn nhân A về số tiền, vàng được mẹ vợ cho sau khi bán đất, kỳ lạ là tài sản này trùng khớp với tài sản mà gia đình bà A bị cướp khi bà này bị sát hại. Số tiền, vàng mà ông Nhàn kể bị cơ quan công an thu giữ làm tang vật vụ án.

Ông Nhàn liên tục kêu oan. Quá trình điều tra, ông Nhàn khai, trước khi xảy ra vụ án không bao lâu ông có đến nhà bà A chơi, được gia đình nhờ kê lại chiếc tủ nên có lưu lại dấu vân tay của ông ở hộc tủ. Ngoài ra, nguồn gốc số tiền, vàng mà công an cáo buộc ông Nhàn cướp của gia đình bà A thì qua điều tra cũng rõ ràng. Đó là người mua đất của mẹ vợ ông Nhàn có khai, khi giao vàng có ký tên trên vàng miếng. Rõ ràng tang vật vàng miếng công an thu giữ có chữ ký của người nói trên.

Sau 1.346 ngày bị tạm giam, ngày 9.9.2005 ông Nhàn được trả tự do. Ngày 8.6.2006, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Nhàn. Nội dung quyết định xác định đã hết thời hạn điều tra, chưa đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can nên đình chỉ điều tra. Tháng 9.2006, ông Nhàn đã nộp đơn đến Viện KSND TP.HCM yêu cầu cơ quan này xin lỗi và bồi thường.

“Mất tất cả...”

Nói về những ngày dính vòng lao lý, ông Nhàn chỉ khẳng định ngắn gọn “quá kinh hoàng, đó là ác mộng của cuộc đời tôi”. Gần chục năm, ông Nhàn ôm đơn đi khắp nơi, gõ cửa từng cơ quan chức năng nhằm đòi bồi thường oan sai và tìm kiếm một lời xin lỗi.

Kể về biến cố cuộc đời, ông Nhàn nghẹn giọng... Ngày ấy, khi bị bắt, ông vừa có vợ hơn 2 năm, có đứa con trai 6 tháng tuổi. Thế nhưng ngày bước chân ra khỏi trại giam Chí Hòa (quận 10), ông vội vã trở về nhà thì không khí xưa, tình cảm xưa đã khác. Kể từ đó đến nay, ông tứ cố vô thân, không gia đình vì hạnh phúc cũng tan vỡ kể từ ngày ông bị bắt giam. Ông Nhàn nói: “Vợ tôi quá cực với những chuyện đã xảy ra với tôi và gia đình. Ngày ấy vợ tôi là nhân viên nhà nước, nhưng khi tôi bị bắt thì cô ấy chán nản rồi nghỉ việc hẳn”.

Trước khi bị bắt giam, ông Nhàn đang canh tác 5,6ha vườn cà phê, điều ở Bình Phước; trong đó phần đất do cha mẹ ông cho là 3ha. Thế nhưng khi ông bị bắt giữ, dính vào điều tiếng oan nghiệt giết – cướp thì ở nhà, gia đình ông đã bán tháo, bán đổ. Ngày bước chân ra tù, ông chẳng nghề nghiệp, không tài sản… nên trôi dạt về “cố hương”, Quảng Ngãi để làm chân bảo vệ trong một trường học.

Được chừng gần 3 năm, tức năm 2010, cha ông qua đời nên ông về chịu tang. Khi quay lại thì ngôi trường trên không nhận nữa, ông đành xuôi lên Đăk Lăk làm thuê với công việc trông coi vườn, rẫy cho người khác để hưởng mức tiền công 2 – 2,5 triệu đồng/tháng.

“Tiền công hàng tháng nhận được, tôi không đủ để bắt xe đò xuống TP.HCM tìm đến các cơ quan chức năng yêu cầu bồi thường oan sai. Nhưng vì công lý, danh dự bản thân nên tôi đã xoay sở đủ đường”- ông Nhàn tâm sự. Còn bây giờ, ông Nhàn kể, vì hết mùa vụ, nên gần một tháng trước ông về Quảng Ngãi phụ người bà con buôn bán xe đạp.

Ngày 19.1, tại trụ sở Viện KSND TP.HCM, đại diện viện này đã thương lượng bồi thường oan sai cho ông Trương Bá Nhàn. Phía ông Nhàn đã chấp nhận mức đề nghị thiệt hại do tổn thất về tinh thần do Viện KSND đưa ra với tổng số tiền 225 triệu đồng. Ông Nhàn còn được bồi thường thêm 70 triệu đồng tiền thu nhập thực tế bị mất trong thời gian bị bắt giam. Tổng cộng, ông Nhàn được bồi thường thiệt hại số tiền trên 295 triệu đồng.                                                                          

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Nguyễn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN